menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Sang

CEO SVB từng đặt cược lãi suất sẽ giảm, bán cổ phiếu ngay trước khi ngân hàng phá sản

Ông Greg Becker, 55 tuổi, giữ chức CEO từ năm 2011, là người đưa SVB trở thành một trong 20 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, và giờ đây cũng là vị CEO đứng sau vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ...

Ông Greg Becker, giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng Mỹ vừa phá sản Silicon Valley Bank (SVB) cùng các lãnh đạo ngân hàng gồm giám đốc tài chính (CFO) Daniel Beck và Chủ tịch Michael Descheneaux, là những người đã chèo lái ngân hàng nổi tiếng ở Thung lũng Silicon qua giai đoạn tăng trưởng bùng nổ cũng như khi rơi xuống vực thẳm.

Theo Wall Street Journal, năm ngoái, khi thế giới thay đổi sau đại dịch Covid-19 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, nhóm nhà lãnh đạo của SVB dường như làm ngơ và đặt được rằng lãi suất sẽ giảm và tiếp tục lao vào lĩnh vực công nghệ mà họ dự báo sẽ duy trì tăng trưởng bùng nổ.

Ông Becker, 55 tuổi, giữ chức CEO từ năm 2011 và là người đưa SVB trở thành một trong 20 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ. Vào thời điểm mà các ngân hàng khác rút lui khỏi tất cả những thứ có vẻ nhiều rủi ro sau khủng hoảng, SVB vẫn sẵn sàng chào đón các startup có tiềm năng lớn nhưng lợi nhuận thấp hoặc chưa có lợi nhuận.

Các nhà lãnh đạo của SVB thường yêu cầu các startup này sử dụng dịch vụ gần như độc quyền với ngân hàng này.

“Tôi thường nói với mọi người rằng tôi có một công việc tuyệt vời nhất thế giới. Ở SVB, chúng tôi làm việc với những công ty tuyệt vời nhất thế giới”, ông Becker chia sẻ trong một chương trình phát thanh năm 2019.

Trong nhiều năm, chiến lược này mang lại “trái ngọt” cho ngân hàng. Năm 2021, tiền gửi tại ngân hàng này tăng vọt 86%, trong khi giá cổ phiếu tăng 75% (sau khi tăng 54% năm 2020).

Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngờ. Một số lo ngại về tốc độ tăng trưởng chóng mặt của SVB, một số khác bắt đầu bán khổng cổ phiếu của ngân hàng. Một năm trước, khoảng 1,4% cổ phiếu công ty này bị bán khống bởi các nhà đầu tư đặt cược rằng giá sẽ giảm. Tuy nhiên, con số này tăng lên 6,7% vào cuối năm 2022, theo dữ liệu từ S3 Partners. Năm ngoái, giá cổ phiếu công ty này sụt tới 66%. Trong vòng 12 tháng tính tới thứ Năm tuần trước (9/3), mã này đã mất khoảng 54% giá trị. 9/3 cũng là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này trước khi bị ngừng giao dịch.

CEO SVB từng đặt cược lãi suất sẽ giảm, bán cổ phiếu ngay trước khi ngân hàng phá sản
SVB nằm trong top 20 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ về tài sản - Ảnh: Getty Images

Các công ty công nghệ vừa trải qua năm 2022 đầy bi đát khi Fed nâng lãi suất mạnh tay khiến các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm. Nhiều công ty tiền ảo phá sản, thị trường niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) đóng băng, trong khi chỉ số Nasdaq lao dốc 33% - mức giảm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dù vậy, SVB vẫn tin rằng lãi suất sẽ giảm. Theo báo cáo tài chính, năm ngoái, ngân hàng này đã chấm dứt hoặc để hết hạn với các hợp đồng bảo hiểm rủi ro lãi suất đối với hơn 14 tỷ USD chứng khoán. SVB gần như không có bảo hiểm rủi ro lãi suất đối với danh mục trái phiếu khổng lồ của mình.

Giữa năm 2022, trong một bài thuyết trình tới các nhà đầu tư, lãnh đạo SVB cho biết ngân hàng “đang chuyển trọng tâm sang quản lý sự nhạy cảm với lãi suất giảm”, hay nói cách khác là tự bảo vệ mình nếu lãi suất giảm trở lại”.

Kể từ sau khi ngân hàng chính thức sụp đổ hôm 10/3, ông Becker, Beck và Descheneaux chưa có phát biểu công khai nào. Tại một cuộc họp vào tuần trước, 3 ngày trước khi ngân hàng sụp đổ, ông Becker chia sẻ rằng “đây là thời điểm tuyệt vời để mở một công ty”.

“Chúng ta có thể xem xét lĩnh vực công nghệ nong nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ sạch hay công nghệ y tế, y tế cá nhân hóa…”, ông Becker nói khi đó. “Mỗi lĩnh vực đều có những điều thật tuyệt vời”.

Tại một hội nghị khác vào tháng trước, CFO Beck khẳng định việc SVB tập trung vào lĩnh vực công nghệ, y tế và khoa học dời sống không gây ra rủi ro bởi các khách hàng của ngân hàng có nhiều chuyên môn khác nhau trong những lĩnh vực đó và bản thân SVB cũng hoạt động ở nươc ngoài.

Ông Becker bắt đầu làm việc tại SVB vào năm 1993 với vị trí chuyên viên cho vay. Còn ông Beck, 50 tuổi, là gương mặt khá mới khi mới gia nhập SVB vào năm 2017 với vị trí CFO. Trước khi vào làm cho SVB, ông từng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo tại Wells Fargo, Freddie Mac, E*Trade và Deloitte.

Trong khi đó, ông Descheneaux, 55, gia nhập hội đồng quản trị của ngân hàng vào giữa những năm 2000. Trước khi làm chủ tịch, ông Descheneaux từng giữ chức CFO của ngân hàng. Khi đảm nhiệm vị trí CFO, ông từng giám sát chi nhánh đầu tư trị giá 3 tỷ USD có tên SVB Capital của SVB.

Đầu tháng 3, báo cáo của SVB cho biết lương thưởng của 3 lãnh đạo hàng đầu ngân hàng trong năm 2022. Theo đó, ông Becker nhận 9,9 triệu USD, ông Descheneaux và ông Beck lần lượt nhận 4,6 triệu USD và 3,6 triệu USD, hầu hết là thưởng cổ phiếu. Trong một báo cáo, hội đồng tiền thưởng SVB cho biết tiền thưởng của ông Becker và ông Beck bị giảm do họ có trách nhiệm liên quan tới “áp lực trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng do tiền gửi giảm và môi trường thị trường nói chung. Dù vậy, cả hai nhận được lời khen nhờ “tài lãnh đạo” trong quản lý rủi ro.

Cũng theo báo cáo của SVB, ông Becker và Beck đều bán cổ phiếu SVB vào tuần trước khi ngân hàng sụp đổ. Cụ thể, ông Becker thực hiện quyền chọn đối với 12.451 cổ phiếu vào ngày 27/2 và bán ra cùng ngày, thu về khoảng 2,3 tỷ USD. Còn ông Beck mới chỉ bán hơn 575.000 USD cổ phiếu SVB vào ngày 27/2, tương đương khoảng 1/3 số cổ phiếu ngân hàng này mà ông đang nắm giữ.

Cả hai đợt bán cổ phiếu trên của lãnh đạo SVB đều được thực hiện theo kế hoạch 10b5-1 được thông báo cho cơ quan quản lý 30 ngày trước đó. Kế hoạch 10b5-1 cho phép những người trong nội bộ của một công ty niêm yết lên lịch mua bán cổ phiếu trước để tránh bị nghi ngờ giao dịch dựa trên thông tin không được công khai của công ty. Các giao dịch thực hiện theo kế hoạch này cũng chịu sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Hiện SEC đang đề xuất quy định mới yêu cầu các giao dịch mua bán cổ phiếu của nhân vật nội bộ phải có thời gian chờ 90 ngày trước khi được thực hiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại