Chân dung tỷ phú từng giàu nhất Hàn Quốc: Lớn lên ở khu ổ chuột, bắt đầu từ vị trí nhân viên "quèn" của Samsung
Khối tài sản của tỷ phú Kim Beom-su có lúc đã vượt Chủ tịch Samsung Jay Y. Lee.
Kim Beom-su, người sáng lập Kakao, lần đầu tiên đứng đầu danh sách những người giàu nhất Hàn Quốc của Forbes năm 2022 với tài sản ròng là 9,6 tỷ USD. Đây là một trong những tỷ phú hiếm hoi của xứ sở kim chi không phải chaebol, tức xuất thân từ những dòng tộc tài phiệt giàu có lâu đời.
Tỷ phú lớn lên trong nghèo khó
Trong một bài viết trên tờ The Financial Times, Kim Beom-su, 57 tuổi, còn được gọi là Brian Kim, kể lại rằng ngày nhỏ, gia đình 8 người của ông phải ngủ chung trong một phòng ngủ tại một khu phố nghèo ở Seoul. Bố mẹ ông phải vật lộn để kiếm sống nuôi các anh chị em. Bản thân Kim chính là người đầu tiên trong gia đình vào đại học và để trang trải, ông phải đi dạy gia sư.
Kim Beom-su là người hiếm hoi trong danh sách giàu nhất Hàn Quốc không có xuất thân chaebol
Vị doanh nhân nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi phải tự tạo con đường cho riêng mình vì bố mẹ tôi không có thời gian chăm sóc chúng tôi. Chúng tôi được trao quyền tự chủ ở mức độ cao, điều này cũng dạy tôi ý thức trách nhiệm”.
Kim Beom-su khởi nghiệp là kỹ sư phần mềm tại Samsung SDS, một đơn vị chuyên về dịch vụ CNTT của công ty. Tuy nhiên, sau 5 năm, ông đã rời đi để mở một quán cà phê internet và ra mắt cổng trò chơi trực tuyến Hangame, sau đó sáp nhập với công cụ tìm kiếm Naver để trở thành cổng web thống trị Hàn Quốc hiện tại, NHN.
Sau khi lãnh đạo NHN được 5 năm, ông chuyển đến Thung lũng Silicon vào năm 2005 để mở rộng sự hiện diện của công ty tại Mỹ. Tuy nhiên, mọi việc khó khăn hơn dự kiến và ông một lần nữa đã rời NHN để bắt đầu một công việc kinh doanh khác.
Sau đó, vào năm 2007, iPhone ra đời. Kim, lúc đó đang ở California, bị mê hoặc bởi điện thoại thông minh. Ông và các thành viên của Iwilab, hiện là Kakao, công ty do Kim thành lập năm 2006, đã phát triển ứng dụng nhắn tin cho sản phẩm di động mới vì họ tin rằng điện thoại thông minh sẽ được sử dụng như một “phương tiện liên lạc” thiết yếu trong tương lai gần. Kim Beom-su cuối cùng đã phát triển KakaoTalk, sau đó sáp nhập với cổng web Daum để trở thành Kakao. Đến nay, Kakao Talk đã trở thành nền tảng nhắn tin “quốc dân” tại Hàn Quốc, hiện có hơn 140 triệu người sử dụng và xuất hiện ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Kim Beom-su cùng Ryan, một trong những nhân vật KakaoTalk
Cam kết không cho con thừa kế tài sản
Tờ Korea Times đưa tin rằng tỷ phú Kim đã thuê con trai Kim Sang-bin và con gái Kim Ye-bin làm việc cho K Cube Holdings, công ty mẹ của Kakao, vào năm 2020. Những người trong cuộc coi động thái này là một dấu hiệu cho thấy vị tỷ phú đang chuẩn bị cho quá trình kế nhiệm Kakao từ sớm. Ông cũng được cho là đã tặng vợ và hai con mỗi người 60.000 cổ phiếu Kakao, trị giá tổng cộng hơn 20 triệu USD.
Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là nhà sáng lập Kakao sẽ cho con thừa kế khối tài sản đồ sộ của mình. Trái với các chaebol Hàn Quốc khác, Kim Beom-su chỉ muốn con kế nghiệp chứ không để lại tài sản tỉ đô. Vào tháng 3 năm 2021, Kim Beom-su đã ký Cam kết cho đi, một lời hứa của những cá nhân giàu có nhất thế giới - bao gồm cả những người như Melinda Gates và Elon Musk - sẽ cống hiến phần lớn tài sản của họ cho các mục đích từ thiện.
Nhà sáng lập Kakao đã cam kết cho gần hết tài sản sau khi qua đời
Theo Korea JooAng Daily, ông đã công khai nói rằng khoản quyên góp của mình sau này sẽ nhằm mục đích giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề về giáo dục.
Kim thôi giữ chức chủ tịch tại Kakao vào tháng 3 năm 2022 để khám phá những cơ hội lớn hơn ở nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh nền tảng tập trung vào thiết bị di động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận