Chặn thao túng giá: Án nặng không bằng chế tài kịp thời
Cứ sau một vụ việc thao túng giá chứng khoán bị phanh phui, nhiều nhà đầu tư lại đau đáu với câu hỏi: Liệu có còn những sai phạm tương tự như vậy trong tương lai hay không?
Khung pháp lý chặn đà “lũng đoạn” thị trường
Năm 2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và khoáng sản Miền Trung (MTM). Ðây là vụ án thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư vì sau gần 10 năm, hành vi lũng đoạn thị trường chứng khoán mới bị xử lý hình sự.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 182 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 129 cá nhân, 53 tổ chức. Tổng số tiền phạt là 13,6 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, có 1 vụ án liên quan đến thao túng giá chứng khoán được đưa ra xét xử, 1 vụ án đã khởi tố và tạm giữ bị can và 1 vụ án đã kết thúc điều tra, chuẩn bị truy tố, xét xử.
Nhìn lại quá khứ, số lượng các vụ án thao túng giá chứng khoán dính líu đến trách nhiệm hình sự chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Có thể kể đến như vụ án ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Ðông bị kết án 4 năm tù năm 2011; bà Nguyễn Vân Giang, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Ðông Á - Chi nhánh Hà Nội bị khởi tố năm 2017.
Gần đây nhất là tuyên án vụ MTM và vụ bà Phạm Thị Hinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận) đang chờ xét xử.
Trong khi đó, từ Bộ luật Hình sự 1999 đến Bộ luật Hình sự 2015, pháp luật quy định về các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán.
Ðặc biệt, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, việc phân tách và định nghĩa tội danh được làm rõ hơn thì việc áp dụng chế tài hình sự cũng trở thành công cụ phòng ngừa và răn đe hiệu quả.
Ví dụ, Ðiều 211, Bộ luật Hình sự quy định, chỉ cần có các hành vi sau được xác định là phạm tội thao túng thị trường chứng khoán: sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo…
Kèm với đó, phải chứng minh được hành vi thao túng có việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên và gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên.
Trong những năm qua, cơ quan điều tra, tố tụng đã làm rõ những hành vi như trục lợi tài khoản của nhà đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn (TSS), Công ty cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS).
Cùng với đó, nhiều “mảng tối” tại các doanh nghiệp niêm yết như “thổi giá”, mua bán thông tin nội gián… được đưa ra ánh sáng.
Vì sao có những sai phạm đã phát lộ lại rất khó xử lý hình sự, mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính?
Theo một số chuyên gia, một phần vì hành vi của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp, phần khác xuất phát từ quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc trong việc chứng minh hành vi thao túng, cách tính hậu quả thiệt hại của nhà đầu tư…
Ðơn cử, cuối năm 2018, qua kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện ông Nguyễn Quang Dũng (Hà Nội) có hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần May Phú Thành (mã chứng khoán MPT) thông qua việc sử dụng 24 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả tạo.
Nhưng khi căn cứ vào kết quả xác minh của cơ quan công an thì hậu quả do hành vi trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra mức phạt tiền 550 triệu đồng.
Xác định đúng tội danh, nâng tính răn đe
Khung pháp lý dần hoàn thiện khiến việc nhận diện tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán cũng trở nên thuận lợi hơn.
Nhưng vì sao khi thị trường đã có những dấu hiệu cảnh báo từ rất sớm hoặc có những vụ việc, nhà đầu tư nhận thấy có sự “mờ ám” và thị trường phát tín hiệu, nhưng phải mất thời gian dài, cơ quan điều tra mới vào cuộc và làm rõ?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho rằng, hầu hết tội phạm trong lĩnh vực kinh tế là những đối tượng có tri thức nên thủ đoạn thường rất tinh vi, mới mẻ, phức tạp.
Trong khi đó, pháp luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được xử lý những hành vi vi phạm mà pháp luật đã quy định.
Do đó, họ sẽ rất khó định vị các quy định, điều luật vì có thể cùng một sự việc, hiện tượng, nhưng tên gọi khác nhau hoặc sự việc “na ná” thì có thể chưa chắc đã xem xét để xử lý ngay được.
Nhưng cũng thấy rằng, qua một số vụ án đã được đưa ra xét xử thời gian qua, việc xác định đúng tội danh, hình phạt đã nâng tính phòng ngừa và răn đe.
Minh chứng như trong vụ án MTM, cơ quan tố tụng đã xác định những đối tượng chủ chốt gồm Trần Hữu Tiệp (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MTM) và Phùng Thành Công (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty MTM) đã hoàn thiện hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch trên UPCoM, làm giả hồ sơ đại hội đồng cổ đông, chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản mua bán cổ phiếu MTM khớp chép giữa các tài khoản cho mượn, nhằm tạo cung - cầu giả tạo.
Với hàng loạt hành vi xảy ra, Trần Hữu Tiệp bị truy tố, xét xử và nhận mức án phạt chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ðây là mức án phạt cao nhất trong khung hình phạt của tội danh này.
Ngoài ra, bị cáo Trần Hữu Tiệp còn phải liên đới với một số người khác bồi thường thiệt hại cho các bị hại với số tiền 17 tỷ đồng.
Còn với hai bị cáo là cấp dưới giúp sức cho Trần Hữu Tiệp, trực tiếp sử dụng các tài khoản thao túng chứng khoán gồm Bùi Thiện Lý (trú ở phường Mỹ Ðình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Ðỗ Hữu Tài (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Ðống Ða, Hà Nội), tòa án tuyên phạt lĩnh mức án 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Án nghiêm không bằng chế tài kịp thời
Khi xây dựng luật, các nhà làm luật đã tính toán đến các mức độ hành vi và các khung hình phạt tương xứng.
Còn ở góc độ nhà đầu tư, việc đưa ra xét xử những vụ án trong thời gian qua là cần thiết, thể hiện sự thượng tôn pháp luật nhưng đó là “chuyện đã rồi”, trong khi thị trường luôn biến động từng giây, từng phút.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền đánh giá, hiện nay các chế tài xử phạt phần nào còn chưa mang tính chất kịp thời, hành động của các cơ quan quản lý chưa tương thích với tính chất biến động nhanh nhạy của thị trường.
Án nghiêm không bằng chế tài kịp thời. Theo luật sư, nên chăng ngay từ đầu, cơ quan quản lý, các bên liên quan kiểm soát tốt việc công bố thông tin, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp xảy ra việc vi phạm về thời hạn và nội dung công bố thông tin cần có chế tài xử lý ngay lập tức.
Ðiều này phần nào sẽ giúp thị trường minh bạch, ngăn chặn sớm hành vi lũng đoạn thị trường, giúp nhà đầu tư tránh được những “cái bẫy” do một số cá nhân giăng ra nhằm trục lợi trên thị trường chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận