24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chat GPT sẽ thay đổi cách chúng ta đọc sách như thế nào?

Sự xuất hiện của Chat GPT có lẽ không là một điều gì mới mẻ cả, tuy nhiên cái cách nó làm cho người ta wow về những khả năng mà công nghệ số và dữ liệu số có thể tác động đến đời sống của chúng ta đã tạo ra một “điểm bùng phát”.

Những sự phát triển về công nghệ này đã được tiến triển rất tốt trong suốt những thập kỷ qua, tuy nhiên, sự phát triển tiệm tiến, từng bước của nó, chưa từng được thể hiện theo cái cách “có tính thách thức” đến thế. Điều này, sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Sẽ là một bể mênh mông khi bàn đến điều này, bởi cũng như một phần không thể tách rời của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang len lỏi đến từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày, Chat GPT và các công nghệ tương tự sẽ có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống. Do vậy, tôi sẽ tiếp cận nó từ những chiều kích cụ thể và gần gũi nhất để hình dung ra được những tác động căn bản này – bắt đầu tư việc đọc sách.

Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập dữ liệu, thông tin và tri thức. Chưa bao giờ dữ liệu, thông tin và tri thức được gia tăng theo cấp số nhân theo những chu kỳ thời gian ngày càng ngắn đi và tạo ra một cái bể (pool) khổng lồ dữ liệu (bigdata). Sự gia tăng này được kích hoạt và gia tăng hiệu ứng tác động xã hội nhờ hiệu ứng của mạng lưới (network effect). Con người càng được kết nối với sự thuận tiện hơn, hiệu quả hơn, với khối lượng dữ liệu được trao đổi nhiều hơn trên một đơn vị thời gian, tạo thành những mạng lưới ngày càng dày đặc, đa tầng (multilayers), đa cấp độ (multichannels) đã tạo ra sự cộng hưởng theo cấp số nhân của những dữ liệu, thông tin và tri thức đang được gia tăng theo cấp số nhân đó. Tuy nhiên, con người gặp những giới hạn về khả năng sinh lý trong việc tiếp cận và xử lý khối lượng dữ liệu, thông tin, và tri thức đó. Sự phát triển của các công nghệ đã giúp con người có được những phương tiện, công cụ hữu hiệu để vượt qua những giới hạn, thách thức và kiểm soát hiệu quả tiến trình đó. Cần nhấn mạnh tính phương tiện/công cụ của công nghệ và không có nghĩa ngược lại, trừ khi con người tự tha hóa mình thành một “cái máy”.

Trước đây, để có thể sống trong một “xã hội thông tin/tri thức” hiệu quả, chúng ta cần “nạp” dữ liệu, thông tin, và tri thức cho mình ở một mức độ cao nhất có thể. Đọc sách, là một cách thức hữu hiệu để tạo nên điều này. Chính vì vậy, ai đọc được nhiều, “tiêu hóa” hiệu quả những gì sách vở đem lại sẽ là người có nhiều cơ hội. Chúng ta cũng vì vậy, mà đã dạy những cách đọc sách nhanh, phải đọc sách này hay sách nọ... Tuy nhiên, giới hạn cũng dần hiện ra trước mặt khi mà sách vở phát triển với cấp độ số nhân, còn ta chỉ dạo bước với cấp độ số cộng được mà thôi. Và sự xuất hiện các năng lực tìm kiếm, tổng hợp của “máy móc” ngày càng hiệu quả nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lực học máy (ML và DL) ngày càng hiệu quả và thông minh hơn, đã khiến cho rất nhiều điều “cần phải làm” trước đây của con người trở nên “có vẻ thừa thãi” hay “vô ích”. Chat GPT cũng là một biểu hiện của điều đó.

Tại sao chúng ta cần phải đọc sách? Câu hỏi này, đặt trong bối cảnh/trường (context/field) của cuộc cách mạng kỹ thuật số đòi hỏi chúng ta phải có một suy ngẫm đủ sâu với một tầm nhìn xa hơn. Con người, để có thể thích ứng hiệu quả với môi trường xã hội, phát triển, cần phải biết rõ, nắm chắc và hiểu sâu về môi trường xã hội. Đọc sách có một ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc giúp con người biết rõ, nắm chắc và hiểu sâu về môi trường xã hội, cho dù nhiều sách vở chúng ta đọc theo cách chúng ta gọi là “giải trí” đi chăng nữa. Cái biết là điểm khởi đầu, nó là giai đoạn thô mang tính thu thập “dữ liệu”, đọc sách do vậy, để biết, chính là quá trình thu thập dữ liệu. Dữ liệu được thu thập này cần được phân tích và quá trình nắm chắc những gì chúng ta thu nhận được (tiến trình tri nhận), tuy nhiên, sự rơi rụng bắt đầu diễn ra ở cấp độ này ngày càng lớn hơn khi chúng ta đọc nhiều nhưng “tiêu hóa” thực chẳng bao nhiêu. Và cuối cùng, nó cần phải được xử lý, tức là chuyển hóa cái được tri nhận thành những thứ đáp ứng cho các yêu cầu thích nghi với thực tiễn hiệu quả - hiểu sâu. Hiện tại, những kiểu công nghệ như Chat GPT sẽ có khả năng thay thế chúng ta trong việc dồn năng lượng cho “biết” như những công cụ/phương tiện giúp chúng ta biết nhanh hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn. Nhưng nắm chắc và hiểu sâu thì Chat GPT không thể!

Do vậy, đọc sách không còn là một tiến trình thu thập dữ liệu thuần túy nữa, nếu chỉ có vậy, máy móc sẽ đe dọa chúng ta mỗi ngày, thay thế chúng ta càng ngày càng hiệu quả. Những lao động trước đây thường chủ yếu dựa trên cái khả năng “biết” nhanh để tổng hợp và nhào nặn một cách thuần túy các dữ liệu thu thập được sẽ thấy các công nghệ như Chat GPT đang là một đối thủ nặng ký. Đọc sách giờ không còn chỉ là “đọc”, tức là “thu thập thuần túy” nữa, mà phải biết đọc để làm – tức là “tiêu hóa hiệu quả” cái đọc được, không cần đọc nhiều, mà quan trọng biết cái cần đọc, đọc để làm gì và làm sao chuyển hóa (transform) cái đọc được thành những kết quả/hệ quả - tức các “giá trị tri nhận”, khi đó, đọc sách mới hiệu quả thực sự. Lúc này các công nghệ như Chat GPT sẽ bị thuần hóa thành các công cụ giúp chúng ta “đọc” và “thu thập” một cách hiệu quả nhất những gì chúng ta cần đọc. Và tiến đến một bước cao hơn nữa, là chuyển hóa “gái trị tri nhận” thành những “giải pháp” cho thực tiễn, điều này là lĩnh vực và địa giới của con người.

Xã hội công nghiệp từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX về căn bản đã tạo ra một xã hội của những con người công nghiệp, và giờ khi chúng ta bước sang thế kỷ XXI trước những tác động mang tính cách mạng của cuộc cách mạng kỹ thuật số, tiến vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số, những con người công nghiệp tất yếu sẽ không còn thích hợp và sẽ bị đào thải. Trong xã hội công nghiệp, những con người công nghiệp cần làm tốt chuyên môn trong một lĩnh vực hẹp với khả năng thuần thục các kỹ năng, nắm bắt tốt các mô hình và lặp lại một cách hiệu quả các tiến trình, cũng như khẳng định giá trị bằng khả năng thay thế hiệu quả các khâu đoạn trong các tiến trình công nghiệp (industry – không chỉ giới hạn trong lĩnh vực sản xuất mà cả trong dịch vụ). Trong kỷ nguyên số và xã hội số, những năng lực vốn là ưu thế của con người trong xã hội công nghiệp sẽ bị máy móc dần thay thế, con người phải trở thành những “con người thực thụ” và điều đó nằm ở “tri thức” của mỗi con người. Đây là lý do tại sao chúng ta nói “dữ liệu” là nguồn năng lượng chủ đạo của kỷ nguyên số - bởi vì nó là “nguyên liệu” tạo thành tri thức cho mỗi con người. Khả năng tri thức hóa dữ liệu chính là tiến trình “vốn hóa dữ liệu”, biến dữ liệu thành vốn (data-capital).

Chat GPT và các công nghệ tương tự, do vậy sẽ thay đổi hoàn toàn cái cách chúng ta đọc sách cùng với sự tiến bộ mỗi ngày của chúng, theo cách, coi sách như một “thư viện khổng lồ” để thông qua các công nghệ hỗ trợ, truy cập một cách hiệu quả cái thư viện này, để đúc rút ra từ đó những “dữ liệu” cần thiết cho các mục tiêu cụ thể được xác lập. Nếu không thực sự biết mình đọc để làm gì thì việc đọc sẽ càng ngày càng trở nên vô nghĩa, thậm chí là tai hại/tiêu cực nếu tiếp tục đọc như vậy, nó chỉ khiến con người càng ngày càng thụ động và bị thao túng, bị ngu hóa bởi ảo tưởng tri thức. Phải biết mình đọc để làm gì, để từ đó biết đọc gì, đọc như thế nào, đọc cái gì cụ thể. Và quan trọng hơn nữa, phải làm chủ công nghệ, chứ không phải để công nghệ trở thành “ông chủ” của một cái đầu lười suy nghĩ với tư duy phiến đoạn (clip-thinking).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả