menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Câu chuyện về bầy sói, đàn cừu và thế giới này

Lời bạt: 2013, tôi viết bài này ở một quán cà phê quen thuộc The Coffee Bean, liền một mạch như một tâm sự khi trở lại công việc của mình. Giờ đây, khi những chặng đường trên con đường này bắt đầu bước sang một trang mới khi trang đầu tiên đã hoàn thành, lại ngẫm lại và thấy rất nhiều điều để suy nghĩ và nhìn về tương lai.

Bước chân lại thực sự vào một lĩnh vực tưởng như đã là “sân nhà” của mình, quen thuộc và thông hiểu đường đi lối về, ấy nhưng sự bước lại này, lại là một thử thách đầy gian khó, lĩnh vực đầu tư – tài chính. Càng bước đi, càng đi sâu vào cái mê hồn trận này, mới lại càng thấy nó tầng tầng lớp lớp, xen lẫn giữa ảo và thực, càng thấy sự hiểu biết của mình thật hạn chế. Mỗi cuộc chơi đều có “luật” của nó cả, thiếu “luật” cuộc chơi sẽ thành vô tổ chức và chẳng ai có thể chơi với nhau được cả. Thế nhưng “luật” từ đâu ra và làm sao hiểu được nó? Câu hỏi có vẻ dễ dàng, thì rằng các lý thuyết, các quy định luật pháp… và rồi từ các thể chế có quyền ban hành luật, thể chế chính yếu trên thị trường… sẽ là câu trả lời đó! Nhưng thực sự, trong cái mê hồn trận này, chúng ta hình như chẳng tìm thấy được cái “luật” thật sự đó ở đâu cả, lại càng chẳng thể biết ai đã sinh ra những cái “luật” này và lại càng khó hơn nữa để biết ai sẽ giám sát việc tuân thủ luật chơi của mình. Vật vã vì sự căng thẳng, đó là những cảm giác đầu tiên khi tôi lâm trận với những “bài toán” cần phải giải đầu tiên của mình. Sự căng thẳng đầu tiên đến từ việc phải luôn định vị mọi thứ để căn tính cho những lời giải của mình dựa trên toàn “biến số”. Bài toán cần phải được giải trong trạng thái động với hàng loạt biến số biến động không ngừng, và nhiều biến số đó là bất khả trong việc dự đoán. Sự căng thẳng tiếp theo đến từ việc cảm giác của một Tôn Ngộ Không muốn cân đẩu vân ra khỏi lòng bàn tay Phật tổ mà mãi không ra khỏi, một cảm giác của sự thiếu hụt tri thức nghiêm trọng, không phải là những tri thức lý thuyết mang tính kỹ thuật chuyên môn, mà là tri thức để hiểu được những ẩn ngầm của tầng tầng lớp lớp trong mê hồn trận đó, tri thức để có thể định vị được mình. Và sự căng thẳng cuối cùng đó là việc phải luôn giữ được mình, với sự kiên định cùng một ý chí bất khuất của cuộc chơi.

Câu chuyện có liên quan gì đến bầy sói và đàn cừu? Chúng ta thường dùng hai hình ảnh trên để ẩn dụ cho hai ẩn ý mà chắc ở đây, cũng không cần phải nhắc lại thì trong chúng ta ai cũng hiểu. Trong lĩnh vực này, thoạt nhìn, chúng ta sẽ không khó khăn để nhận thấy một sự phân định rõ ràng của những “con sói” và những “con cừu”, nhưng sự thật lại là chẳng mấy ai thực sự biết đâu là sói thật, đâu là cừu thật cả. Rất nhiều con sói đội lốt cừu và cũng rất nhiều con cừu được đội lốt sói. Trong lĩnh vực này, chẳng có chỗ cho “tình thương” thật sự, cũng chẳng có cái gọi là “lòng tốt”, chỉ có một sự “sống còn”, một cuộc chiến của kẻ mạnh và kẻ yếu, một cuộc chiến để xem ai tồn tại, ai là người làm chủ cuộc chơi, ai thực sự “ăn thịt” được ai. Có bi kịch hóa quá không nhỉ? Để có thể hiểu được tiếp tục câu chuyện và trở lại với câu hỏi, cũng là chủ đề, chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện.

Trong lĩnh vực này, càng lúc, càng “cảm thấy có thể hiểu”, tôi mới lại càng nhận thức được ý nghĩa của những cái gọi là “đầu tư” thực sự. Có lao vào, mới thấm và hiểu được những “sự bất lực” của nhiều nhà lãnh đạo trong việc điều khiển nền kinh tế hướng đầu tư vào những dự án nào, lĩnh vực nào, lúc nào… Có lúc nào chúng ta chợt hỏi, tại sao người “có tiền” lại sẵn sàng lao đầu đầu tư vào những thứ “thật thừa thãi”, “thật vô lý” trong khi còn nhiều cái cần đầu tư và có ý nghĩa hơn, có “hiệu quả” hơn mà họ không đầu tư? Thị trường bất động sản là một minh chứng đầu tiên, rồi lĩnh vực “công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số, thương mại điện tử”, và bắt đầu là cả hạ tầng. Có hàng nghìn báo cáo, bài báo, hội thảo, giải thích cho những lý do cần thiết phải đầu tư, với đầy đủ những lý lẽ đầy thuyết phục, những dẫn chứng hùng hồn bằng con số, bằng những lý thuyết của hàng loạt những chuyên gia, những cái đầu tuyệt đỉnh như trong lĩnh vực bất động sản chẳng hạn. Nhưng rồi, cứ như một chuyện đùa, câu chuyện về những cao trào và bong bóng sụp đổ liên quan đến bất động sản vẫn cứ diễn đi diễn lại, từ nước này sang nước khác, thậm chí lặp lại từ lần này đến lần khác. Chẳng lẽ mọi người không đủ trình độ để hiểu và để rút kinh nghiệm? Hay, phải chăng có một sự ẩn ngầm nào đằng sau những câu chuyện này, như một thứ “chất nghiện” mà không ai có thể cưỡng lại, bất chấp cả việc người ta có thể nhìn thấy những hậu quả nhãn tiền, ý thức được những gì có thể xảy đến với mình?

Câu chuyện về đàn sói và bầy cừu lại được tiếp tục. Ấy là rõ ràng chúng ta thấy rằng, trên thực tế sói luôn ăn thịt cừu, và bầy cừu cũng chẳng có cách nào chống lại hữu hiệu sự tấn công của đàn sói, có chăng chỉ là một vài “thành công” nhất thời mà thôi, vậy thì sao bầy cừu vẫn cứ luôn tồn tại và phát triển để rồi lại đem mình ra cho đàn sói ăn thịt? Câu trả lời lại sẽ thường là “tạo hóa đã tạo ra vậy”! Hình tượng hóa ở cấp độ cao một chút, ta sẽ diễn dịch và kể một câu chuyện mới về đàn sói và bầy cừu ở khía cạnh này nhé. Rõ ràng, việc đầu tiên phải nhìn thấy, đó là bầy sói không bao giờ có ý định tiêu diệt hết ngay đàn cừu, làm thế thì sau khi ăn hết cừu rồi, sẽ còn lấy đâu cừu mà ăn nữa. Bầy sói sẽ cần phải giới hạn mình ở một mức độ nhất định để đảm bảo rằng bầy cừu vẫn có thể “khôi phục” lại số lượng con trong bầy, nhưng cũng không để nó sản sinh ra quá nhiều, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến các “điều kiện sống” về thức ăn, về không gian… Tùy theo thực trạng, trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện và thời điểm, số lượng tối ưu của bầy cừu sẽ được đàn sói hoạch định. Nếu số lượng đàn cừu giảm xuống dưới mức cho phép, đàn sói phải dừng việc tấn công lại, thậm chí, một vài con sẽ cần phải đội lốt cừu để dẫn dụ cho bầy cừu những phương thức chống lại sự tấn công của đàn sói nhằm bảo toàn lực lượng, cũng như những phương thức “kiếm ăn” để phát triển lại đàn. Chúng ta lại tiếp tục trở lại câu chuyện về đầu tư – tài chính nhé!

Lĩnh vực bất động sản, cũng chỉ là một trong rất nhiều những “bầy cừu” của “đàn sói” đầu tư tài chính. Tuy nhiên, có điều gì đó lại khiến lĩnh vực này trở thành lĩnh vực thu hút nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các “đối tượng” đầu tư của giới tài chính? Trả lời câu hỏi này cũng sẽ giúp chúng ta bắt đầu lần ra manh mối cho những câu trả lời khác tương tự, đồng thời lần ra được chút ít manh mối nào đó của những cuộc chơi đầu tư tài chính. Con người có ba nhu cầu căn bản nhất, đó là ăn, mặc, ở. Trong ba nhu cầu này, nhu cầu ăn bị giới hạn bởi khả năng có thể tiếp nhận của con người nhiều nhất, mặc cũng vậy, ấy nhưng lĩnh vực ở thì hầu như không hề bị giới hạn, thậm chí còn có thể nói là vô tận. Người ta có thể không cần cái gì cũng sống được ngoại trừ ba nhu cầu căn bản trên. Hàng hóa chỉ có thể trở thành hàng hóa thực sự khi nó được giao dịch, Marx đã nói vậy, và nó luôn đúng là vậy. Mà sự giao dịch này chỉ có thể nảy sinh khi con người thực sự có nhu cầu, thực sự ở đây không chỉ giới hạn ở cái nghĩa là có thật mà người ta còn có thể tưởng tượng ra những nhu cầu, bất kể người ta có thực sự cần có nó hay không.

Do vậy, bất động sản đã được chọn lựa, và nó thực sự trở thành một “bầy cừu” tuyệt vời của “đàn sói” đầu tư tài chính. Người ta tạo ra đủ mọi lý do, đủ mọi thứ có thể tưởng tượng được để phát triển thị trường này. Và bởi ai cũng cần nó nên nó thực sự trở nên có ý nghĩa cho việc tác động đến tâm lý sở hữu và đầu cơ của tất cả mọi người. Cũng thật khó để đưa ra một tiêu chuẩn nào để định ra giá trị cho những bất động sản này. Giá trị của nó chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ cung – cầu, và ở đây câu chuyện “tạo ra cầu” là thứ quá dễ dàng để làm. Chỉ cần thúc đẩy cầu, bạn sẽ có thể nhân nó lên đến hàng trăm lần cũng được. Chẳng thế mà mỗi mét vuông nhà ở Hà Nội thuộc loại đắt nhất thế giới, trong khi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta vẫn lẹt đẹt ở mức ngưỡng thấp của thế giới. Chẳng có gì tuyệt vời hơi để tạo ra những “chất liệu” ảo tuyệt vời để giới tài chính phù phép như những “nhà giả thuật” phù phép biến kim loại thành vàng, chỉ có điều, ở đây họ biến nó thành vàng thật. Cả một thế giới thịnh vượng được tạo nên trên những nền tảng “ảo tưởng”, và nó lại trở thành đòn bẩy cho những món hàng để giới tài chính tiếp tục tạo ra những bầy cừu của mình.

Đàn sói cũng hiểu rằng, chúng không chỉ có một đàn và bầy cừu cũng vậy. Khi chúng chăm bẵm cho bầy cừu của mình phát triển, chúng cũng phải xác định rằng bầy cừu của mình cũng sẽ là mục tiêu tấn công của những đàn sói khác. Cuộc chiến giờ chẳng phải chỉ là hai bên mà là rất nhiều bên, đàn sói cũng hiểu rằng, chúng chẳng thể trực tiếp đứng ra bảo vệ bầy cừu của mình, vì như vậy là chúng đã để lộ cho bầy cừu biết một điều thiên cơ bất khả lộ và đàn sói cũng chẳng thể tấn công nhau trực tiếp như thế. Chúng cần một phương án khác. Đàn sói phát hiện ra rằng, đồng cỏ có một ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của bầy cừu, do vậy, ai sở hữu những đồng cỏ tốt nhất cũng đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng được nhiều nhất đến bầy cừu. Việc sở hữu những đồng cỏ cũng không làm ra một cái ý nghĩa để lộ rằng đàn sói đang nhắm tới bầy cừu, việc đó chỉ đơn thuần là chúng đang bảo vệ lãnh thổ của mình thôi mà.

Rõ ràng, lĩnh vực bất động sản có một ý nghĩa cốt yếu trong cuộc chơi đầu tư tài chính. Chúng tạo ra chất liệu và đòn bẩy cho những cuộc chơi tài chính, bất kể ở mọi thời điểm, thịnh vượng hay khủng hoảng. Tuy nhiên, vì sẽ luôn xuất hiện những đàn sói khác cũng nhắm đến bầy cừu của mình, đàn sói bắt buộc phải có những phương cách bảo vệ khác. Một lĩnh vực có vẻ xa vời với bất động sản, nhưng về thực chất lại gắn kết chặt chẽ và có ý nghĩa như đồng cỏ với bầy cừu, đó là lĩnh vực năng lượng. Một cách gián tiếp, các nguồn năng lực chính như dầu mỏ, than, có vai trò quan trọng và quyết định cho việc tạo ra các nguyên vật liệu, các điều kiện để xây dựng và phát triển các bất động sản. Lúc đầu là với vai trò nguồn đầu vào thuần túy vật liệu, lĩnh vực năng lượng ngày càng đóng vai trò đòn bẩy nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực bất động sản dưới bàn tay “phù thủy” của những “giả thuật kim” tài chính. Các nguồn thu từ năng lượng được quay trở lại đầu tư vào những bất động sản, chúng ta có nhìn thấy khá rõ những dự án bất động sản quy mô ở vùng Vịnh chẳng hạn, là một minh chứng khá rõ ràng. Nhưng vẫn phải khẳng định rằng bất động sản vẫn là mục tiêu chính của giới tài chính. Tại sao vậy? Bởi năng lượng thì không thực sự tồn tại “hiện hữu”, chúng ta không thể “dự trữ” nó theo cái nghĩa “để dành” được, nó chỉ có giá trị khi được sử dụng mà thôi, tức là cần phải được tiêu thụ, còn bất động sản thì không vậy. Bạn có thể để nó vậy, bất kể dùng hay không dùng, nó vẫn có giá trị, dựa theo cuộc chơi cung cầu được tạo ra. Do vậy để tiền thực sự là tiền và đẻ ra tiền, các nguồn thu từ năng lượng phải được tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Vòng xoáy này sẽ tiếp tục gia tốc của nó, tạo ra những giá trị gia tăng khủng khiếp cho cuộc chơi tài chính. Chúng ta sẽ tiếp tục đi sâu vào vấn đề này ở một bài khác.

Ngoài đồng cỏ ra, thì một còn một thứ đóng vai trò quan trọng không kém, không những chỉ với bầy cừu mà cả đồng cỏ, đó là nguồn nước. Lần ngược trở lên câu chuyện, đàn sói lại phát hiện ra sự diệu kỳ của việc sở hữu nguồn nước có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Bầy cừu có thể nhịn đói vài ngày nhưng không thể thiếu nước vài ngày. Đồng cỏ không có nước sẽ chẳng thể phát triển và tồn tại được. À, vậy thì, nếu sở hữu cả nguồn nước nữa thì tầm kiểm soát của đàn sói sẽ càng mạnh hơn, và thậm chí chỉ cần sở hữu nguồn nước thôi, thì cũng có thể tác động mạnh đến bầy cừu và đồng cỏ. Nhưng khác với đồng cỏ, nó có thể phân định thành một khu, nguồn nước thường chảy qua nhiều khu khác nhau và về thực tế, không ai có thể thực sự “bịt” nguồn nước lại để kiểm soát cả. Các đàn sói cần phải có một sự hợp tác với nhau.

Câu chuyện đến đây, các bạn có hình dung ra nguồn nước đó là gì không? Đó chính là hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông. Thiếu hệ thống giao thông thông suốt, năng lượng chẳng thể nào được chuyển đến những nơi cần đến nó và tạo ra các giá trị. Bất động sản cũng vậy, sẽ chẳng thực sự có giá trị và ý nghĩa. Hệ thống hạ tầng giao thông đã làm cho mọi thứ được trở nên thông suốt và không những thế gia tăng giá trị cho năng lượng và bất động sản. Có thể thấy rõ giá trị của việc một con đường được mở mới hay mở rộng có giá trị như thế nào đến việc gia tăng giá trị của các bất động sản.

Tuy nhiên, đến đây, câu chuyện lại thêm vào một nhân vật thứ ba, mà ta cứ tạm biết đã và sẽ phân tích sâu về nó sau, đó chính là Nhà nước. Với cấp độ quan trọng dần dần từ bất động sản, lên đến năng lượng và rồi là hạ tầng giao thông, vai trò của Nhà nước càng ngày càng cao. Các Nhà nước quản lý bất động sản ở một mức độ hạn chế, chủ yếu là về quy hoạch và các điều kiện an toàn, nhưng Nhà nước quản lý các vấn đề năng lượng chặt chẽ hơn rất nhiều, can thiệp sâu vào mọi hoạt động từ việc cấp phép khai thác, khai thác, sản xuất kinh doanh… và đến lĩnh vực hạ tầng thì thường là độc quyền thông qua các hình thức “công sản” các hệ thống hạ tầng dưới nhiều biến thể khác nhau ở mỗi quốc gia. Thế giới tài chính sẽ làm thế nào nhỉ? Cũng như những đàn sói cần phải hợp tác với nhau để kiểm soát nguồn nước, giới tài chính cũng vậy. Việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thường rất tốn kém và rủi ro về tính thanh khoản. Do vậy, cũng cần một nơi để “đẩy” nó khi “miếng mồi” này không được “thơm ngon” cho lắm. Nhà nước ở đây có một ý nghĩa tuyệt vời để làm việc đó. Giới tài chính đã cùng nhau thỏa thuận việc kiểm soát hệ thống hạ tầng giao thông thông qua vai trò của Nhà nước. Họ kiểm soát nhà nước? Vâng, về bản chất đúng là như vậy, và tùy vào từng thể chế nhà nước, cùng với trình độ phát triển của nó mà sự tinh vi trong việc kiểm soát này được thể hiện ra như thế nào.

Có một bầy cừu sung túc để cung cấp nguồn thức ăn cho mình, đàn sói không còn lo về mặt số lượng, nhưng nếu dừng lại ở đó thì có vẻ mọi việc bắt đầu trở nên nhàm chán. Món ăn lúc này cần phải ngon hơn, câu chuyện về chế biến thịt cừu được bắt đầu nghĩ đến. Và cũng như việc chế biến tất cả các món ăn, thực chất đều bắt đầu bằng và về bản chất từ gia vị. Đàn sói cần phải nghĩ đến những gia vị có thể làm cho món thịt cừu được ngon hơn và với mỗi gia vị đó sẽ có những cách chế biến phù hợp. Trong các gia vị, muối có một ý nghĩa quan trọng nhất, và ai kiểm soát được muối, người đó thực sự có thể tạo nên một giá trị gia tăng rất lớn.

Gia vị của giới tài chính là gì đây? Đó chính là hệ thống thông tin – viễn thông. Nhờ có hệ thống thông tin – viễn thông, mọi sự bắt đầu trở nên đặc biệt hơn, ai sở hữu thông tin và có một hệ thống viễn thông tốt, người đó có thể vượt lên trước người khác. Có một câu chuyện về trái phiêu của nước Anh và vì sở hữu được hệ thống truyền tin hữu hiệu, gia đình Roschild đã làm chủ được cuộc chơi, trở thành người nắm được trái phiếu Anh nhiều nhất, với cái giá rẻ nhất và sau này, nhờ đó đến nay vẫn là người thực sự kiểm soát nền tài chính của nước Anh. Thông qua hệ thống thông tin – viễn thông, câu chuyện về việc tạo ra các giá trị gia tăng dựa trên nền tảng bất động sản, năng lượng, hạ tầng giao thông được gia tốc một cách nhanh chóng, và không chỉ có sự tăng về tốc độ, nó còn dẫn tới sự gia tăng khủng khiếp về mặt khối lượng, nhờ việc rút ngắn được thời gian làm xảo thuật giả kim và tác động được đến một khối lượng đối tượng tiếp nhận nhiều hơn, nhanh hơn. Truyền thông, thực sự trở thành một cột trụ của giới tài chính hiện đại, nó là một thứ “gia vị” mầu nhiệm, cho phép giới tài chính chế biến ra các “món ăn” tài chính, ngày càng đa dạng hơn, nhanh hơn.

Nếu tiếp tục câu chuyện về đàn sói và bầy cừu, có cảm giác như nó sẽ dẫn chúng ta tới vô cùng. Đúng vậy, với các tư duy thông thường, nhưng về căn bản, những cột trụ chính yếu đã được tạo ra, và những thứ khác sẽ chỉ là những “món ăn” được chế biến ra mà thôi. Vậy đến đây đã là kết thúc? Không, vẫn còn một thứ cuối cùng, một thứ vô hạn, nhưng lại là cốt lõi của tất cả, đó chính là tư tưởng. Đàn sói khi đã được thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mình, chúng sẽ quay trở lại điều quan trọng nhất ý thức về chính mình. Và câu chuyện giờ đây đó chính là ai kiểm soát được tư tưởng của đàn sói, người đó sẽ kiểm soát được tất cả.

Chúng ta là những con người, và do vậy, tất cả những điều chúng ta hành động đều xuất phát từ tư duy của chính chúng ta. Chính cái cách chúng ta nghĩ sẽ quyết định tất cả mọi thứ. Nếu chúng ta không nghĩ cái nhà đó là cần thiết thì dù bằng cách nào nó cũng sẽ là vô nghĩa với ta, và do vậy nó cũng sẽ chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng nó cần thiết, thì dù trên thực tế, nó vô giá trị, ta cũng sẽ vẫn coi nó là có giá trị và thực sự ta tạo ra cho nó giá trị, một giá trị không phải từ bản chất hiện hữu của nó, mà là giá trị từ chính trong tư tưởng của ta. Nếu nói là cái tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất, thì đó chính là tư tưởng của con người. Và tương lai của giới đầu tư tài chính sẽ là cuộc chơi đầu tư và kiểm soát được tư tưởng của con người.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả