CEO GreenYellow: Thị trường năng lượng Việt Nam còn nhiều tiềm năng
Thị trường năng lượng tại Philippines, Indonesia, Thái Lan, nơi chúng tôi cũng triển khai các hoạt động đầu tư, đã phần nào được định hình. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để đổi mới và chúng tôi muốn trở thành người chơi đầu tiên ở nhiều phân khúc, ông Sebastien Prioux, Tổng giám đốc GreenYellow Việt Nam nói.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Vương Quốc Anh vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Mục tiêu này được đánh giá là đầy tham vọng và thách thức. Để hiện thực hoá cam kết này, một trong những biện pháp khả dĩ nhất chính là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trong đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Để tìm hiểu rõ hơn về góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Sebastien Prioux, Tổng giám đốc GreenYellow Việt Nam - một tập đoàn đến từ Pháp, với 12 năm kinh nghiệm là chủ đầu tư, lắp đặt và vận hành hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm điện năng tại 16 quốc gia trên toàn thế giới.
Ông có thể cho biết GreenYellow đang tìm hiểu và đầu tư dự án năng lượng nào ở Việt Nam?
Cho đến nay, chúng tôi có danh mục các dự án lên tới 65 MWp với các Tập đoàn quốc tế và doanh nghiệp lớn trong nước như Vinatex, Phong Phú, Megamarket, GO! Mall, Giavico, Saigon Food...
Theo đó, GreenYellow sẽ bán điện cho họ từ nguồn điện mặt trời sản xuất tại chỗ. Đây là một mô hình rất thú vị vì chúng tôi có thể chiết khấu lên tới 50% biểu giá thương mại. Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết kế hệ thống năng lượng mặt trời sản xuất tại chỗ phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Vì sao GreenYellow quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam? Thị trường Việt Nam có lợi thế gì so với các thị trường khác?
Về lâu dài, xu hướng này là rất hứa hẹn vì nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng. Thứ hai, "thời cơ thị trường" đối với các công ty như GreenYellow cũng rất thuận lợi.
Chúng tôi gia nhập thị trường vào thời điểm áp dụng giá FIT2 và hiện tại công ty đang tham gia vào các dự án lớn hơn ở các phân khúc khác nhau với kỳ vọng Quy hoạch điện 8 sẽ sớm được hoàn thiện.
Chính vì điều này, GreenYellow đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các đối tác chính của chúng tôi, đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan chính quyền địa phương cho các khoản đầu tư tiếp theo vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như các dự án tiết kiệm năng lượng và lưu trữ.
Nếu bạn so sánh với Philippines, Indonesia, Thái Lan, nơi chúng tôi cũng triển khai hoạt động đầu tư, thì có thể nói rằng, những thị trường đó đã phần nào được định hình. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để đổi mới và chúng tôi muốn trở thành "người chơi" đầu tiên ở nhiều phân khúc.
Bất chấp những thách thức mà doanh nghiệp đã phải đối mặt trong năm qua, chúng tôi tin rằng GreenYellow đang có một lợi thế lớn nhất chính sự hiện diện tại Việt Nam vào thời điểm vô cùng thích hợp với danh mục đầu tư nghiêm túc.
Trong quá trình triển khai dự án ở Việt Nam thì ông nhận thấy những thuận lợi, khó khăn gì? Ông có đề xuất gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
Theo tôi, có nhiều cách khác nhau để hỗ trợ cơ quan quản lý có thêm nguồn điện năng lượng tái tạo, đồng thời giúp cân bằng phụ tải trên mạng lưới như: Ưu tiên tự tiêu dùng tại chỗ cho các công ty tư nhân, triển khai một số dự án thí điểm lưu trữ nhằm hỗ trợ lưới điện (nguồn dự phòng hoặc tần số quy định cụ thể).
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có một quy định chặt chẽ hơn và rõ ràng hơn để áp dụng ở tất cả các địa phương. Đây cũng là một thách thức mà chúng tôi đang đối mặt: Quy định khác biệt ở từng địa phương. Đối với một nhà đầu tư đang vận hành hơn 60 địa điểm tại Việt Nam, đó vẫn là một thách thức lớn đối với các dự án của chúng tôi.
Ông có quan tâm đến Quy hoạch điện 8 mà Bộ Công thương đang xây dựng không? Theo ông với cấu trúc nguồn điện như vậy (tỷ trọng điện than cao, năng lượng tái tạo chưa như kỳ vọng), Việt Nam có thể hoàn thành cam kết Net Zero vào năm 2050 hay không?
Trên thực tế, Quy hoạch điện 8 cần được coi là một hiệp định giữa các nhà đầu tư và các cơ quan công quyền: Việt Nam sẽ chỉ đạt được mục tiêu này nếu có những cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía trong quá trình cải tạo lưới điện, ổn định lưới điện và quản lý năng lượng tái tạo. Các đơn vị khai thác tư nhân cần cam kết một số quy tắc để hỗ trợ các cơ quan quản lý lưới điện như dự báo sản lượng cho tất cả các nguồn phát điện lớn.
Đồng thời, chúng tôi mong muốn nhận được thêm những thông tin, các cột mốc dự kiến về Chương trình thí điểm DPPA (một tín hiệu lớn cho cộng đồng quốc tế), các quy định cập nhật đối với điện tái tạo tự tiêu dùng (một điểm mấu chốt đối với tất cả các nhà máy xuất khẩu, không có nguồn cung cấp năng lượng xanh, họ không thể đủ điều kiện để bán sản phẩm của mình cho khách hàng).
Một yếu tố quan trọng nữa là sự an toàn của lưới điện. Phụ tải được cân bằng tốt sẽ là ưu tiên hàng đầu để phát triển nguồn năng lượng xanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận