Chiến lược mới để ổn định tỷ giá nhân dân tệ của Trung Quốc
Khi đồng nhân dân tệ đương đầu với áp lực giảm mạnh trong năm 2023, Trung Quốc đã có chiến lược mới để ổn định tỷ giá thay vì rút dự trữ ngoại hối để bán ra như hồi năm 2015...
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc nỗ lực ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ bằng cách chỉ đạo các ngân hàng thương mại quốc doanh mua vào đồng nội tệ và đưa ra định hướng thị trường cho các ngân hàng.
Cách làm này là một sự thay đổi lớn so với cách can thiệp của Bắc Kinh trong lần gần đây nhất khi đồng nhân dân tệ đương đầu với áp lực giảm giá mạnh. Vào năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) dùng cách can thiệp chính thức vào thị trường ngoại tệ để giữ tỷ giá nhân dân tệ, theo đó “đốt” khoảng 1 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Nhưng trong năm qua, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy khỏi nước này, PBOC không còn áp dụng cách thức như vậy để ổn định tỷ giá. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nước này bảo vệ đồng nội tệ bằng cách phát tín hiệu về dạng bán nhân dân tệ nào là được phép và không được phép.
Hãng tin Reuters đã phỏng vấn 28 nhà tham gia thị trường và rút ra kết luận có ít nhất gần 30 trường hợp cơ quan chức năng hướng dẫn sát sao và thường xuyên để các nhà tham gia thị trường có sự phối hợp hành động nhằm chống lại áp lực mất giá mạnh đối với đồng nhân dân tệ.
PBOC và Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) không công bố cụ thể các biện pháp ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng từng nói rằng cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn rủi ro đột biến đối với tỷ giá và duy trì vận hành ổn định thị trường ngoại hối. Chiến lược mà các nhà tham gia thị trường và giới phân tích tiết lộ với Reuters chính là cách đã giúp Trung Quốc ngăn chặn được sự giảm giá ồ ạt của nhân dân tệ.
Tuy nhiên, họ cũng nói rằng sự can thiệp này đã làm tê liệt những bộ phận lớn của thị trường ngoại hối Trung Quốc, khiến khối lượng giao dịch giảm mạnh và đặt ra những câu hỏi về khả năng trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu của nhân dân tệ trong tương lai.
CÁC NGÂN HÀNG THUƠNG MẠI ĐƯỢC CHỈ ĐẠO MUA NHÂN DÂN TỆ
“Tình hình hiện tại phức tạp hơn nhiều do cả các yếu tố trong nước và kinh tế vĩ mô toàn cầu”, giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận định về vấn đề tỷ giá nhân dân tệ. Ông cho rằng việc PBOC sử dụng “các biện pháp ngoài tiêu chuẩn để can thiệp vào thị trường ngoại hối” là cách để ngăn đồng nhân dân tệ mất giá quá nhanh.
Nhân dân tệ là đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nên tỷ giá của nhân dân tệ ảnh hưởng lớn đến giả cả hàng hoá trên toàn cầu và những dòng vốn trị giá hàng nghìn tỷ USD. Tỷ giá nhân dân tệ cũng là một thước đo những thách thức mà Trung Quốc đối mặt.
10 nhà giao dịch được Reuters phỏng vấn nói rằng sự cảnh báo của Trung Quốc về tỷ giá bắt đầu xuất hiện vào tháng 6, khi tỷ giá tham chiếu mà PBOC thiết lập hàng ngày bắt đầu trệch khỏi kỳ vọng của thị trường.
Về lý thuyết, tỷ giá tham chiếu được thiết lập dựa trên đóng góp từ 14 ngân hàng thương mại và tham khảo giao dịch của ngày hôm trước cũng như các biến động qua đêm, nhằm giúp thị trường dễ đoán. Nhưng đến tháng 8, việc tỷ giá tham chiếu ngày càng chênh lệch so với dự báo của các nhà giao dịch khiến họ cho rằng PBOC đang phát tín hiệu không muốn tỷ giá nhân dân tệ diễn biến đúng như sự thúc đẩy của thị trường.
