Câu hỏi về dòng tiền và năng lực của Vietrancimex trong các dự án năng lượng
Việc Tổng công ty CP Thương mại xây dựng (Vietrancimex) liên tục đề nghị làm các dự án nhiệt điện lớn khiến cơ quan chức năng băn khoăn về cả dòng tiền lẫn kinh nghiệm của nhà đầu tư này.
Tìm nhà đầu tư Trung Quốc
UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị các cơ quan hữu trách thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II của nhà đầu tư Vietrancimex.
Dự án Nhiệt điện Long Phú II nằm trong quy hoạch điện hiện hành, quy mô công suất dự kiến là 1.200 MW, nguyên liệu đầu vào là than, tổng mức đầu tư lên tới 63.265 tỷ đồng.
Vietrancimex đã đề nghị được triển khai dự án này với sự hợp tác cùng nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Vietracimex đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với China Gezhouba Group International Engineering Co., Ltd. (CGGC) - một công ty có văn phòng giao dịch tại TP. Bắc Kinh (Trung Quốc) để góp vốn cùng thực hiện các dự án.
Tại Dự án Nhiệt điện Long Phú II, CGGC sẽ góp 3.796 tỷ đồng - chiếm 40% vốn góp, còn Vietrancimex góp 5.694 tỷ đồng, chiếm 60% vốn góp thực hiện Dự án.
Dự án ban đầu đề xuất mức giá bán điện là 1.949 đồng/kWh và sau đó giảm xuống còn 1.776 đồng/kWh, dù tổng mức đầu tư không thay đổi và hiệu quả tài chính vẫn giữ nguyên.
Việc hợp tác với CGGC không chỉ diễn ra tại Dự án Nhiệt điện Long Phú II. Ngày 11/11/2020, Vietrancimex đã cùng CGGC ký kết hợp đồng EPC thực hiện các dự án nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D. Tham dự buổi lễ ký kết có sự hiện diện của ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT Vietrancimex và ông Liu Zexiang, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐQT CGGC, cùng các cán bộ cấp cao, giàu kinh nghiệm của hai công ty.
Dự án điện gió này cũng được xem là trọng điểm của Vietracimex, với tổng công suất 350 MW, tổng giá trị thực hiện trên 10.000 tỷ đồng, được xây dựng tại ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Câu hỏi về năng lực và kinh nghiệm
Với hồ sơ Dự án Nhiệt điện Long Phú II, cơ quan chức năng đã yêu cầu các bên liên quan giải trình rõ phương án huy động vốn chủ sở hữu để góp vốn thực hiện dự án theo cam kết, trong đó có tính tới kế hoạch đầu tư các dự án khác.
Liên quan đối tác CGGC, cơ quan thẩm định cho rằng, Vietrancimex cần giải trình rõ hình thức CGGC cùng góp vốn thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, với tư cách là nhà đầu tư cùng góp vốn thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án hay góp vốn vào tổ chức kinh tế, hợp đồng BCC...
Trường hợp CGGC đăng ký là nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án, thì cần bổ sung hồ sơ về giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư; báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của nhà đầu tư; thuyết trình về năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án của nhà đầu tư.
Vietrancimex, do ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) làm Chủ tịch HĐQT, từng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải). Sau khi cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng đã thâu tóm 93,37% cổ phần doanh nghiệp này và lập ra nhiều công ty con.
Thời gian qua, Vietrancimex đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, với các dự án Điện mặt trời Hồng Phong 1A (150 MW, vốn 4.198 tỷ đồng), Điện mặt trời Hồng Phong 1B (100 MW, vốn 2.832 tỷ đồng ), Điện gió Hoà Thắng (100 MW, vốn 2.832 tỷ đồng), Điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D (350 MW, vốn khoảng 10.000 tỷ đồng) và là chủ đầu tư các dự án thủy điện như Tà Thàng (60 MW, vốn 2.147 tỷ đồng), Bắc Mê (45 MW, vốn 2.394 tỷ đồng), Đạ Dâng - Đa Chomo (24 MW, vốn 653 tỷ đồng), Nậm Mô 1 (90 MW, vốn 4.128 tỷ đồng), Mỹ Lý 1 (180 MW, vốn 7.824 tỷ đồng).
Ngoài ra, việc đề xuất giá bán điện chỉ còn 1.776 đồng/kWh, thay cho 1.949 đồng/kWh, mà không thay đổi tổng mức đầu tư dự án và hiệu quả tài chính vẫn giữ nguyên như trước cũng là câu hỏi được cơ quan chức năng yêu cầu Vietrancimex làm rõ.
Đáng nói là, với tổng mức đầu tư 63.255 tỷ đồng, phần góp vốn của các nhà đầu tư tham gia là 9.490 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư Dự án, đáp ứng quy định tại Điều 14, Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc CGGC sẽ góp tới 3.796 tỷ đồng trong số này mà không đăng ký là nhà đầu tư khiến người quan tâm khó hiểu.
Từ Báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán của Vietrancimex cho thấy, tính đến 31/12/2019, vốn chủ sở hữu là 7.335 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 20.197 tỷ đồng, nợ dài hạn là 17.072 tỷ đồng và khả năng đầu tư dài hạn là 4.210 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu + nợ dài hạn - tài sản dài hạn).
Với thực tế như vậy, cơ quan thẩm định cho rằng, nhà đầu tư chưa đủ khả năng góp vốn theo cam kết để thực hiện dự án trên, nhất là khi Vietrancimex cũng đang cùng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đề xuất đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, với vốn đầu tư dự kiến là 30.560 tỷ đồng, trong đó Vietrancimex góp 3.056 tỷ đồng.
Trước đó, khi trình Dự án Nhiệt điện Ô Môn II lên Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thẩm định cho hay, các nhà đầu tư có đủ khả năng góp vốn theo cam kết thực hiện Dự án, trong đó Vietrancimex có khả năng đầu tư dài hạn là 4.210 tỷ đồng và phía Marubeni là 4,97 tỷ USD.
Theo thông tin từ Internet (www.cggce.sng.cn), CGGC thành lập năm 1970, là một tập đoàn lớn xuyên quốc gia, thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Phạm vi hoạt động của CGGC gồm thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, đường cao tốc, đường sắt, công trình đô thị, sân bay, bến cảng… Trong hơn 40 năm qua, CGGC đã hoàn thành hơn 4.000 công trình kỹ thuật nổi bật, trong đó có Đập Thủy điện Tam Hiệp.
Với khả năng tài chính mạnh mẽ, CGGC được giới thiệu là có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên khắp thế giới và là công ty niêm yết có năng lực hàng đầu tại Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận