menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Cảnh giác với bong bóng tài sản

Đã có hiện tượng bong bóng trên thị trường chứng khoán với cả dòng tiền đầu tư và đầu cơ.

 Với những bài học đáng nhớ từ gói kích cầu năm 2009 và rủi ro vĩ mô có thể xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ kinh tế giai đoạn này nên chú trọng các giải pháp giảm thuế, phí. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất (nếu có) nên dè dặt về liều lượng và thời hạn áp dụng.

Đầu năm 2009, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn với thời hạn vay 8 tháng, mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm đã được thực hiện. Tính đến ngày 24/12/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng VND đạt 412.179,83 tỷ đồng. Chính sách này được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng các năm 2007, 2008 và 2009 lần lượt ở mức 51,39%; 21% và 37,73%. Lạm phát tương ứng ở mức 8,3%; 22,97% và 6,88%.

Bên cạnh mặt tích cực là giúp doanh nghiệp (DN) có nguồn vốn khi lãi suất tín dụng quá cao, chính sách hỗ trợ lãi suất hơn 10 năm trước để lại hệ lụy là lạm phát tăng cao trong năm 2010 và 2011 lên mức gần 12% và hơn 18%, tình trạng trục lợi chính sách xảy ra với nhiều gói vay chưa thể quyết toán, nhiều dự án đầu tư dở dang.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) về chính sách hỗ trợ của Việt Nam năm 2009 cho biết, hơn 400.000 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ lãi suất được đẩy vào nền kinh tế từ tháng 2 đến tháng 12/2009 đã được triển khai cho khoảng 30% số DN ở thời điểm đó. Tuy nhiên, trong nửa sau năm 2009, có những dấu hiệu cho thấy phần vốn đưa vào sản xuất tăng chậm lại, trong khi vốn cho hoạt động đầu cơ có xu hướng tăng nhanh, dẫn tới sự tăng giá trên các thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại tệ), gia tăng sức ép lạm phát.

Theo nhóm nghiên cứu, kinh nghiệm thực hiện gói hỗ trợ lãi suất trên cho thấy vai trò quan trọng của việc giám sát cho vay đúng mục đích của các khoản vay được hỗ trợ. Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất cũng quan trọng, gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 thực sự hữu ích trong khoảng 6 tháng đầu. Sau thời gian trên, DN có xu hướng sử dụng vốn vay rẻ vào mục đích đầu cơ, gây bất ổn cho môi trường kinh tế vĩ mô.

Ở thời điểm hiện nay, các chỉ báo về lạm phát, tăng trưởng tín dụng đều ở mức rất thấp so với năm 2009. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, có một vài dấu hiệu về bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán. Trong ba tháng gần đây, gần 200 mã cổ phiếu có mức tăng trên 100%, trong đó 161 mã có xuất phát điểm dưới mệnh giá. 6/10 mã tăng mạnh nhất thị trường với biên độ tăng 3 - 14 lần có mức giá cách đây ba tháng chỉ vài nghìn đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dù hệ thống kiểm soát chính sách và nền tảng vĩ mô hiện nay đã tốt hơn trước, song bài học từ gói kích cầu năm 2009 cùng các rủi ro vĩ mô và thị trường tài sản cho thấy cần rất thận trọng khi tính toán thực thi các gói hỗ trợ này.

Theo ông Đức Anh, về quy mô thực hiện, năm 2022, nền kinh tế chưa thể quay lại quỹ đạo sản xuất kinh doanh như trước khi xảy ra dịch Covid-19 xét từ cả phía cầu của nền kinh tế trong và ngoài nước, lẫn năng lực sản xuất của các DN, nên khả năng hấp thụ vốn chưa cao. Về thực thi chính sách, hệ thống ngân hàng đã có các công cụ kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, song rủi ro đạo đức trong thực hiện giải ngân hỗ trợ lãi suất (nếu có) vẫn có thể xảy ra.

“Hiện nhiều DN rất yếu, khó có khả năng đáp ứng điều kiện giải ngân nên chưa hẳn đã tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ. Các DN đáp ứng điều kiện vay nhưng chưa có khả năng mở rộng sản xuất có thể dùng nguồn vốn giá rẻ này để đầu tư vào những kênh khác sinh lợi hơn. Do đó, rủi ro trục lợi chính sách là hiện hữu”, ông Đức Anh nhấn mạnh.

Từ phân tích đó, vị Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, chính sách hỗ trợ tốt nhất hiện nay là giảm thuế, phí, trong đó rất cần giảm thuế giá trị gia tăng để vừa giảm giá bán hàng hóa, qua đó tăng sức cầu cho nền kinh tế, đồng thời giảm áp lực lạm phát trong thời gian tới.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đã có hiện tượng bong bóng trên thị trường chứng khoán với cả dòng tiền đầu tư và đầu cơ. Theo ông Linh, so với hơn 10 năm trước, nền tảng vĩ mô hiện tại đã tốt hơn nhiều, năng lực kiểm soát rủi ro cũng khả quan hơn. Song vẫn còn nhiều rủi ro từ trục lợi chính sách và rất cần kiểm soát chặt chẽ.

“Thực tế, chi phí tài chính chỉ là một phần trong hoạt động của DN. Khi có năng lực sản xuất và nắm bắt được thị trường, DN hoàn toàn có thể linh hoạt tìm kiếm nguồn vốn. Đồng thời, nếu thị trường tài chính hoạt động tích cực trên nền tảng vĩ mô ổn định, DN có thể huy động vốn trên kênh đó một cách hiệu quả và lành mạnh. Nên chăng dành nguồn lực hỗ trợ theo nguyên tắc 80:20, tức là 80% nguồn lực dành cho 20% DN thực sự gặp khó khăn và có khả năng phục hồi”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại