Cẩn trọng với room chứng khoán “phím hàng”
Vài năm trở lại đây, chứng khoán trở thành kênh đầu tư thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Các room chứng khoán cũng vì thế mà mọc lên như nấm sau mưa. Thế nhưng sau những lần hô hào đua lệnh mua, bán, người chịu lỗ lớn nhất vẫn là nhà đầu tư, còn người môi giới, lập room lại kiếm bộn tiền nhờ thu phí vào hội nhóm.
Tràn lan hội nhóm chứng khoán
"Room chứng khoán" là cách gọi các nhóm chat online được một cá nhân lập ra để chia sẻ thông tin về chứng khoán. Cùng với xu hướng của thị trường chứng khoán, các "room" này đang mọc lên ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia, kể cả nhà đầu tư F0 (mới tham gia thị trường chứng khoán) lẫn nhà đầu tư có kinh nghiệm. “Thị trường tăng/giảm vì…”, “Theo nguyên tắc… thì… nên…”, “Để được tư vấn kỹ hơn vui lòng tham gia nhóm…” là những lời mời chào đang hiện diện ở khắp mọi nơi, từ Email, cho đến Zalo, Facebook, Viber…
Nhưng các room chứng khoán hầu như đều theo quy tắc tạo ra những nội dung để thể hiện sự uy tín, chất lượng, tận tâm rồi mời chào nhà đầu tư, khách hàng tham gia. So với 10-15 năm trước, mức độ nở rộ của các nhóm chứng khoán trên mạng thông qua các công cụ mạng xã hội hoặc các phương tiện liên lạc như Zalo, Viber, Facebook, Telegram… mạnh hơn hẳn.
Bởi lẽ chỉ trong ba năm qua, số lượng nhà đầu tư F0 tăng rất nhanh trên thị trường dẫn đến nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn trong thời gian ngắn. Việc xuất hiện các nhóm chứng khoán, các “room chat” cũng nhằm mục tiêu đáp ứng một phần nhu cầu này. Bên cạnh các room miễn phí thì không thiếu những room thu phí, tùy vào sự nổi tiếng, kinh nghiệm của người môi giới. Người môi giới kỳ cựu, đồng thời là chuyên viên phân tích, nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, giám đốc một công ty chứng khoán… thì phí vào room càng cao.
Anh Thanh Sơn, một môi giới công ty chứng khoán cho biết, bản thân anh làm việc ở một công ty chứng khoán lớn nhưng anh lập room, lập nhóm Facebook hay kênh Youtube free chỉ là để thỏa mãn đam mê làm nghề của mình. “Thành viên trong room của tôi chủ yếu là người quen nên chủ yếu là tôi phân tích những kiến thức về chứng khoán, nhận định thị trường, khuyến nghị các cổ phiếu giá tốt nên mình không thu phí. Nhưng tôi biết có nhiều room lập ra để thu phí nhà đầu tư, thường là 1-2 triệu đồng một tháng, có những room vip lên tới 5-6 triệu đồng 1 tháng, hoặc một số hội nhóm còn thu theo phần trăm số lãi của nhà đầu tư”, anh Sơn cho biết.
Cũng theo anh Sơn, nhiều môi giới ban đầu lập ra những room chứng khoán miễn phí với mục tiêu gom được càng nhiều người tham gia lấy tương tác càng tốt, sau quá trình sàng lọc sẽ tìm được những tay chơi VIP và chuyển qua những nhóm chat nhà đầu tư phải bỏ tiền triệu mỗi tháng, hoặc 10-15 triệu một năm để được tham gia với lời hứa hẹn về những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Một room chứng khoán thường có từ vài chục đến vài trăm thành viên nên số tiền thu được của chủ room là rất lớn.
Thế nhưng bên cạnh những room do những môi giới chuyên nghiệp, lành nghề lập ra để kết nối và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư thì cũng không thiếu các room lập ra với mục đích để thu phí, phím kiểu theo “lái”, đánh theo “game”.
Cũng “thượng vàng hạ cám”
Mới tham gia thị trường chứng khoán chưa lâu nên chị N.A (Hà Đông) rất chịu khó tham gia các hội nhóm chứng khoán. Bạn bè, người thân giới thiệu vào hội nhóm nào là chị đăng kí làm thành viên tham gia luôn để vào tìm hiểu. Thậm chí chị còn vào một nhóm Zalo hơn 100 người để được nghe tư vấn, “phím hàng” (chọn cổ phiếu giá tốt để giao dịch) với chi phí là 2 triệu đồng 1 tháng. Nghe chủ room và các thành viên phân tích các kiến thức về chứng khoán, chị cũng chẳng hiểu gì, nhưng chị chọn những cổ phiếu mà nhiều người đánh giá là tốt, trong các hội nhóm đều hô hào sẽ nhân đôi nhân ba tài khoản trong thời gian tới, chủ room cũng ra sức “khuyến nghị”.
Thời gian đầu chị liên tục thắng lớn, nên có bao nhiêu tiền chị đều ném vào tài khoản chứng khoán, chưa kể rủ cả anh em họ hàng chung tiền để mình chơi hộ. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, thị trường liên tục rơi không điểm dừng, những cổ phiếu chị từng được “phím” và thắng lớn thì giờ giảm gấp đôi thậm chí gấp 3 giá thời kì đầu chị chơi. Tài khoản cứ thế bị bào mòn. Chị càng không tin vào các chủ room và quyết định rút ra khỏi các hội nhóm, tự mình nghiên cứu, tìm hiểu và đặt ra quy tắc chơi cho riêng mình, với hy vọng thời gian tới sẽ gỡ gạc được số tiền đã mất.
Còn anh Minh Tân (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng đã rút chân ra khỏi các room vip và các room thu phí. Vốn đầu tư vào chứng khoán khá nhiều tiền, nhưng sau những lần thua lỗ vì nghe “phím hàng”, anh bắt đầu ngán ngẩm những chiêu nhằm “lùa gà”, gom nhà đầu tư lại để hô hào đánh lên cổ phiếu rồi xả hàng khiến cổ phiếu giảm mạnh, nhà đầu tư không thoát kịp chỉ còn cách chịu lỗ. Nhiều room khuyến khích mua bán liên tục để tăng doanh thu cho môi giới mà không quan tâm đến lời lỗ của nhà đầu tư.
Theo anh Tân, các room này hoạt động gần như hết công suất, cả ngày lẫn đêm đến nỗi nhiều nhóm anh phải tắt thông báo hoặc thoát ra khỏi nhóm. Hội thoại chủ yếu trong ngày thông thường là admin đưa ra diễn biến thị trường, và khuyến nghị danh mục mã cổ phiếu mua bán ở vùng giá hấp dẫn, hoặc phím kiểu “anh em cầm chắc hàng”, “Tôi chơi với giám đốc công ty này nên biết rõ sắp đánh lên…”. Thỉnh thoảng, có người sẽ “show” lãi tiền tỷ của mình cho các thành viên và gây sự chú ý của thị trường nhưng thực chất là lấy tài khoản của người khác hoặc là photoshop.Chỉ cần bất kỳ một thành viên nào đăng tin hay đưa ra thông tin tiêu cực đến mã cổ phiếu mà admin đang quan tâm thì thành viên đó sẽ bị chửi thậm tệ và thẳng tay block vĩnh viễn.
Một môi giới mời chào tham gia lớp “đọc vị” cổ phiếu, đào tạo chuyên sâu về báo cáo tài chính doanh nghiệp. Theo lời quảng cáo của người này, nếu tham gia thời gian nghiên cứu sẽ rút ngắn 5-7 năm nhờ kinh nghiệm 15 năm đầu tư của giảng viên. Khi đăng kí một khóa học, học viên sẽ được học trải nghiệm miễn phí 2 buổi trị giá 2 triệu đồng và được tặng 1 suất tham gia cộng đồng tích sản trị giá 199 nghìn đồng, tặng 1 tháng sử dụng Hội viên Youtube trị giá 100 nghìn đồng.