Vào năm 2015, PBOC hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ 2%, nói rằng động thái chỉ diễn ra một lần này là nhằm mục đích đưa tỷ giá tham chiều về sát với định giá của thị trường hơn. Tuy nhiên, do lo sợ nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá, giới đầu tư đã bán tháo tài sản Trung Quốc, khiến thị trường chứng khoán nước này vầ nhân dân tệ giảm giá chóng mặt. Sau đó, PBOC buộc phải rút dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Lần này, nỗ lực ổn định tỷ giá nhân dân tệ của Trung Quốc bao gồm các biện pháp có trọng điểm và cụ thể hơn, nhằm vào các ngân hàng thương mại và các nhà tham gia thị trường tiền tệ - theo các nhà giao dịch trao đổi với Reuters. Chẳng hạn, khi áp lực giảm giá đối với nhân dân tệ tăng lên, các ngân hàng quốc doanh bắt đầu âm thầm mua vào đồng nội tệ. Việc mua này thường được tiến hành xung quanh các ngưỡng tâm lý quan trọng của tỷ giá và dường như thường nhằm mục đích hạn chế bớt sự biến động.
Các nhà giao dịch nói với Reuters rằng vào cuối tháng 5, họ để ý thấy các ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc đã có hai ngày mua vào nhân dân tệ sau khi đồng tiền này rớt xuống mức thấp nhất từ đầu năm tính đến thời điểm đó, Tương tự, trong tháng 12, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc tăng cường mua nhân dân tệ sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s tuyên bố cắt giảm triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch không thể ước tính được quy mô của các đợt mua nhân dân tệ này. Số liệu chính thức của Trung Quốc không có dấu hiệu nào cho thấy PBOC trực tiếp bán ra USD như hồi năm 2015. Tuy nhiên, các nhà tham gia thị trường nói rằng các ngân hàng thương mại bán ra USD có được thông qua các hợp đồng hoán đổi tiền tệ, mà các dữ liệu này không được phản ánh vào số liệu chính thức của PBOC.
ĐỊNH HƯỚNG, KHẢO SÁT THƯỜNG XUYÊN
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại nhỏ hơn nhận được các hướng dẫn không chính thức từ cơ quan chức năng yêu cầu cả ngân hàng và khách hàng giảm nắm giữ USD - theo một nhà giao dịch và nguồn tin ngân hàng. Vào tháng 7, PBOC yêu cầu hai ngân hàng quốc doanh lớn cắt giảm lãi suất tiền gửi USD - một động thái khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu và người gửi tiền chuyển đổi từ USD sang nhân dân tệ.
Sức ép đối với các ngân hàng thương mại Trung Quốc phản ánh chuẩn xác sức ép mất giá đối với nhân dân tệ - đồng tiền mất giá khoảng 2,8% so với USD trong năm ngoái, cho dù chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD so với. 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm khoảng 2,2%.
Hôm 8/9, tỷ giá nhân dân tệ so với USD giảm xuống mức thấp nhất 16 năm. Vài ngày sau, lãnh đạo 8 ngân hàng thương mại lớn được triệu tập tới Bắc Kinh trong một cuộc gặp với giới chức PBOC, theo các nguồn tin trong đó có 2 người tham dự cuộc họp này.
Tại cuộc họp, các ngân hàng được yêu cầu giảm bớt giao dịch tiền tệ giao ngay, thực hiện xen kẽ việc mua USD và không giữ các vị thế USD ròng đầu cơ giá lên vào cuối mỗi ngày giao dịch. Nhà chức trách cũng tập trung vào việc giám sát kế hoạch mua bán ngoại tệ của doanh nghiệp xuất khẩu vì đây là lực lượng nắm một lượng ngoại tệ lớn, có khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến biến động tỷ giá nhân dân tệ.
Trong những tháng gần đây, nhà chức trách gọi điện tới các ngân hàng và tiến hành khảo sát với tần suất gần như hàng tuần về ý định mua bán tiền tệ của khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu - theo lãnh đạo của 5 ngân hàng có trao đổi với Reuters. Trước đây, những cuộc gọi như vậy chỉ có rải rác và các cuộc khảo sát chỉ được tiến hành mỗi tháng 1 lần.
Khối lượng giao dịch nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục đã giảm 73% từ mức của tháng 8 xuống mức thấp kỷ lục 1,85 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 10. Điều này cho thấy các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi của PBOC về giảm giao dịch, nhất là giao dịch mua USD, nhưng đồng thời cũng cho thấy nỗ lực bình ổn tỷ giá của PBOC đã khiến thị trường tiền tệ tê liệt - giới phân tích nhận định.
Hiện tại, tỷ giá nhân dân tệ có vẻ như đã ổn định trên mức đáy của 16 năm thiết lập vào tháng 9. Trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc đại lục, tỷ giá nhân dân tệ phiên giao dịch ngày 2/1 giao dịch quanh ngưỡng 7,13 nhân dân tệ đổi 1 USD, giảm nhẹ so với mức chốt của năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận