menu
Cạnh tranh thu hút FDI căng thẳng, Việt Nam có thể duy trì sức hút?
copy link
Nam Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cạnh tranh thu hút FDI căng thẳng, Việt Nam có thể duy trì sức hút?

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển trước những diễn biến như thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cuộc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên căng thẳng... Liệu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư?

Báo cáo "Vietnam at a glance - FDI" của HSBC phát hành mới đây cho thấy, Việt Nam đã hưởng dòng vốn FDI ổn định trên 4% GDP, thuộc hàng cao nhất ở ASEAN (tính tỷ trọng trên GDP). Chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư thuận lợi đóng vai trò trọng yếu trong thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là công ty sản xuất, đến Việt Nam xây dựng nhà máy và xuất khẩu hàng hóa từ đây đi.

Theo các chuyên gia HSBC, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng bình quân hơn 13%/năm từ 2007, trong đó chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi Samsung thành lập nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở Bắc Ninh vào năm 2008 tới nay, hơn một nửa sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD.

Cạnh tranh thu hút FDI căng thẳng, Việt Nam có thể duy trì sức hút?

Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho dòng vốn FDI.

Chính nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm như Samsung đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam. Năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.

Ngân hàng HSBC phân tích, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh chi phí lao động ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và các quốc gia khác, dù người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng, thể hiện qua kết quả khảo sát PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế khảo sát kiến thức và kỹ năng của học sinh 15 tuổi) của Việt Nam ở mức cao.

Các chi phí khác, chẳng hạn như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy ở Việt Nam cũng cạnh tranh. Khi so sánh giá điện cho kinh doanh, Việt Nam thấp thứ hai so với các quốc gia khác. Mặc dù những thay đổi gần đây khiến thời gian điều chỉnh giá điện rút ngắn hơn có thể ảnh hưởng đến tình hình hiện tại.

Ngoài ra, việc Việt Nam đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở nên ngày càng cởi mở hơn với FDI.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi được lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu.

Đến hiện tại, các yếu tố trên đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và giúp Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm, hiện tại có thể sánh với Singapore.

Tuy nhiên, theo HSBC, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này.

"Hiện Việt Nam đang được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian phức tạp cho khâu lắp ráp cuối cùng, minh chứng là tỷ lệ nội địa hóa thấp trong ngành hàng điện tử", HSBC phân tích.

Bên cạnh đó, dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng nhưng Việt Nam thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật, dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn, logistics và vận tải hàng hải. HSBC cho rằng chính phủ phải tìm cách mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia.

Ngoài ra, cần thêm nhiều sáng kiến khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước, giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp.

Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước, bên cạnh cân nhắc về thuế, chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần được Việt Nam tích cực giải quyết.

"Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới", chuyên gia HSBC gợi ý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Ảnh đại diện


Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả
1
Chia sẻ