Cảnh báo tình trạng lập công ty “ma” để mua bán hóa đơn trái phép
Thủ tục thành lập công ty TNHH có chi phí thấp, thủ tục đơn giản, dễ dàng… tạo kẽ hở cho các đối tượng thành lập loạt doanh nghiệp và nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc…
Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Sức (SN 1981, ở Hải Phòng) về tội Mua bán trái phép hóa đơn và Trốn thuế.
Theo bản án sơ thẩm, từ cuối năm 2013, Sức thành lập và đứng tên chủ doanh nghiệp Công ty TNHH thương mại và sản xuất Sunvinco Việt Nam và 4 doanh nghiệp. Ngoài ra, Sức còn thành lập và thuê người đứng tên giám đốc hàng loạt pháp nhân khác như Công ty TNHH phát triển Phúc Tân, Công ty TNHH thương mại Đại An Phát…
Trong đó, chỉ có Công ty Suvinco có hoạt động sản xuất nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ để che đậy hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Việc thành lập các pháp nhân trên nhằm xuất hóa đơn đầu vào cho các công ty mà Sức đứng tên giám đốc và bán trái phép hóa đơn cho các đối tượng có nhu cầu.
Sức thuê địa điểm, tuyển nhân viên, phân công nhiệm vụ cho từng người để triển khai hoạt động mua bán hóa đơn. Khi khách hàng cần mua hóa đơn, Sức thống nhất giá cả với khách hàng rồi chỉ đạo nhân viên liên lạc với khách hàng lấy thông tin để lập Hợp đồng, Biên bản bàn giao, số lượng, chủng loại hàng hóa, viết hóa đơn khống, thực hiện việc chuyển tiền để hợp thức hóa việc mua bán. Giá bán hóa đơn khoảng 3% tiền hàng hóa khống ghi trên hóa đơn.
Theo quy định, các hóa đơn có doanh số trên 20 triệu đồng phải thanh toán bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Vì vậy, để hợp thức hóa hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT không có hàng hóa kèm theo, Sức thỏa thuận với khách hàng về việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Để hợp thức hóa đầu vào cho 15 công ty “ma” và che giấu hành vi bán trái phép hóa đơn, kê khai báo cáo thuế, Sức chỉ đạo nhân viên tự dùng các pháp nhân xuất hóa đơn cho nhau hoặc mua hóa đơn của đối tượng khác với giá 1,8% doanh số chưa thuế để cân đối doanh số mua vào hợp lý với doanh thu bán ra.
Khách mua trái phép hóa đơn thường là những người môi gian, trung gian để bán lại hưởng tiền chênh lệch.
Đặc biệt, xác minh địa chỉ đăng ký kinh doanh của 14/15 công ty mà Sức thành lập thì thấy rằng không treo biển, không có văn phòng, không có bất kỳ hoạt động gì. Chính quyền địa phương xác nhận tại địa điểm đăng ký của 14/15 công ty “ma” không có hoạt động sản xuất, kinh doanh gì. Còn Công ty Suvinco Việt Nam có văn phòng làm việc, có cây xăng dầu bán lẻ và cửa hàng sắt thép.
Cơ quan tố tụng xác định, tổng số hóa đơn mà Sức và đồng phạm đã bán trái phép là 13.511 số hóa đơn với tổng giá trị hàng hóa là hơn 5.788 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định Sức tự sử dụng các pháp nhân của mình để xuất hóa đơn hợp thức hóa đầu vào với tổng doanh số là hơn 783 tỷ đồng.
Tổng số tiền Sức đã thu được là hơn 150 tỷ đồng từ việc bán hóa đơn trái phép, tương đương 3% tiền hàng hóa khống chưa tính thuế. Trong số đó, Sức đã chi hơn 94,3 tỷ đồng để nộp thuế, mua hóa đơn, in hóa đơn, trả lương nhân viên… Tổng số tiền Sức thu lợi bất chính là hơn 55,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sức khai, từ giữa năm 2019, Sức xây dựng trạm trộn bê tông thuộc Công ty Suvinco để sản xuất bê tông thương phẩm. Sức đã bán 14.838,1m3 bê thông, thu hơn 12,4 tỷ đồng. Sau khi làm rõ, cơ quan tố tụng xác định, Sức trốn thuế hơn 1,2 tỷ đồng.
Tòa phúc thẩm xác định Sức khắc phục hậu quả, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên quyết định tuyên phạt bị cáo 24 tháng tù về tội Mua bán trái phép hóa đơn và 18 tháng tù về tội Trốn thuế. Tổng hợp hình phạt chung Sức phải chấp hành án 42 tháng tù (giảm 12 tháng tù so với án sơ thẩm.
Công ty “ma” hay công ty “bình phong” được hiểu là các doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh với mục đích để gian lận thuế hoặc mua bán hóa đơn… và loại hình thường thấy là công ty TNHH. Lý do là bởi thủ tục thành lập công ty TNHH có chi phí thấp, thủ tục đơn giản, dễ dàng… tạo kẽ hở cho các đối tượng thành lập loạt doanh nghiệp và nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc…
Hệ quả là làm thất thoát ngân sách nhà nước và làm mất đi sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Pháp luật về thuế hiện nay có nhiều cải cách nhằm quản lý chặt chẽ về việc phát hành và sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Điều này cũng góp phần hạn chế sự hình thành và hoạt động của các công ty “ma”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận