menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Câu chuyện dòng tiền F0 hiện nay khác nhiều so với hơn 10 năm trước

“Việc bùng nổ nhà đầu tư mở tài khoản tham gia thị trường chứng khoán là có, nhưng điều này tôi thấy ở hướng tích cực hơn tiêu cực kiểu giờ ai cũng chơi chứng khoán thì bong bóng tới nơi, sụp đổ tới nơi, tôi không cho là vậy”, chuyên gia KIS Việt Nam cho biết.

Chia sẻ với BizLIVE, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư hiện nay thông minh hơn, có kinh nghiệm hơn, thận trọng hơn trong giao dịch. Vị này đánh giá dòng tiền mới sẽ tiếp tục đổ vào thị trường thời gian tới.

Ông có bình luận gì về thị trường chứng khoán gần đây với mốc lịch sử về điểm số, thanh khoản?

Thị trường lập đỉnh là cách thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng phản ứng tích cực theo những gì họ đang cảm nhận, thấy được, nghe được. Cụ thể, thứ nhất là thông tin về gói kích cầu đổ vào nền kinh tế của các bộ ngành đề xuất. Đây là một gói lớn nhất chưa từng có trong tiền lệ, dĩ nhiên trong bối cảnh dịch bệnh nhưng với gói này sẽ thúc đẩy nền kinh tế, giúp doanh nghiệp một phần phục hồi. Đây là yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư phấn khích, yên tâm, đặt niềm tin vào tương lai.

Xa hơn, Mỹ vừa thông qua một gói kích cầu 1.200 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp nước này. Đây là yếu tố ngoại vi nhưng cũng mang tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong nước. Vì với lượng tiền này bơm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Mỹ nhưng rõ ràng, đồng tiền đó bằng cách này cách khác cũng chảy vào thị trường tài chính, những nước như chúng ta cũng hưởng lợi gián tiếp. Khi kinh tế Mỹ phục hồi, những nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đặc biệt với Việt Nam thì Mỹ là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư Mỹ nhập hàng nhiều của Việt Nam, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng vào Mỹ.

Hai cơ sở lớn trên giúp nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân vào thị trường, đẩy thanh khoản tăng cao lên mức kỷ lục.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như đầu tư công Chính phủ đẩy mạnh thông qua mở rộng đầu tư mới. Ngoài ra Chính phủ đang bắt đầu đầu khởi động dự án sân bay Long Thành và một số dự án sân bay nhỏ khác.

Cộng với kiểm soát dịch bệnh dần ổn định dù F0 ở ngưỡng cao nhưng cách kiểm soát dịch đã thay đổi, chuyển quan điểm sống chung với dịch COVID. Mọi thứ về nền kinh tế, các doanh nghiệp, giao thương bắt đầu hoạt động trở lại, thúc đẩy nền kinh tế khởi sắc trở lại.

Trong tương lai gần, với đề xuất mở lại các đường bay quốc tế, nếu khả thi thì đầu tháng 12. Theo đó, dòng vốn FII, FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam bởi các chủ tịch, tổng giám đốc, quản lý cấp cao các tập đoàn lớn dễ dàng qua Việt Nam, sẽ lựa chọn Việt Nam là điểm đến, giống như thời gian trước chúng ta nói nhiều tới Trung Quốc +1, thậm chí thay Trung Quốc bằng Việt Nam, tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, thuê mướn nhà xưởng…

Tất cả thông tin có lợi, thậm chí vượt ngoài dự đoán của nhiều người, hầu hết các nhà đầu tư đang cầm tiền mặt đã giải ngân vào thị trường.

Thống kê cho thấy, tiền mặt nằm chờ ở các CTCK tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng, chưa kể tiền CTCK tăng vốn, huy động thêm từ tập đoàn mẹ ở CTCK có vốn nước ngoài hoặc các công ty trong nước phát hành trái phiếu để huy động thêm để bổ sung cho vay margin. Tổng lượng tiền đổ vào thị trường có thể dao động 100.000 tới 150.000 tỷ đồng. Với dòng tiền mạnh như vậy. Khối ngoại cũng bắt đầu quay lại mua ròng, tuần rồi nhiều phiên chuyển sang mua ròng.

Vừa thông tin tích cực, tâm lý phấn khởi, dòng tiền thật từ trong nước và NĐTNN tăng lên đã giúp VN-Index chinh phục đỉnh cao mới, thanh khoản tăng lên cao là hợp lý.

Dòng tiền F0 tiếp tục gia tăng sau giãn cách. Ông có nhận định gì về xu hướng của dòng tiền này?

Đây là thông tin tích cực. Thứ nhất tỷ lệ nhà đầu tư đang có tài khoản, đã đầu tư chứng khoán trên tổng dân số Việt Nam tạm tính khoảng 4-5%, so với tỷ lệ ở các quốc gia lân cận vẫn là thấp (10-20%). Ở các nước phát triển đã dao động 30-50%/tổng dân số. Tôi tin xu hướng này còn tiếp diễn trong thời gian tới vì đây là kênh đầu tư chính thống, được pháp luật bảo vệ, thông tin minh bạch…

Với nhà đầu tư mở mới chắc chắn dòng tiền đổ vào thị trường còn lớn. Như đã đề cập, thống kê sơ bộ có khoảng 90.000 tỷ đồng tiền mặt đang nằm sẵn trong các CTCK. Với lượng mở mới tiếp tục trong những tháng cuối năm thì lượng tiền đổ vào thị trường sẽ khoảng vài chục nghìn tỷ. Với dòng tiền hoàn toàn mới và tích cực là điều tốt cho TTCK, cho những nhà đầu tư đang tham gia trên thị trường.

Có ý kiến cho rằng thị trường đang lặp lại câu chuyện nhà nhà chơi chứng khoán hơn 10 năm trước, tiềm ẩn rủi ro với thị trường. Quan điểm của ông ra sao?

Theo tôi 2 yếu tố này mới thoạt nhìn giống nhau nhưng thực sự khác nhau. Thứ nhất, lúc có khái niệm người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán là khi thị trường còn rất non trẻ, vào 2007. Khi Việt Nam ký hiệp định tham gia WTO cuối 2006 thì thị trường nổi dạy, bùng nổ tới giữa cuối 2007.

Thị trường Việt Nam thành lập năm 2000, nhưng khoảng 2000 tới 2006 thị trường còn non, mờ mịt ít người tham gia. Từ hệ thống quản lý, vận hành, giám sát, cơ chế chế tài phát hiện xử phạt chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngược lại, nhà đầu tư không có nhiều thông tin, hầu như thông tin còn mù mờ, thường diễn ra theo khuynh hướng truyền tai, bỏ nhỏ, bầy đàn kiểu “thấy người ăn khoai dắt mai đi đào”, thấy chị này anh kia mua cái gì thì mình mua cái đó, nghe đồn mua cái gì thì mua chứ chưa biết tại sao mua…

Kế nữa, lúc đó chưa ai trải qua một đợt đau thương nào, tại sao người người mua chứng khoán, nhà nhà mua chứng khoán vì mua gì cũng trúng, thị trường bùng nổ chỉ có một số cổ phiếu bluechip, quanh quanh một số mã như VNM, FPT, mua là trúng, nhà đầu tư cứ nhắm mắt đưa chân, như những con thiêu thân.

Thực sự thị trường khi đó sụp đổ không phải bản thân thị trường sụp đổ mà là hệ quả của khủng hoảng tài chính, nguồn cơn từ hệ thống ngân hàng Mỹ với việc phá sản Lehman Brothers, toàn bộ tài chính thế giới chao đảo, ảnh hưởng. Tỷ lệ lạm phát các nước trong đó có Việt Nam tăng lên rất cao, lãi suất huy động lên 18-20%, từ đó thị trường chứng khoán mới sụp đổ. Ví dụ thế giới bình thường, nền kinh tế đang vận động tốt tự nhiên thị trường chứng khoán sụp bởi vì người người chơi chứng khoán là không phải.

Năm nay đúng là nhà đầu tư bắt đầu tham gia nhiều hơn, tỷ lệ bây giờ tham gia hơn thời điểm hơn 10 năm trước nhưng nhà đầu tư đã thông minh hơn. Thứ nhất nhờ truyền thông, nhiều báo đài nói về kinh tế tài chính, cụ thể là thị trường chứng khoán hơn xưa, gấp 5-10 lần. Tốc độ ra tin bài phân tích, hội thảo, tần suất chuyên đề thị trường chứng khoán nhiều cho nên nhà đầu tư có quá nhiều thông tin để cân nhắc, phân tích, lựa chọn. Hệ thống phân tích của các công ty chứng khoán nhiều, kể cả bằng tiếng Anh trong khi hồi xưa kiếm báo cáo phân tích là khó.

Nhà đầu tư bây giờ bản thân họ thông minh hơn, cẩn trọng hơn từ kinh nghiệm người đi trước, họ đầy đủ công cụ hơn, để nói họ nhắm mắt lao như con thiêu thân là không còn. Họ tỉnh táo hơn, kỹ lưỡng hơn. Tôi thấy có sự khác biệt đó.

Tóm lại việc bùng nổ nhà đầu tư mở tài khoản tham gia thị trường chứng khoán là có, nhưng điều này tôi thấy ở hướng tích cực hơn tiêu cực kiểu giờ ai cũng chơi chứng khoán thì bong bóng tới nơi, sụp đổ tới nơi, tôi không cho là vậy.

Ông có e ngại về margin trên thị trường hiện nay?

Như đã nói, bản thân nhà đầu tư giờ thông minh hơn. Quan sát thấy, thị trường rục rịch là họ bán chứ không như xưa, kiên trì chờ đợi, vì thực ra họ có biết gì nhiều. Họ không rõ những nhận định kiểu thị trường vào vùng quá mua, sẽ phải có phiên điều chỉnh, P/E quá cao. Còn giờ P/E cao là lo nhảy, thậm chí không cần chuyên gia nói họ cần lời 3-4% là chốt lời, cứ T3, T5, T7 chốt lấy tiền về.

Do hành động nhanh của nhà đầu tư quyết đoán hơn cho nên tỷ lệ margin có thể tăng lên cao nhưng cũng giảm xuống nhanh.

Ước lượng tổng margin trên thị trường dao động từ 120.000 tới 140.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ con số này là bình thường không có gì gọi là bong bóng hay hàm chứa rủi ro gì. Mới đây, một vị lãnh đạo của ngành chứng khoán cũng đã chia sẻ tiền cho vay chứng khoán ở mức vừa phải, không hàm chứa tiềm ẩn rủi ro.

Theo HOSE cuối năm nay có thể vận hành kết nối hệ thống KRX của Hàn Quốc hỗ trợ, đầu năm 2022 vận hành. Khi vận hành có thể công cụ mới như T0 mua bán trong ngày, tiếp tục gia tăng đòn bẩy tài chính. Hiện tỷ lệ margin là 5-5, sau này nếu chạy chính thống, dự kiến tỷ lệ margin có thể là 2-8. Như vậy có nghĩa cơ quan quản lý chấp nhận bung tỷ lệ lên cao tức là margin hiện nay không có gì ghê gớm.

Hiện thị trường xuất hiện thông tin nhận định gói kích thích kinh tế có thể không đạt quy mô 800.000 tỷ đồng. Theo ông điều này tác động ra sao tới thị trường?

Nói một cách chuyên sâu gói này có hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp rất nhiều. Việc của Chính phủ không phải tung gói gì làm cho thị trường chứng khoán tăng hay giảm mà kỳ vọng Chính phủ tung gói kích cầu nhằm hỗ tợ các doanh nghiệp, người dân, cuối cùng là hỗ trợ nền kinh tế. Cho nên việc Chính phủ cân nhắc con số 800.000 tỷ hay con số nào khác thì đầu tiên là có sự giảm bớt. Tuy nhiên có còn hơn là không có.

Theo tôi giảm từ 800.000 tỷ xuống thì giảm nhiệt, giảm tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư, vì họ có thể hơi hụt hẫng, có thể gây ra phản ứng tiêu cực nhẹ, họ khựng lại nhưng không là yếu tốt làm cho thị trường chao đảo hay sụp đổ. Tôi nghĩ mang yếu tố tâm lý nhà đầu tư chỉ mang tính ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục, họ sẽ nhìn cụ thể vào doanh nghiệp, kết quả kinh doanh sau khi giãn cách, giao thương có phục hồi không, nếu có thì họ vẫn đầu tư trong giai đoạn sắp tới.

Ông nhận định gì về thị trường cuối năm? Những ngành nào được đánh giá khả quan?

Nếu nói về thị trường cuối năm, tôi đánh giá là tích cực. Khi thông tin ra không như kỳ vọng có ảnh hưởng một chút, về mặt tâm lý ngắn hạn. Tổng thể thị trường về cuối năm là tốt. Vì quý 4, thị trường khởi động, giao thương phục hồi, sản xuất kinh doanh phục hồi thì kết quả kinh doanh quý 4 tốt hơn giai đoạn vừa rồi, đủ cơ sở cho nhà đầu tư mạnh tay giải ngân. Với đà chạy như vậy, bước qua 2022 họ có niềm tin tốt hơn. Tôi nghĩ cuối năm vẫn tốt.

Ở nhóm ngành hấp dẫn cấp 1, thứ nhất là ngành thép, gói kích cầu và đầu tư công sẽ đổ vào nguyên vật liệu xây dựng. Đầu tư công là điện đường trường trạm, cảng (biển, hàng không)… đều cần sắt thép. Và sau giãn cách thì ngành bất động sản bắt đầu trở lại, cần vật liệu để xây dựng.

Thứ hai là ngành chứng khoán, trong suốt 2 năm qua thanh khoản thị trường ngày càng tăng, đã có phiên lên tới hơn 2 tỷ USD. Các công ty chứng khoán theo đó hưởng lợi về doanh thu phí, lãi margin… biên lợi nhuận sẽ lớn.

Thứ ba là ngành bất động sản khu công nghiệp. Nguyên năm 2021 dù nói nhiều về lót ổ đón “đại bàng” nhưng thực tế “đại bàng” chưa bay qua được. Nếu đầu tháng 12 mở lại đường bay thương mại quốc tế, nếu không cần cách ly thì nhiều “đại bàng, chim ó, chim én” sẽ qua. Những dự kiến kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của các công ty bất động sản khu công nghiệp cho thuê sẽ thực sự hiện thực hóa được. Có thể từ trước giờ họ email, đặc cọc giữ chỗ nhưng chưa giải ngân tiền nhiều vì chưa qua được để xem thực tế. Nên nếu thời gian tới họ qua được thì tiền đổ về nhiều, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn.

Thứ tư có thể là ngành bất động sản dân dụng. Qua quá trình không đầu tư đâu được, bị đè nén. Văn hóa Việt Nam đầu tư nhà đất vẫn là hấp dẫn. Ngành bất động sản dân dụng sẽ thu hút vì thời gian qua bị đè nén nhiều. Bây giờ có lại thì sẽ phục hồi. Đặc biệt là những công ty đàng hoàng, làm ăn nghiêm túc. Tôi tin ngành này sẽ hồi phục.

Những ngành hấp dẫn cấp 2 là ngân hàng. Nguyên năm 2020 ngành này hưởng lợi, bùng nổ. Qua thời bùng nổ thì phải giảm nhiệt. Qua thời giãn cách sinh ra tình hình nợ xấu, đặc biệt khách lớn là bất động sản. Vấn đề nợ xấu đến từ bất động sản thực tế là có, biên lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn như trước, không còn là cổ phiếu hot ở dòng cấp 1 nêu trên. Nhưng với nền kinh tế hồi phục, mọi thứ trở lại bình thường thì ngành ngân hàng vẫn phát huy vai trò, thế mạnh của mình nên tôi cho là vẫn là cổ phiếu đáng quan tâm.

Dòng cấp 2 còn có dầu khí, vì các vấn đề địa chính trị, tranh chấp các quốc gia có mỏ dầu khí, giữ hoặc đẩy giá dầu tăng tiếp nhưng không quá rõ ràng, kéo dài.

Ngành nữa là may mặc. Khi nền kinh tế toàn thế giới hồi phục, dịch được kiểm soát, giao thương mở lại thì người ta mua sắm trang phục, dĩ nhiên không bùng nổ như trước.

Cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,244.70

-3.94 (-0.32%)

Biểu đồ mã VN-INDEX

3,480.00

-30.00 (-0.85%)

Biểu đồ mã Steel
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại