Chia cổ tức bằng cổ phiếu: Củng cố nền tảng tài chính
Theo các chuyên gia, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông khi mà hiện thị trường chứng khoán đang khởi sắc, thị giá cổ phiếu ngân hàng đứng ở mức cao. Trong khi các ngân hàng tăng được vốn sẽ củng cố năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, qua đó mang lại lợi nhuận trong dài hạn cho cổ đông.
Thời gian gần đây thị trường chứng kiến hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua phương thức phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông. Chẳng hạn như HDBank vừa được sửa đổi vốn điều lệ ghi trong giấy phép hoạt động lên gần 20.073 tỷ đồng. Trước đó ngân hàng này đã phát hành thêm 398,44 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 25% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2020.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp cho ngân hàng sẵn sàng cho kế hoạch tăng trưởng cao theo chiến lược đề ra. Mới đây, HDBank công bố đã triển khai Basel III. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) cũng vừa nâng Triển vọng xếp hạng từ "Ổn định" lên "Tích cực" với nhận định xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của HDBank có thể được điều chỉnh nâng bậc trong 12-18 tháng tới. HDBank cũng công bố ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm dịch vụ với một loạt đơn vị trong hệ sinh thái, mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích vượt trội.
Tương tự, MSB sẽ phát hành 353,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30% để tăng vốn điều lệ từ mức 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng. Khi quy mô vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng sẽ có cơ hội đầu tư đầu tư vào các dự án chiến lược, mở rộng phát triển hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2021 – 2023. Đồng thời giúp ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn về vốn, quản trị rủi ro cho ngân hàng đáp ứng các chuẩn quốc tế Basel II, hướng tới Basel III.Nhờ đó, vượt lên ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. ROE đạt 24%, tăng mạnh so với mức 21,1% cùng kỳ năm trước. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với CAR (Basel II) đạt 13%...
SHB cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2020 để tăng vốn điều lệ từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng. Trong đó, tăng thêm 2.022 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10,5% từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2020 và tăng thêm 5.392 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, SHB cũng đã phát hành thành công hơn 175 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức hơn 19.260 tỷ đồng. Theo một lãnh đạo ngân hàng này, việc tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu nâng cao tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin, đặc biệt thúc đẩy mạnh việc số hóa ngân hàng, hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng hàng đầu Việt Nam.
Hay như VPBank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Trước đó HĐQT VPBank đã thông qua kế hoạch phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 62,15% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 17,85%.
Hiện vốn điều lệ của VPBank ở mức 25.300 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt hơn 45.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank. Bên cạnh việc chia cổ tức, VPBank cũng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông nước ngoài với mục tiêu trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu thời gian qua cũng được NHNN khuyến khích các TCTD thực hiện nhằm gia cố vững chắc nền tảng tài chính. Trong công văn 6561/NHNN-TTGSNH ban hành tháng 9/2021, NHNN yêu cầu các TCTD tập trung năng lực tài chính, trong đó tiếp tục khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế và không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông khi mà hiện thị trường chứng khoán đang khởi sắc, thị giá cổ phiếu ngân hàng đứng ở mức cao. Trong khi các ngân hàng tăng được vốn sẽ củng cố năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, qua đó mang lại lợi nhuận trong dài hạn cho cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận