Nhận OTP
24HMONEY đã kiểm duyệt
[Cập nhật vĩ mô – T7/2023]: Sản xuất công nghiệp dần lấy lại đà tăng trưởng, nhưng động lực vẫn khá yếu
Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố số liệu về kinh tế Việt Nam trong T7/2023 với một số điểm nhấn đáng chú ý.
Lạm phát nhích nhẹ trong tháng 7/2023 sau khi EVN tăng giá điện bán lẻ: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng +2,1% so với cùng kỳ +0,5% so với tháng 6/2023 chủ yếu do ảnh hưởng của giá điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5/2023. Đây là một trong những yếu tố chính kéo nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (+6,51%) trong tháng 7 và hai yếu tố khác bao gồm tăng nước, giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng. Chỉ số giá một số nhóm hàng như Hàng ăn & Dịch vụ ăn uống, May mặc & Giày dép và Thiết bị & Đồ dùng gia đình tiếp tục tăng chậm lại tháng thứ 7 liên tiếp. Điều này cho thấy cầu nội địa ở cả nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và không thiết yếu vẫn ở mức thấp. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng +3,12%, thấp hơn mục tiêu cả năm (+4,5%). Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 7/2023 (không gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý như y tế và giáo dục) ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 11 tháng (+4,11% YoY). Lũy kế 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng +4,65% YoY.
Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cải thiện nhẹ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng +7,1% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện nhẹ so với mức tăng thấp trong tháng 6/2023 (+6,5% YoY). Trong đó, bán lẻ hàng hóa tháng 7/2023 tăng +7% YoY (cao hơn mức tăng +6% trong tháng 6/2023). Dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng thấp so với cùng kỳ cho dù đây là tháng cao điểm về du lịch.
Hoạt động sản xuất công nghiệp dần lấy lại đà tăng trưởng, tuy nhiên động lực vẫn khá yếu: Trong tháng 7/2023, chỉ số IIP toàn ngành tăng +3,7% so với cùng kỳ và 3,9% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số IIP toàn ngành trong 4-5 tháng gần đây, nhưng chỉ tương đương một nửa mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2022 và chưa có sự đồng đều giữa các nhóm ngành lớn. Cụ thể, Chế biến thực phẩm, Đồ uống, Sản xuất kim loại, Dệt, Hóa chất và Dược phẩm ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ hồi phục đáng kể. Ngược lại, một số ngành có ảnh hưởng tương đối lớn gần như không tăng trưởng (May mặc) hay thậm chí tiếp tục giảm (Điện tử và máy vi tính).
Xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ, nhưng có tín hiệu hồi phục ở một số ngành hàng: Trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm -3,5 YoY, đạt 29,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm -9,9% YoY, đạt 27,5 tỷ USD. So với tháng 6/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lần lượt +1,3% và +3,1% MoM. Thặng dư thương mại tháng 7/2023 đạt 2,2 tỷ USD và lũy kế 7T2023 đạt 15,2 tỷ USD (bao gồm nhập siêu gần 12,6 tỷ USD ở khu vực kinh tế trong nước và xuất siêu 27,8 tỷ USD ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả dầu thô). Xét theo ngành hàng, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như Dệt may, Giày dép, Gỗ và Thủy sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng có tín hiệu hồi phục khi đà giảm đang dần được thu hẹp qua các tháng và giá trị xuất khẩu tháng 7/2023 đạt mức cao nhất trong 4-5 tháng gần đây. Riêng với máy tính và linh kiện, giá trị xuất khẩu tháng 7/2023 tăng mạnh so với cùng kỳ (+32%) sau khi liên tiếp suy giảm trong 4 tháng trước đó. Nhập khẩu tiếp tục giảm ở nhiều nhóm mặt hàng là nguyên vật liệu như Vải, Máy móc thiết bị, Chất dẻo, hóa chất tiếp tục là tín hiệu kém khả quan cho hoạt động sản xuất trong nước.
Có chuyển biến tích cực về dòng vốn FDI đăng ký trong tháng 7, nhưng cần quan sát thêm: Vốn FDI đăng ký T7/2023 tăng mạnh +122,5% so với cùng kỳ năm trước và +70,5% so với mức trung bình 6 tháng đầu năm, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 88,1% tổng vốn FDI đăng ký trong tháng) tăng +112,2% YoY. Ngoài ra,vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng tăng khá so với cùng kỳ (+40,3%) nhưng quy mô còn khá nhỏ (82,3 triệu USD) trong tháng 7, tương đương 1/4 giá trị của tháng 6/2023. Về đối tác, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc là 3 nhà đầu tư FDI lớn nhất rót vốn vào Việt Nam với mức tăng trưởng đột biến trong tháng 7/2023, lần lượt tăng +87,3%, +287% và +830,4% so với cùng kỳ (đảo chiều từ mức giảm sâu trong nửa đầu năm 2023). Sự cải thiện mạnh về dòng vốn đến từ Hàn Quốc diễn ra sau khi phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tới Việt Nam cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể bị tác động bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10/2023 và hiệu lực từ đầu năm 2024).
Giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 58 nghìn tỷ đồng trong tháng 7/2023, tăng +28,1% so với cùng kỳ và +7,5% so với tháng trước. Đây là mức tăng không thực sự ấn tượng nếu so với diễn biến giải ngân các tháng gần đây. Như vậy, tính đến cuối tháng 7, Chính phủ đã hoàn thành giải ngân 41,3% kế hoạch phân bổ vốn NSNN năm 2023 và còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng chưa được giải ngân.
Lượng khách quốc tế tiếp tục tăng thấp: Lượng khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt, tăng +6,5% so với tháng trước và tương đương 63,2% mức bình quân trước dịch Covid-19.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Nhà đầu tư lưu ý
Bình luận