Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu nhà ở xã hội
Trong tuần từ ngày 3 - 9/4, nhiều thông tin thời sự, kinh tế xã hội, văn hóa thể thao, pháp luật... thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội như: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; máy bay trực thăng Belll-505 rơi trên Vịnh Hạ Long; thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi số; hoàn tất kết luận điều tra Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm; tranh luận về việc thu phí tham quan phố cổ Hội An...
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Chính phủ phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí
Trong tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Gần 6,6 triệu hộ được vay vốn chính sách
Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) đã công bố, tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách xã hội đã đạt 21.861 tỷ đồng, với gần 485.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn chính sách cũng đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 129.000 lao động, giúp 1.917 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 17.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 352.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 493 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống và mua, thuê mua, xây dựng 1.376 căn nhà ở xã hội.
Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 10.437 điểm giao dịch xã, với 168.551 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tạm dừng bay trực thăng ngắm cảnh sau vụ rơi máy bay trên vịnh Hạ Long
Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới vụ việc này. Cụ thể, tối 5/4, máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16 giờ 56 phút, đã mất liên lạc lúc 17 giờ 15 phút. Ngay khi máy bay mất tín hiệu, Công ty Trực thăng miền Bắc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng quân sự địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn.
Ngày 7/4, thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ 5 người gặp nạn trên chuyến bay trực thăng đã được tìm thấy.
Tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho mỗi nạn nhân 20 triệu đồng; TP Hạ Long hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân 16 triệu đồng/người.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã có văn bản về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm máy bay trực thăng Bell-505, đề nghị PVI khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại, tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, báo cáo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trước ngày 10/4/2023.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động cho dừng mọi hoạt động bay du lịch ngắm cảnh trên vịnh Hạ Long và các tour ngắm cảnh ở Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo chờ thông báo mới.
Thuê bao không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi số
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT), kể từ ngày 1/4 - 6/4 đã có khoảng 256.000 thuê bao, chiếm 13,5% số thuê bao bị khóa một chiều đã đến chuẩn hóa để mở lại dịch vụ. Hơn 115.000 thuê bao được ‘mở khóa’ sau khi chuẩn hóa lại thông tin cá nhân. Đến 15/4, các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa 2 chiều. Đến 15/5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số.
Đến chiều ngày 6/4, còn hơn 1,4 triệu thuê bao vẫn bị khoá một chiều. Hiện, Bộ TTTT đang tiến hành thanh tra toàn diện các nhà mạng, đáng chú ý của đợt thanh tra diện rộng này là những người có trên 20 SIM sẽ được kiểm tra thông tin xác thực.
Hoàn tất kết luận điều tra Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất Kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam; Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật, Giảng viên Đại học), Huỳnh Công Tân (Trưởng Phòng Truyền thông, Công ty Cổ phần Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mình, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream có nội dung xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 9 cá nhân. Các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng tại TP Hồ Chí Minh có lượt xem nhiều nhất đến 610.355 lượt xem, 14.000 lượt thích và 5.021 lượt bình luận. Tại Bình Dương, các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng có người xem nhiều nhất lên đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích và 32.000 lượt bình luận.
'Xe điên' đâm hàng loạt xe máy, làm 17 người bị thương ở Hà Nội
Vào khoảng 16 giờ ngày 5/4, một ô tô mất lái đã đâm 20 xe máy trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội), khiến 2 người bị thương nặng, nhiều người khác bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Ô tô mang biển kiểm soát: 29A-083.12 do anh H.N.V, sinh năm 1960 trú tại quận Long Biên chở vợ đi khám trong viện tim về thì mất lái, gây ra vụ tai nạn.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Đội CSGT số 2 Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã phối hợp cùng Công an quận Tây Hồ cùng người dân tổ chức đưa người bị nạn đi cấp cứu, phong toả bảo vệ hiện trường, phân luồng tổ chức giao thông. Qua kiểm tra, lái xe ô tô không có nồng độ cồn không có chất kích thích. Hiện nay, cơ quan công an đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc.
Chính thức có chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT 2023
Tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành công văn hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, nêu chi tiết lịch thi chi tiết của kỳ thi này. Theo đó, kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được thực hiện theo hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với thanh tra tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh. Bộ GD&ĐT nêu, Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương bảo đảm thực hiện đúng Quy chế thi, Công văn hướng dẫn này và các hướng dẫn thực hiện công tác phối hợp tổ chức thi của các cấp có thẩm quyền (nếu có).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường