Carry trade vẫn là mối đe dọa với thị trường chứng khoán toàn cầu?
Các nhà phân tích cho rằng sự đảo chiều của giao dịch "carry trade" lớn nhất thế giới sẽ còn gây rắc rối cho thị trường, khi đồng Yên Nhật mạnh lên buộc các nhà đầu cơ phải đóng các vị thế trị giá hàng trăm tỷ USD.
Giao dịch carry trade đã trải qua một thời kỳ hoàng kim kéo dài 3 năm nhờ chính sách lãi suất cực thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Chiến lược này bao gồm vay tiền với lãi suất cực thấp từ Nhật Bản, rồi đem đi đầu tư vào các tài sản có lợi nhuận cao hơn ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã đảo chiều.
Tuần trước, BoJ tăng lãi suất và khiến đồng Yên tăng giá mạnh. Điều này dẫn tới một làn sóng bán tháo ồ ạt trên khắp các thị trường toàn cầu, khi các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư vội vã thanh lý các vị thế carry trade của mình.
Kit Juckes, Chiến lược gia tiền tệ kỳ cựu tại Société Générale, đã mô tả tình huống một cách sinh động: "Bạn không thể đóng giao dịch carry trade lớn nhất mà thế giới mà không gây tổn thương nào”.
Theo một số ước tính, giao dịch carry trade bằng đồng Yên đã trở thành một trong những giao dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dòng tiền giá rẻ từ Nhật Bản đã chảy vào tiền tệ các thị trường mới nổi như đồng Peso của Mexico, cho đến cổ phiếu Đài Loan, bất động sản và thậm chí là cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Theo các chuyên viên phân tích, việc ước tính chính xác quy mô của giao dịch này là một thách thức lớn. Lý do là vì sự phức tạp và đa dạng của những người tham gia, từ các quỹ phòng hộ, văn phòng gia đình (family office), vốn tư nhân, cho đến cả các công ty Nhật Bản. Không chỉ các nhà đầu cơ chuyên nghiệp, mà ngay cả các hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật Bản bình thường cũng tham gia vào "cuộc chơi" này, sử dụng vốn trong nước để đầu tư ra nước ngoài.
James Malcolm, Chiến lược gia toàn cầu tại UBS, ước tính giao dịch carry trade đô la-yên tích lũy kể từ năm 2011 có thể lên tới 500 tỷ USD, với khoảng một nửa được tạo ra chỉ trong 2-3 năm gần đây. Đáng chú ý, ông ước tính rằng khoảng 200 tỷ USD trong số này đã bị bán tháo chỉ trong vài tuần qua.
Một quan chức cấp cao của Nhật Bản đã nhận xét: “Đã có rất nhiều trường hợp sử dụng giao dịch carry trade một cách phi lý trong những năm gần đây, nên sự đảo chiều ở một giai đoạn nào đó là điều không thể tránh khỏi”.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), việc vay Yên xuyên biên giới đã tăng vọt 742 tỷ USD kể từ cuối năm 2021. Đến tháng 3/2024, các khoản vay xuyên biên giới có nguồn gốc từ Nhật Bản đã đạt mức kỷ lục 157 ngàn tỷ Yên (1 ngàn tỷ USD), tăng 21% so với năm 2021.
Tuy nhiên, bức tranh này đã thay đổi đột ngột khi Chính phủ Nhật Bản quyết định can thiệp để hỗ trợ đồng Yên. Đỉnh điểm là việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất tuần trước, kèm theo gợi ý mạnh mẽ về việc sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu sự đảo chiều này đã đạt đến đỉnh điểm chưa? Giới chuyên gia vẫn còn chia rẽ trong vấn đề này. Một số lạc quan cho rằng phần lớn các vị thế đầu cơ đã được thanh lý. Ngược lại, những người khác cảnh báo rằng đây mới chỉ là khởi đầu, với nhiều đợt thanh lý nữa sắp diễn ra khi làn sóng bán tháo lan từ các quỹ phòng hộ sang các nhà đầu tư "tiền thật".
Benjamin Shatil, Chiến lược gia tiền tệ tại JPMorgan ở Tokyo, thừa nhận: "Thực tế là không ai biết chính xác giao dịch carry trade bằng Yên lớn đến mức nào, hoặc bao nhiêu phần trăm vị thế đã được đóng lại". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng "một số vị thế bán khống Yên mong manh nhất đã được dọn sạch" ở giai đoạn này.
Nhìn về tương lai, Osamu Takashima, Chuyên gia phân tích tiền tệ tại Citi, đưa ra một dự báo táo bạo. Ông nhận định "đợt điều chỉnh hiện tại chỉ là khởi đầu của hồi kết" và dự đoán đồng Yên có thể mạnh lên đáng kể trong những năm tới, có thể chạm mức 129 đổi 1 USD vào năm 2026 và thậm chí là 116 vào năm sau đó. Đây là một dự báo đáng chú ý, đặc biệt khi so sánh với mức tỷ giá hiện tại là 147 đổi 1 USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận