menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

Cần khoảng 142 tỷ USD vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn điện cho giai đoạn 2021-2030 là thách thức rất lớn, ước tính sẽ cần khoảng 104,7 - 142,2 tỷ USD.

Ngày 11/11 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch điện VIII. So với các dự thảo được trình trước đó, dự thảo lần này đã có những điều chỉnh thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 55, cũng như hướng tới cam kết của Việt Nam tại COP26 về cắt giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Theo kịch bản cơ sở của dự thảo mới nhất, tỉ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) tăng từ 18% năm 2030 lên 54,8% năm 2050, trong đó điện gió trên bờ đạt 11.905 MW (9,8%) năm 2030 lên đến 49.170 MW (13,3%) năm 2050.

Đến năm 2030 chưa phát triển điện gió ngoài khơi nhưng nguồn điện này sẽ đạt tới 46.000 MW (chiếm 12,5% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2050; điện mặt trời tập trung đạt 8.763 MW năm 2030 (7,2%) và tăng lên 100.651 MW (27,3%) vào năm 2050.

Mặc dù dự thảo mới đã có những điều chỉnh đáng kể so với các dự thảo trước đây, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu để năng lượng tái tạo không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải nhà kính.

Cần khoảng 142 tỷ USD vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030

Nhu cầu lớn về nguồn vốn

Chia sẻ tại toạ đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 18/11, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Quy hoạch điện VIII thu hút sự chú ý lớn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia.

Nói riêng về năng lượng tái tạo, ông Hùng nhấn mạnh nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển loại hình năng lượng này như chính sách giá FIT, bao gồm các quy định về giá điện ưu đãi với thời gian phù hợp đời sống dự án tạo tính minh bạch trong đánh giá tính khả thi; ưu tiên huy động điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo; áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu...

Nhờ đó, trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện than chậm tiếp độ thì nguồn năng lượng tái tạo đã giúp bổ sung kịp thời nguồn điện .

“Thực tế năm 2019, 2020 và 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và gần 30 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao”, ông Hùng nói và cho biết, nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ đồng - 21.000 tỷ đồng).

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nguyên tắc phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Chính phủ là đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sinh khối, thủy điện tích năng, điện mặt trời; khuyến khích phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, đảm bảo tối đa cân bằng nội vùng, miền.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, thách thức lớn nhất để phát triển nguồn điện là cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để thực hiện.“Ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 104,7 - 142,2 tỷ USD”, ông Hùng nói.

Tiếp đến là tỉ lệ dự phòng thô của hệ thống khá cao do các nguồn điện chạy nền không còn được phát triển và thay vào đó là các nguồn điện gió có thời gian vận hành thấp hơn, dẫn tới tăng chi phí đầu tư nguồn điện. Cần đầu tư thêm lưới truyền tải liên miền và lưới siêu cao áp ven biển.

Cùng với đó, về quỹ đất, giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất dành cho các công trình điện khoảng 103.000 ha trong đó, thủy điện và thủy điện nhỏ khoảng 55.000 ha, điện gió trên bờ khoảng 5.400 ha.

Sắp có khung giá điện cho năng lượng tái tạo

Nói về thông tin nhà đầu tư rất quan tâm là giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, cuối tháng 11/2022 Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án này.

Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến từ ngày 25-30/11/2022 Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.

Về vấn đề vì sao từ nay đến năm 2030 không phát triển thêm điện mặt trời, ông Hùng cho hay theo dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất sẽ bổ sung 726 MW điện mặt trời tập trung.

Trong đó hơn 400 MW đã làm xong và 300 MW đang làm dở; còn hơn 1.600 MW đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư có thể bị loại bỏ tại quy hoạch mới.

Ông Hùng giải thích, Quy hoạch VII điều chỉnh cho thấy, các dự án điện mặt trời tập trung (có thể bị loại bỏ trong Quy hoạch điện VIII) có vị trí phụ tải thấp nên để phát triển tiếp phải đầu tư lớn lưới điện, trong khi ổn định hệ thống thống đã đạt giới hạn. Còn sau 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn nên có điều kiện để phát triển thêm điện mặt trời mà không cần đầu tư quá lớn.

Cần khoảng 142 tỷ USD vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030
Ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ KH&ĐT (Ảnh: Thu Hương).

Tại toạ đàm, ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năng lượng tái tạo là ngành nghề đặc biệt ưu đã đầu tư nên sẽ được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi cao theo các pháp luật có liên quan, như pháp luật về thuế, pháp luật về đất đai…

Vị này cũng cho rằng, trong khi chưa có Luật về năng lượng tái tạo thì việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là “rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng”.

“Việc này càng quan trọng đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn nhưng là lĩnh vực mới và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ”, ông Phạm Minh Hùng nêu.

Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp cũng bày tỏ, thời điểm này các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới nên việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Ông Phạm Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương nên báo cáo Thủ tướng ban hành giá điện tạm tính.

Tức là cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
10 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại