Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm trên 32% so với ngày hôm qua
Ngày 7/6, giá vàng thế giới bật tăng trở lại trong khi giá vàng trong nước đi ngang so với phiên hôm qua. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được thu hẹp thêm gần 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên trước...
Sáng 7/6, Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng miếng SJC đối với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là 75,98 triệu đồng/lượng, đi ngang so với hôm qua.
Theo đó, BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank cùng niêm yết giá bán vàng miếng ngày 7/6 tại mức 76,98 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên giao dịch hôm qua.
Công ty SJC cũng niêm yết giá bán ra tương tự các ngân hàng thương mại Nhà nước. Ở chiều mua vào, doanh nghiệp này đang giao dịch ở mức 74,98 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với hôm qua.
Trên thị trường, các doanh nghiệp như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Phú Quý, Mi Hồng… giữ nguyên gía vàng miếng SJC bán ra so với phiên hôm qua là 76,98 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, ở chiều mua vào, Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ 500 ngàn đồng/lượng, giao dịch tại 75,5 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch mua – bán vàng miếng của các thương hiệu duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng trong ngày 7/6.
Lúc 13h ngày 7/6, các thương hiệu điều chỉnh giá vàng nhẫn tăng nhẹ 100 ngàn đồng mỗi lượng so với hôm qua. Hầu hết các thương hiệu đồng loạt niêm yết vàng nhẫn bán ra trên mốc 75 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1-5 chỉ giao dịch tại mức 73,6 - 75,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng nhẫn tròn của PNJ niêm yết tại 73,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào, đi ngang so với phiên 6/6 và 75,3 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ 100 ngàn đồng/lượng so với phiên hôm trước. Vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu giao dịch tại 74,58 triệu đồng/lượng mua vào và 75,78 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng nhẫn tròn 999 của Mi Hồng đang được giao dịch tại 72,6 triệu đồng/lượng mua vào và 73,9 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 100 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Ngày 7/6/2024, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn dao động quanh mức 1,6 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp, chỉ còn khoảng 2,7 triệu đồng/lượng (ngày 6/6 chênh lệch 3,98 triệu đồng/lượng).
Chênh lệch giá mua và bán vàng nhẫn của các thương hiệu đều dao động trong khoảng 1,2-1,7 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn hiện chỉ ở mức 1,6 triệu đồng mỗi lượng.
Dù giá vàng trong nước đi ngang nhưng chênh lệch với giá thế giới vẫn được thu hẹp thêm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua, do giá vàng giao ngay trên thế giới bật tăng mạnh. Theo Công ty phân tích dữ liệu WiGroup, lúc 11h30 ngày 7/7, giá vàng thế giới quy đổi (đã bao gồm thuế, phí... và quy đổi theo tỷ giá thị trường tự do) ở mức 74,28 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện chỉ còn khoảng 2,7 triệu đồng/lượng (ngày 6/6 chênh lệch 3,98 triệu đồng/lượng).
Chốt phiên giao dịch ngày 6/6, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng 20 USD lên 2.376 USD. Trong phiên, giá có thời điểm lên 2.378 USD - cao nhất 2 tuần. Vài ngày qua, giá vàng liên tục biến động với mức 20-30 USD một phiên.
Hai diễn biến có lợi cho giá vàng xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 6/6 là: (1) dữ liệu kém khả quan về thị trường lao động tại Mỹ khiến đồng USD suy yếu và (2) Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019.
ECB đã giảm lãi suất cơ bản từ mức 4% xuống 3,75%. Tuy nhiên, ECB không cam kết về một lộ trình nới lỏng chính sách cụ thể tiếp theo.
ECB bắt đầu đảo ngược chuỗi tăng lãi suất lịch sử và nới rộng khoảng cách chính sách với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo giới phân tích, mặc dù hành động này có thể thúc đẩy tăng trưởng của châu Âu trong ngắn hạn nhưng có thể làm phức tạp quyết định của các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là ở châu Âu trong thời gian tới.
Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy châu Âu đang phải đối mặt với nhiều áp lực lạm phát tương tự Mỹ về tăng trưởng tiền lương và dịch vụ. Lạm phát cơ bản ở khu vực châu Âu đã tăng từ mức +2,7% lên mức +2,9% vào tháng trước.
Trong kịch bản ECB cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa nhưng Fed vẫn giữ nguyên lãi suất thì đồng EUR sẽ giảm mạnh so với USD, làm tăng chi phí nhập khẩu, khiến lạm phát ở khu vực EU bùng phát trở lại. Điều này có thể trì hoãn lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ ở châu Âu, nơi nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ lớn hơn so với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ tại Mỹ.
Hôm nay, giới đầu tư tiếp tục chờ báo cáo việc làm tháng 5 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Giới phân tích dự báo nền kinh tế tạo thêm 185.000 việc làm mới, cao hơn mức tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp có thể là 3,9%. Báo cáo việc làm có thể tác động đến quyết định lãi suất của Fed, từ đó ảnh hưởng đến thị trường vàng.
"Nếu báo cáo việc làm yếu đi, vàng có thể tăng trong ngắn hạn", ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết. Ngược lại, báo cáo mạnh hơn sẽ gây sức ép lên kim loại quý, do Fed "sẽ khó khăn hơn" trong việc giảm lãi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận