Chán nản với phong tỏa, nhiều người tính rời bỏ Thượng Hải
Nhiều nhân sự ngành tài chính chia sẻ quan ngại sâu sắc về các biện pháp phòng dịch cực đoan tại Trung Quốc.
Nhiều nhân sự trong lĩnh vực tài chính tại thành phố Thượng Hải đang cân nhắc quay trở lại Hong Kong hoặc chuyển tới các trung tâm tài chính lớn khác ngoài Trung Quốc khác chỉ sau một thời gian ngắn sinh sống và làm việc tại đây. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các lệnh phong tỏa phòng dịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống thường nhật của họ.
Hàng ngàn nhân viên ngân hàng, giao dịch viên và nhà đầu tư tại “thủ phủ” tài chính của nền kinh tế số 2 thế giới đang bị “giam cầm” trong chính ngôi nhà của mình. Không ít người trong số họ còn gặp khó trong quá trình mua sắm thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Lệnh phong tỏa, tính tới thời điểm hiện tại đã kéo dài tròn một tháng, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và hoạt động kinh doanh của họ. Một số giao dịch phải tạm hoãn vì những nút thắt trong công tác hậu cần, theo một nguồn thạo tin.
“Những gì đang xảy ra tại Thượng Hải nằm ngoài sức tưởng tượng”, theo Melvyn Xu,một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân, người chuyển từ Hong Kong tới Thượng Hải vào cuối năm 2020.
Xu đang mong chờ thời điểm các lệnh hạn chế đi lại qua biên giới được gỡ bỏ, và đang cân nhắc gửi lũ trẻ về Hong Kong để tiếp tục công việc học tập. Anh giờ đây chỉ coi Thượng Hải chỉ là “nơi để làm việc”.
“Tôi cho rằng nỗi bức xúc lớn nhất đó là bạn không thể làm gì để có thể giúp thay đổi tình hình (lệnh phong tỏa). Với người dân sinh sống tại đây, họ hầu như chẳng có chút quyền thương lượng nào”, anh nói.
Xu hướng di cư này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tham vọng trở thành một trung tâm tài chính khu vực, là điểm đến lý tưởng của nhiều ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, các quỹ quản lý tài sản, vốn xuất hiện ngày một nhiều tại thành phố này trong một vài năm trở lại đây, sau khi Trung Quốc mở cửa lĩnh vực tài chính.
Quá trình phát triển nhanh của lĩnh vực tài chính tại Thượng Hải đã thuyết phục nhiều ngân hàng, công ty giao dịch và quỹ đầu tư rời bỏ Hong Kong tới thành phố này, nhằm xích lại gần hơn với khách hàng, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm khi được làm việc trong một môi trường hoàn toàn mới và trong những giao dịch có giá trị lớn.
Nhưng giấc mơ đó “sớm nở, chóng tàn”.
“Khi lệnh phong tỏa chấm dứt, không ít người nước ngoài sẽ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại một quốc gia khác ngoài Trung Quốc”, theo Jason Tan, giám đốc công ty nhân lực REForce.
Nhiều nhân sự ngành tài chính chia sẻ quan ngại sâu sắc về các biện pháp phòng dịch cực đoan tại Trung Quốc, Tan chia sẻ. “Sẽ không hay nếu như tình hình hiện tại kéo dài…Các lệnh phong tỏa có thể được tái áp dụng nhiều lần. Và lần sau có thể sẽ dài và nghiêm ngặt hơn lần trước”.
Thử thách lớn nhất đối với các chuyên viên ngân hàng tại Thượng Hải chính là quá trình thẩm định khi khách hàng của họ có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc thực hiện một thương vụ mua bán-sáp nhập.
“Chúng tôi phải tới nhà máy của họ để đánh giá nhiều khía cạnh. Chúng tôi không thể thực hiện điều đó thông qua hình thức trực tuyến”, theo một nhân viên ngân hàng nước ngoài, người mới được luân chuyển đến Thượng Hải hồi tháng 2.
Một nhà quản lý quỹ tại Thượng Hải cho biết rằng lệnh phong tỏa, ít nhất là trong ngắn hạn, cơ bản làm thay đổi môi trường kinh doanh tại thành phố này.
“Thượng Hải là trung tâm tài chính, công nghiệp lớn của Trung Quốc, vận hành như một cỗ máy. Nhưng không có bất cứ sự thay đổi nào được thực hiện nhằm giúp cỗ máy đó hoạt động một cách trơn tru, dù không ít người dân lên tiếng phàn nàn trên mạng xã hội”, vị quản lý đó nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận