menu
Chấm dứt cách quản lý “bộ tôi, bộ anh”
Phạm Sơn Phan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chấm dứt cách quản lý “bộ tôi, bộ anh”

Bộ tôi, Bộ anh và Bộ... chúng ta!

Không chỉ yêu cầu các bộ, ngành thực chất trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, Chính phủ đang đòi hỏi các bộ, ngành chấm dứt cách quản lý “bộ tôi, bộ anh”.

Chỉ tiêu cao cho các bộ, ngành

Cầm bản Nghị quyết 02/2020/NQ-CP tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2020, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói ngay, nhiều chỉ tiêu được đưa ra rất cao.

“Chỉ tiêu do các bộ, ngành đề xuất trong các dự thảo trước thấp hơn. Rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt cho nhiệm vụ này trong năm 2020”, ông Cung nhận định và cho rằng, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy không khí cải cách đang khá trầm lắng trong các bộ, ngành.

Cụ thể, Nghị quyết 02 yêu cầu tăng 10 bậc trên Bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), cao hơn so với đề xuất 5-7 bậc trước đó. Năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng được giao chỉ tiêu tăng 5 bậc, thay vì đề xuất 2-3 bậc...

“Song, tôi chờ đợi nhất là các bộ trưởng lấy tinh thần cải cách, tinh thần cắt giảm chi phí, đảm bảo an toàn kinh doanh của Nghị quyết để tổ chức thực hiện, đưa ra điều hành rõ ràng trong ngành mình, bộ mình. Nếu không, sẽ rất khó thay đổi thói quen của cấp dưới”, ông Cung thẳng thắn.

Chốt chính vẫn là thể chế

Dù Nghị quyết 02 sẽ tiếp tục gỡ vướng cho môi trường kinh doanh, nhưng phần lớn nằm ở giai đoạn gia nhập thị trường, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho thị trường hàng hóa, dịch vụ. Các nội dung liên quan đến phân bố nguồn lực, đến đầu tư, xây dựng, thể chế thị trường, nhân tố sản xuất chưa có.

“Nghị quyết 01/2020/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 phải giải quyết vấn đề này”, TS. Cung nói.

Chỉ cần lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài; đảm bảo thủ tục mua hóa đơn giải quyết trong ngày như yêu cầu của Nghị quyết 02/2020/NQ-CP, 138.000 doanh nghiệp vừa thành lập trong năm 2019 sẽ không phải mất 138.000 lần đến cơ quan thuế làm thủ tục, với chi phí tuân thủ không hề nhỏ. Điều này tương tự khi thủ tục khai trình lao động được kết nối với hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến; đảm bảo thời hạn 4 ngày cho thủ tục đặt in/tự in hóa đơn... Khi đó, thứ hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam có thể tăng 9-10 bậc trong năm tới.

Khi phân tích nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được liệt kê trong Nghị quyết 01, ông Cung cho rằng, quyết tâm cải cách thể chế được thấy rõ. Tuy nhiên, hai chốt lớn cần phải được ưu tiên làm ngay trong năm nay là tháo gỡ ách tắc trong đầu tư công và đưa doanh nghiệp nhà nước vào hoạt động kinh doanh một cách tự chủ.

“Không thể kéo dài sự chậm trễ. Cổ phần hóa chậm vì khó xác định giá trị doanh nghiệp; nhưng thoái vốn thì không thể chậm, vì giá đã có trên thị trường. Yêu cầu phân bổ nguồn lực theo mục tiêu phát triển và hiệu quả phải được làm ngay”, ông Cung nói.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, vướng trong đầu tư công là vướng quy trình, nên không thể chỉ chỉnh sửa văn bản, mà cần thay đổi quy trình phân bổ nguồn lực, hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Đó là chưa kể các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động đều chưa thông.

Vấn đề là, nếu các chậm trễ này không được giải tỏa ngay, sẽ tác động bất lợi tới mục tiêu phát triển của không chỉ năm 2020, mà nhiều năm tới.

“Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng gửi kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến 37 vướng mắc tại 10 luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, môi trường... Có thể vụn vặt, nhưng đây là các quy định đang làm chậm các dự án quy mô lớn, cần có sự chỉ đạo trực tiếp ngay trong năm nay”, ông Cung tiếp tục khuyến nghị.

Tất nhiên, cải cách thể chế không thể là công việc của 1 năm, cũng như không thể là một nhiệm vụ chung chung.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng

Trong tháng 2 tới, kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 sẽ được trình Thủ tướng ban hành. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo như vậy trong cuộc làm việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Cũng có thể coi đây là buổi làm việc đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về vấn đề này.

Điểm mới nhất và cũng nhận được lo ngại nhiều nhất từ các bộ, ngành là nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới, phải bỏ một văn bản cũ, riêng thông tư thì ban hành một phải bãi bỏ hai. Mục tiêu mỗi năm cắt giảm ít nhất 20% số văn bản thuộc thẩm quyền cấp bộ và Chính phủ, giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp và người dân cũng đang bị cho là quá áp lực.

“Đúng là việc khó, nhưng tôi tin là phải làm được, sẽ thay đổi căn bản tư duy của các bộ, ngành trong xây dựng chính sách. Tư duy cát cứ sẽ được hóa giải”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, thành viên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện nguyên tắc này, các bộ, ngành sẽ phải rà soát, đánh giá tác động, từ đó đưa ra phương án cắt giảm. Đặc biệt, việc tính toán chi phí tuân thủ phải được công khai.

“Khi Hà Lan công bố con số này, cả Chính phủ giật mình vì không ngờ chi phí lớn đến thế. Chi phí này không chỉ là chi phí hành chính, mà còn là chi phí cơ hội của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chết chỉ vì chờ đợi được thực hiện quy định”, ông Hiếu phân tích.

Vấn đề là, khi con số này được tính, công khai và thực hiện cắt giảm 20% mỗi năm, thì nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ chắc chắn sẽ trả lời được câu hỏi, doanh nghiệp và nền kinh tế được hưởng lợi những gì, cắt giảm được bao nhiêu chi phí.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả