Cập nhật vĩ mô - Sản xuất dẫn dắt đà tăng trưởng mạnh mẽ
Việt Nam ghi nhận GDP Q3/24 tăng trưởng 7,4%, mức cao nhất trong hai năm
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP của Việt Nam tăng 7,4% svck trong Q3/24, đánh dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ mức tăng 13,7% vào Q3/22 sau khi Chính phủ chính thức mở cửa kinh tế hậu COVID-19. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kể từ Q2/24 nhờ số lượng đơn đặt hàng sản xuất tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2024 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực, điều này đã bù đắp cho những tác động tiêu cực từ cơn bão Yagi trong tháng 9 vừa qua.
Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 6,9%
Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong Q4/24 với GDP dự báo tăng 7,1% svck (+0,2 điểm %), chủ yếu nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu duy trì tích cực, dòng vốn FDI dồi dào, sự phục hồi của thị trường bất động sản và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, bao gồm cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Vì vậy, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9% từ dự báo cũ là 6,7%, phản ánh mức tăng trưởng Q3/24 vượt dự báo và kỳ vọng vào mức tăng trưởng khả quan trong Q4/24.
Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025
Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% svck trong năm 2025 nhờ vào 1) xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu; 2) triển vọng tích cực của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; 3) nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện; và 4) đầu tư tư nhân từng bước phục hồi. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ duy trì tích cực trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 8-9% svck, trong khi giá trị xuất nhập khẩu tăng trưởng 9-10% svck, nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và môi trường tín dụng dần nới lỏng trên toàn cầu.
Áp lực tỷ giá quay trở lại theo đà phục hồi mạnh của DXY
Mỹ liên tục đón nhận dữ liệu kinh tế khả quan, bao gồm lạm phát và doanh số bán lẻ đều tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng 9. Điều này đã hỗ trợ chỉ số DXY vượt mốc 103 và gây áp lực lên tỷ giá VNĐ. Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ tăng vọt lên 25.165 VNĐ vào ngày 18/10, tương đương mức mất giá 3,7% kể từ đầu năm. (sv -1,2% vào cuối T9/24). Như vậy, tiền đồng đã mất giá hơn 2,5% so với USD chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng diễn biến này chỉ là tạm thời, và áp lực tỷ giá có thể bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối Q4/24 nhờ 1) kỳ vọng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành thêm hai lần nữa từ nay tới cuối năm 2024 qua đó khiến DXY suy yếu; 2) thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng; 3) dòng vốn FDI dồi dào; và 4) kỳ vọng về dòng kiều hối mạnh mẽ trong Q4/24.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận