Cảnh tượng bất ngờ tại "thủ phủ” bánh kẹo của Hà Nội những ngày giáp Tết Nhâm Dần
Được coi là “thủ phủ” bánh kẹo nhập khẩu từ nước ngoài về phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô suốt hàng chục năm qua nhưng năm nay, con phố này vắng lặng đến bất ngờ.
Là con phố nổi tiếng sầm uất nhất nhì Hà Nội về việc kinh doanh các loại bánh kẹo nhập ngoại nên nhắc đến phố Hàng Buồm, người ta nhớ ngay đến cảnh đông đúc, nhộn nhịp mua sắm mỗi Tết đến.
Tuy nhiên, trái ngược với mọi năm, đến Hàng Buồm vào những ngày cận Tết năm nay, nhiều người không khỏi bất ngờ khi cả dãy phố dài hơn 300 mét, hàng trăm hàng bánh kẹo Tết được bày bán với số lượng lớn nhưng các tiểu thương lại phải “dài cổ” ngóng khách.
Các tiểu thương bán bánh kẹo phố Hàng Buồm ngồi ngóng khách.
Chị Thoa, chủ cửa hàng bán bánh kẹo Tết ở đây cho biết, mọi năm, từ rằm tháng Chạp đến Tết, lúc nào cửa hàng cũng tấp nập khách ra vào từ sáng đến khuya, cửa hàng nào cũng phải thuê thêm nhân viên làm thêm để phục vụ khách, nhiều lúc tắc cả đường. Nhưng năm nay, mỗi ngày chỉ có vài ba khách đến mua sắm. Hàng hoá chất cao như núi nhưng không có người mua.
Các loại kẹo nhập khẩu được bán theo cân với giá từ 80-250 nghìn đồng/kg.
“Chưa năm nào ế như năm nay. Chúng tôi phải nhập ít hàng đi, giá nhập cũng cao hơn các năm trước 5% nhưng vẫn giữ giá bán không tăng, vậy mà khách không thấy đâu. Rượu ngày xưa bán theo thùng thì giờ bán lay lắt từng chai một”, chị Thoa nói.
Hàng trăm loại bánh kẹo chất đầy cửa hàng nhưng vắng khách mua.
Giá các loại bánh kẹo nhận định được giữ nguyên giá so với các năm trước. Các loại bánh kẹo nhập ngoại khác cũng dao động từ 150 - 650.000 đồng. Một số sản phẩm cao cấp có tăng cũng chỉ dao động từ 2% - 5%. Giá các loại kẹo bán theo cân thường dao động từ 80.000 - 250.000/kg.
Tuy nhiên, người mua thắt chặt chi tiêu nên thay vì mua cả cân thì khách chỉ mua tầm 3-5 lạng.
Ngoài hàng nhập khẩu, các cửa hàng còn bán thêm các loại thực phẩm trong nước.
“Ví thử như năm trước khách đến đây mua trung bình mỗi loại 1kg, thì năm nay chỉ mua mỗi loại trung bình 2 lạng. Còn tính theo giá trị đơn hàng, trước đây khách sắm Tết ở cửa hàng tôi trung bình khoảng 3 triệu tiền mứt, kẹo. Năm nay trung bình mỗi khách chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, số lượng người mua bánh mứt kẹo hết 2 - 3 triệu rất ít”, chị Thoa cho hay.
Các cửa hành đều trong tình trạng "nhân viên đông hơn khách".
Bà Hoa, người có thâm niên gần 20 năm bán bánh kẹo tại phố Hàng Buồm cho biết, chưa năm nào ế ẩm như năm nay. Ngày nào cũng bày hàng ra, ngồi “ngóng” khách, tối lại dọn vào mặc dù hàng không bán được.
“Những năm trước, nhà tôi phải thuê thêm mấy người người làm trước Tết cả tháng mới đủ nhân lực bán hàng. Nhưng năm nay, mỗi mình tôi bán mà ngồi ê cả mông vì không có khách”, bà Hoa thở dài.
Với đa dạng các mặt hàng từ trong nước đến nhập khẩu, phố bánh kẹo vẫn "đìu hiu" ngày cận Tết.
Theo tìm hiểu, trước đây, tuyến phố này chuyên kinh doanh các loại bánh kẹo nhập ngoại. Nhưng nhiều năm gần đây, các tiểu thương đã nhập thêm các loại bánh kẹo, mứt Tết trong nước để phục vụ nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Không có khách, nhân viên ngồi lướt điện thoại cả ngày.
Những ngày giáp Tết được coi là những ngày “ăn nên làm ra” của các cửa hàng kinh doanh bánh mứt kẹo tại con phố này khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Nếu như bánh kẹo “Made in Vietnam” thường được mua để ăn trong gia đình hay mời khách đến chơi nhà thì bánh kẹo ngoại nhập chủ yếu được mua để đi biếu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời thị trường quà biếu ngày càng đa dạng hoá các mặt hàng nên “thủ phủ” bán bánh kẹo trở nên đìu hiu chưa từng thấy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận