Lạm phát đang là tâm điểm của kinh tế thế giới và giới đầu tư toàn cầu do lo ngại những ảnh hưởng lớn đến chính sách điều hành của mỗi quốc gia, về suy thoái kinh tế và dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Các số liệu gần đây cho thấy chỉ số CPI tại Mỹ và các quốc gia EU đang ở mức cao nhất trong 30 năm. Tại Việt Nam, lạm phát đang có những dấu hiệu gia tăng. Với độ mở kinh tế cao và chịu tác động từ những yếu tố “chi phí đẩy” và “cầu kéo” thì áp lực lạm phát giai đoạn tới có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Trong khi việc dự báo lạm phát sẽ tốn nhiều nguồn lực và đang có nhiều quan điểm trái chiều từ các nhà kinh tế hàng đầu, việc chuẩn bị trước kịch bản xây dựng danh mục khi lạm phát tăng cao, giúp nhà đầu tư chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của kinh tế.
Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức kinh tế lớn, cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư phù hợp trong chu kỳ lạm phát. lạm phát dưới 10% chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Lạm phát xảy ra trong bối cảnh kinh tế vẫn đang trong đà tăng trưởng thường vẫn là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán, ngược lại khi kinh tế rơi vào suy thoái. Các kênh đầu tư như Bitcoin và các tiền điện tử mang tính chất đầu cơ và chưa có khung pháp lý hoàn thiện; trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn đang ở mức thấp. Trong môi trường lạm phát vừa phải, TTCK vẫn là kênh đầu tư phù hợp khi tăng trưởng GDP được dự báo tiếp tục ở mức cao. Một số nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm trong thời kỳ lạm phát: (1) Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tới; (2) Hưởng lợi khi lạm phát xảy ra
Nhóm cổ phiếu tăng tỷ trọng nắm giữ
Nhóm hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa: Khi lạm phát leo thang thì giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt là các hàng hóa cơ bản. Việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là hợp lý khi việc đầu tư vào hàng hóa phái sinh vẫn chưa phù hợp với đa số nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá bán đầu ra
Nhóm tự chủ được nguồn đầu vào, hưởng lợi từ giá bán đầu ra: Trong thời kỳ lạm phát, khi giá cả nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận cải thiện. Mức độ hưởng lợi sẽ càng lớn đối với các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát giá bán đầu ra hoặc các mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Các nhóm doanh nghiệp tự sản xuất và cung ứng các mặt hàng được hưởng lợi từ các sự kiện địa chính trị sẽ là các nhóm đáng lưu ý. Các nhóm doanh nghiệp này khi đã hoàn thiện được chuỗi giá trị sẽ ít chịu tác động bởi lạm phát và rất phù hợp để đầu tư trung và dài hạn.
Nhóm Dầu khí: Giá dầu Brent đã liên tục tăng mạnh hơn 50% và giá khí tại khu vực châu Âu cũng đã tăng hơn 90% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng tại châu Âu và thế giới khi Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 toàn cầu và cung cấp tới 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Diễn biến giá dầu, khí trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào mức độ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine và các biện pháp cấm nhập khẩu dầu của EU. Việc giá dầu duy trì ở vùng giá cao từ 80 - 100 USD/thùng có thể giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành được cải thiện tốt khi hầu hết đều đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên kịch bản giá dầu khoảng 60 – 70 USD/thùng năm nay.
Nhóm Nhu yếu phẩm bao gồm: Ngành Nông nghiệp, Thực phẩm – với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao khi Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia chiếm tỷ trọng lớn khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mì và 19% sản lượng ngô. Do lo ngại xung đột tiếp tục và giá cả ngày càng leo thang, 30 nước đã hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực để đảm bảo an ninh lương thực. Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành sản phẩm thay thế cho lúa mì hay ngô. Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chi phí
Nhóm ngành Bảo hiểm: Trong môi trường lạm phát tăng cao, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thường khởi sắc hơn . Nguyên nhân là do (1) Lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm lại tăng lên; (2) Tỷ trọng các khoản tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất có thể tăng lên để kiềm chế lạm phát. Đáng chú ý, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như BVH, lãi suất kỹ thuật (lãi suất TPCP kỳ hạn trên 10 năm) tăng sẽ giúp chi phí trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng ký mới giảm, và qua đó giúp cải thiện lợi nhuận và gia tăng vốn chủ sở hữu.
Các nhóm nhóm ngành Phòng thủ: Trong giai đoạn lạm phát cùng với những bất ổn địa chính trị như hiện nay, các ngành thiết yếu như Điện, Nước, Dược phẩm, Công nghệ có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là điểm đến an toàn. Trong khi nhóm Công nghệ đang là xu hướng đầu tư trong tương lai với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì các nhóm ngành còn lại đặc thù mức định giá khá hợp lý, cổ tức đều đặn hàng năm và sẽ phù hợp để tích lũy tại các nhịp giảm điểm của thị trường
Nhóm cổ phiếu giảm tỷ trọng
Nhóm cổ phiếu có hệ số nợ cao: Khi lạm phát và lãi suất tăng lên thì khi đó áp lực tài chính sẽ tăng, kéo theo biên lợi nhuận thay đổi, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thấp, không có quỹ đất tiềm năng, sẽ là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Trong đó, một số nhóm ngành có hệ số vay nợ khá cao có thể kể đến nhóm Bất động sản, Xây dựng với hệ số Nợ/Vốn chủ sở hữu tiệm cận mức 1x và đang có xu hướng tăng dần. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đầu ngành có sức chịu đựng tốt hơn cũng có thể tận dụng cơ hội để thâu tóm thị phần và thực hiện các đợt M&A để mở rộng quy mô. Nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính bền vững, khả năng trả nợ và thanh toán các khoản lãi vay cao và tránh các cổ phiếu có tỷ lệ vay nợ lớn.
Các doanh nghiệp chưa hoàn thiện chuỗi giá trị và có sức cạnh tranh yếu: Đây là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi giá cả đầu vào và không có khả năng chuyển giá sang cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong chu kỳ lạm phát, các doanh nghiệp này sẽ dễ bị tổn thương dẫn đến doanh thu và biên lợi nhuận sẽ thu hẹp dần khi các chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán đầu ra khó tăng do áp lực cạnh tranh. Một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng khi lạm phát tăng lên bao gồm: Nhóm Xây dựng, Nhựa và sản phẩm nhựa, Nhóm Chăn nuôi và TACN, Nhóm Vận tải Logistics, Nhóm cung cấp các dịch vụ sản phẩm không thiết yếu. Mặc dù vậy các doanh nghiệp đầu ngành thuộc các nhóm trên vẫn là cơ hội đầu tư phù hợp khi giá giảm về vùng chiết khấu hợp lý
Nhóm các cổ phiếu Đầu cơ: Khi lạm phát và lãi suất tăng, dòng tiền có thể bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại các tài sản rủi ro thấp như tiền gửi ngân hàng. Đây là nhóm cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh thị trường chuyển biến xấu hoặc khi có các thông tin vĩ mô, địa chính trị không thuận lợi. Trong đó, nhiều cổ phiếu có tính chất đầu cơ hiện đang có mặt bằng giá cao so với cùng kỳ năm 2021 trong khi các hoạt động kinh doanh không cải thiện. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng với các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, đã tăng nóng để bảo toàn danh mục.
Bình luận