“Thị trường tiếp tục phục hồi như dự kiến. Hầu hết các nhóm ngành giảm mạnh đều hồi trở lại: Bất động sản, thép, dầu khí. Trong khi nhiều cổ phiếu nhóm mạnh vượt đỉnh ngay khi thị trường dừng chân: Cảng biển, hóa chất, phân đạm... Giai đoạn đầu sóng hồi thanh khoản thấp, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ sẽ có rất nhiều lợi thế. Ưu tiên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ sẽ là lựa chọn khôn ngoan hơn trong giai đoạn sóng hồi thanh khoản nhỏ như hiện tại”, đó là lời của một môi giới khuyến nghị trong nhóm để khuyên nhà đầu tư tiếp tục xuống tiền hoặc nắm giữ cổ phiếu lâu dài.
Không đánh đồng tất cả những room chứng khoán lập ra để thu phí đều là tiêu cực bởi có những room do những môi giới chuyên nghiệp, lành nghề lập ra để kết nối và mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo và cân nhắc cẩn thận khi tiếp cận thông tin.
Có khoảng thời gian trên các hội nhóm chứng khoán lan truyền loạt bài tố cáo một môi giới của công ty chứng khoán top thị phần vì lý do "chăn dắt F0, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng". Theo lời tố cáo, môi giới này mở lớp dạy online thu học phí 8 triệu đồng/6 buổi/người, với số lượng hơn 200 học viên mỗi khóa, số tiền học phí thu về lên đến hàng tỷ đồng, nhưng gần như kiến thức toàn nói suông. Nhiều học viên phản ứng với cách dạy thì nhận được cam kết học xong chỉ cần vào room VIP nghe hô lệnh, đánh rất nhàn.
Bên cạnh đó là lôi kéo vào room VIP với NAV (giá trị tài sản) nhỏ nhất là 100 triệu đồng mới được tham gia. Nhưng khi thua lỗ, nhà đầu tư sẽ bị cho ra khỏi nhóm, môi giới phủi bỏ trách nhiệm với khách hàng. Nhiều room hầu như chỉ hô hào đánh 1-2 cổ phiếu, mục đích nhằm tạo cầu đẩy giá hoặc là nơi để xả hàng. Một dấu hiệu khác về room tiêu cực là kiểu hô hào “nước lên thuyền lên”, trong một thị trường sôi động các room chỉ chăm chăm tư vấn mua mà không có điểm thoát khỏi thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc một công ty chứng khoán, khi tham gia các room chứng khoán, các nhà đầu tư dễ dàng sa vào cảm xúc đám đông, rơi vào bẫy của một ai đó có ý đồ của riêng họ, ban đầu được “ăn” rồi khi âm thầm bị đánh úp cũng không biết. Càng tham gia nhiều room càng dễ dẫn đến loạn tâm lý, có room nhận định thị trường lên có nơi nhận định thị trường xuống, khiến nhà đầu tư hoang mang không biết nên mua hay bán. Đây là việc có hại hơn nhiều có lợi, hậu quả mất tiền và mất niềm tin.
Một room chất lượng là công bố được danh mục và tỷ suất sinh lợi trong quá trình đầu tư, ít nhất là 6 tháng, luôn có phân tích luận điểm đầu tư rõ ràng, phân tích doanh nghiệp và phân tích kỹ thuật có điểm mua bán, thông tin chỉ là phụ trợ. Độ chuyên nghiệp thể hiện ở việc room đó có công cụ hỗ trợ bài bản, các gói dữ liệu cần đầu tư số tiền lớn, đặc biệt là những room thường xuyên có cảnh báo, đưa ra các giải pháp quản trị rủi ro, thận trọng trong đầu tư. Vậy nên nhà đầu tư cần sàng lọc chọn lựa room chất lượng và nhất quán theo đuổi.
================================================
cre: cand
Xem nhiều video gỡ vốn sau khi thua lỗ tại kênh youtube Chứng Khoán Tín Phong. Chúc cả nhà một ngày bình an
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận