24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lý Bằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Căng thẳng Nga-Ukraine: Tổng thống Zelensky đau đầu, Kiev tổn thất lớn về kinh tế

Lời kêu gọi ‘rời khỏi Ukraine’, các chuyến bay bị hủy... trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang khiến Ukraine thiệt hại nặng nề.

Báo Tầm Nhìn (Nga) mới đây có bài viết cho biết, các hãng hàng không quốc tế và Ukraine đã vội vàng đồng loạt hủy các chuyến bay đến Kiev và Odessa.

Các công ty bảo hiểm Anh từ chối bảo hiểm rủi ro cho các máy bay trên bầu trời Ukraine vì nguy cơ “cuộc xâm lược của Nga”. Chính quyền Kiev đang gióng lên hồi chuông báo động và thống kê thiệt hại.

Nỗ lực đảo ngược xu thế

Theo thông tin từ cảng hàng không quốc tế Borispol ở Kiev và sân bay quốc tế Odessa, một số hãng hàng không từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, đặc biệt là hãng Delta Airlines của Mỹ, Ryanair của Ireland, KLM của Hà Lan, đồng loạt hủy các chuyến bay đến Ukraine.

Hãng Lufthansa của Đức “đang theo dõi tình hình” và cũng không loại trừ khả năng ngừng các chuyến bay.

Việc chấm dứt giao thông hàng không với Ukraine diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại về khả năng Nga tấn công quân sự nước láng giềng, bất chấp Moscow liên tiếp bác bỏ, cho rằng đó là cáo buộc vô căn cứ.

Chính quyền Kiev đã nỗ lực đảo ngược xu hướng này.

Ngày 13/2, trợ lý Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak đảm bảo rằng Kiev “không thấy ý nghĩa” của việc đóng không phận nước này, bởi vì điều này trông giống như biện pháp “phong tỏa một phần”.

Cơ quan báo chí của Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, bầu trời Ukraine vẫn đang mở, và nhà nước đang nỗ lực ngăn chặn rủi ro cho các hãng hàng không.

Tuy nhiên, xu hướng này khó có thể đảo ngược. Ví dụ, công ty KLM, một trong những hãng hàng không đầu tiên tuyên bố ngừng các chuyến bay đến Ukraine, đã giải thích quyết định của mình là do mối đe dọa về một cuộc “xâm lược” của Nga.

Cũng trong ngày 13/2, ít lâu sau đó, lý do hủy các chuyến bay tới Ukraine được biết đến rộng rãi. Công ty bảo hiểm Anh đã gửi cảnh báo tới các chủ sở hữu máy bay lớn nhất trên thế giới rằng, sau 48 tiếng, bảo hiểm cho bất cứ máy bay nào ở lãnh thổ Ukraine và trong không phận nước này sẽ không còn hiệu lực.

Hãng TASS của Nga dẫn lời đại biểu quốc hội Ukraine cho biết rất có thể, mọi hoạt động lưu thông hàng không với Ukraine sẽ bị ngừng trệ.

Trong khi đó, các hãng hàng không Ukraine cũng đã phải đối mặt với các hạn chế bay. Máy bay của công ty SkyUp, thường thực hiện các chuyến bay từ Madeira của Bồ Đào Nha đến Kiev, cũng đã hạ cánh khẩn cấp xuống Chisinau do lệnh cấm đi vào không phận Ukraine.

Đại diện của công ty cho thuê máy bay Ireland, đơn vị cho SkyUp thuê máy bay, đã nghiêm cấm các chuyến bay đến Ukraine. Máy bay đã phải hạ cánh ở Chisinau.

Mặc dù không phận Ukraine còn chưa đóng, nhưng các hãng hàng không có khả năng phải hủy các chuyến bay đến, đi và qua không phận nước này.

Tình thế khó khăn

Giám đốc điều hành của công ty Aviaport Oleg Panteleev chỉ ra rằng, nguyên nhân là do bảo hiểm.

Ông này giải thích: “Bảo hiểm của các hãng hàng không có những điều khoản cụ thể. Theo quy định, không một công ty bảo hiểm nào chịu hoàn toàn rủi ro cho những khách hàng lớn như hãng hàng không.

Chính vì thế, đã có thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Đó là việc công ty bảo hiểm ban hành chính sách và thống nhất với các công ty bảo hiểm khác về một chính sách chung".

Đại diện công ty Aviaport cho rằng, theo quy định, phạm vi bảo hiểm không bao gồm rủi ro trong trường hợp thù địch: “Với tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine, các công ty bảo hiểm có thể đưa ra phương án phù hợp: Do rủi ro cao, họ ngừng cung cấp bảo hiểm cho các chuyến bay đến Ukraine, từ Ukraine bay đi và qua không phận Ukraine”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và xung đột Kiev Mikhail Pogrebinsky trao đổi với báo Tầm Nhìn: “Không cần phải thuyết phục các công ty vận tải, chỉ cần nói chuyện với các công ty cung cấp bảo hiểm là đủ.

Hàng trăm công ty hoạt động trong thị trường bảo hiểm đang tìm cách tự bảo vệ bằng cách 'tự bảo hiểm' cho chính mình".

Về phía các công ty cho hãng hàng không thuê máy bay, ông Panteleev nói: “Các công ty cho thuê, khi biết rằng hiện nay các chuyến bay đến Ukraine, từ Ukraine và qua không phận nước này không được bảo hiểm, sẽ thông báo cho các công ty khai thác bay, và cấm các chuyến bay trên máy bay của các công ty cho thuê này”.

Sau đó, các hãng vận tải trên toàn thế giới bắt đầu cắt giảm hàng loạt chuyến bay.

Căng thẳng Nga-Ukraine: Tổng thống Zelensky đau đầu, Kiev tổn thất lớn về kinh tế
Chuyên gia cho rằng, trong tình hình hiện nay, Tổng thống Ukraine Zelensky cần phải bằng cách nào đó trấn an dân chúng. (Nguồn: Reuters)

Ông Panteleev cho biết, sau sự cố máy bay Ryanair buộc phải hạ cánh ở Minsk và phản ứng gay gắt của EU, các hãng hàng không châu Âu đã từ chối bay đến Belarus và bay qua không phận của nước này. Do đó, các máy bay phải bay vòng qua hai quốc gia là Belarus và Ukraine.

Theo Giám đốc điều hành Aviaport, các chuyến bay cần phải đi qua Biển Đen hoặc bay gần hơn tới Baltic. Đối với các công ty vận tải hàng không Ba Lan và châu Âu, đây là trường hợp khó chấp nhận - họ sẽ phải bay lâu hơn và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.

Hoạt động kinh doanh du lịch hàng không cũng chịu tác động của các công ty bảo hiểm. Theo các chuyên gia, giờ đây, các công ty, mặc dù gây bất lợi cho chính họ nhưng vẫn phải tuân theo xu hướng chung, đó là lo ngại về khả năng xảy ra “cuộc xâm lược của Nga” bất cứ lúc nào.

Ông Pogrebinsky lưu ý rằng việc triệu hồi các nhà ngoại giao phương Tây và nhân viên của các tổ chức quốc tế cũng củng cố cho xu hướng này.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị và xung đột Kiev, các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây luôn định hướng dư luận là “xác suất cao về một cuộc xâm lược của Nga”.

Theo ông, hãng Bloomberg đã thông báo rằng “cuộc gây hấn” được cho là sẽ bắt đầu sớm nhất vào ngày 15/2.

Lời kêu gọi “rời khỏi Ukraine” lại xuất phát từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ đó Tổng thống Ukraine Volydymyr Zelensky rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.

Giám đốc Trung tâm phân tích Ukraine Aleksandr Okhrimenko cho biết: “Ông Zelensky cần phải bằng cách nào đó trấn an dân chúng”.

Vị chuyên gia này nhận định: “Tôi có thể nhớ lại phát biểu của ông Zelensky cách đây 1 tuần. Vào thời điểm đó, ít nhất 12,5 tỷ USD đã rút ra khỏi Ukraine. Rõ ràng các nhà đầu tư đang tháo chạy.

Chỉ những nhà đầu cơ tài chính mới được hưởng lợi từ sự bất ổn ngày càng tăng ở Ukraine. Rõ ràng, tình trạng này ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Nếu dòng vốn rút khỏi Ukraine, đồng Hryvnia sẽ giảm giá và có nguy cơ làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngoài ra, việc đồn thổi về “cuộc xâm lược” đang gây hoang mang trong xã hội là điều hiển nhiên”.

Hiện nay, trên trang mạng xã hội Telegram, các thông tin đang được lan truyền về việc đồng tiền Ukraine sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất giá nghiêm trọng. Tỷ giá hiện tại là 28 Hryvnia đổi 1 USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả