menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hoàng

Cần cuộc ‘đại phẫu’ làm lành mạnh thị trường xăng dầu?

Có thể thấy, sau nhiều năm, hàng loạt góc khuất của xăng dầu đã bị chỉ ra, nhiều người kỳ vọng rằng tới đây những vi phạm trên sẽ được xử lý nghiêm.

Với hàng loạt sai phạm bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra, có lẽ ngành xăng dầu cần một cuộc “đại phẫu” để lành mạnh thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dùng, trong đó có đảm bảo số tiền mà người dân đã nộp vào Quỹ Bình ổn giá.

Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân phải báo cáo các yêu cầu trên về cơ quan này trước ngày 30/1/2024.

Hàng loạt góc khuất được phơi bày

Động thái tổng rà soát của Bộ Công Thương được đưa ra sau khi Thanh tra Chính phủ đã điểm loạt vi phạm nghiêm trọng về quản lý, về hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN). Dự đoán, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ có nhiều thay đổi.

Cần cuộc ‘đại phẫu’ làm lành mạnh thị trường xăng dầu?

Ngành xăng dầu cần cuộc đại phẫu để lành mạnh thị trường.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của kinh doanh xăng dầu về quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam; việc dự trữ xăng dầu quốc gia; việc cấp giấy phép và xác nhận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG; Việc quản lý, điều hành giá xăng dầu; Việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường…

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với công ty Thiên Minh Đức, Vận tải thủy bộ Hải Hà, Xuyên Việt Oil. Đồng thời, cơ quan này cũng chuyển thông tin, tài liệu sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu tại công ty TNHH MTV thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Thực tế, tình trạng một số doanh nghiệp chiếm dụng, sử dụng sai mục đích hàng nghìn tỷ đồng quỹ Bình ổn giá (BOG). Chị Nguyễn Hà, ngụ tại Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội), bức xúc nói: “Số tiền trong quỹ BOG xăng dầu là do người tiêu dùng góp vào nhằm bình ổn thị trường, nên một số doanh nghiệp xem đó là của mình, chiếm dụng là không ổn chút nào. Chúng tôi kỳ vọng, cơ quan chức năng sẽ thu được tiền của người dân và có chế tài xử lý nghiêm minh với những hành vi vi phạm”.

Trong khi đó, đại diện một DN đầu mối xăng dầu ở phía Nam giãi bày, thực tâm ông mong muốn bỏ Quỹ BOG xăng dầu, vì DN phải tốn thêm nguồn nhân lực, thời gian quản lý, xây dựng báo cáo, theo dõi..

“Chúng tôi nhiều khi giữ tiền của người dân rất nghiêm túc, thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vì một vài DN làm sai quy định, tạo nên dư luận không tốt, ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính rất nhiều”, vị này nói.

Có thể thấy, sau nhiều năm, hàng loạt góc khuất của xăng dầu đã bị chỉ ra, nhiều người kỳ vọng rằng tới đây những vi phạm trên sẽ được xử lý nghiêm. Đồng thời, có một cuộc “đại phẫu” ngành hàng này trong thời gian tới; chấm dứt tình trạng chiếm dụng tiền của người dân đóng vào Quỹ BOG, tình trạng doanh nghiệp “tay không” vẫn được kinh doanh xăng dầu; thiếu hụt nguồn cung cục bộ… Đặc biệt, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để xây dựng một Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều cách thức quản lý kinh doanh xăng dầu.

Kỳ vọng sửa đổi nhiều điểm trong Nghị định mới

Ông Giang Chân Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) kiến nghị DN đầu mối thành lập DN bán lẻ riêng, hạch toán độc lập để có thể báo cáo tài chính, chi phí, lãi lỗ riêng nhằm phản ánh đúng tình hình kinh doanh và tài chính của khâu bán lẻ.

Theo ông Tây, nếu Nhà nước nhất thiết phải quản lý điều hành giá xăng dầu thì cần phải phân chia việc này cho tách bạch rõ ràng để DN đầu mối không phải phân bổ chi phí, chuyển chi phí, chuyển giá, chuyển lỗ qua lại giữa 2 lĩnh vực này. “Có như thế thì họ mới phản ánh đúng phần chi phí mà họ cần để cho một DN hoạt động bán lẻ bình thường. Nghĩa là chiết khấu bao nhiêu thì đến điểm hòa vốn, bao nhiêu thì lỗ và bao nhiêu thì lãi để bảo toàn được vốn và để tái đầu tư”, ông Tây nói.

Đồng thời, vị Giám đốc DN Bội Ngọc cũng kiến nghị, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 2 tuần/lần (2 thứ Năm sẽ được điều chỉnh 1 lần) để cho tương đối phù hợp với chu kỳ kinh doanh chứ không phải theo sự nhảy múa của giá dầu thế giới. Quỹ BOG cần bỏ, đề nghị thay thế điều tiết bằng thuế, phí, bởi nếu vẫn duy trì thì cơ hội để các DN chiếm dụng vốn và sinh ra nhiều vi phạm tiêu cực trong quản lý tài chính nhưng tác động lại không rõ ràng, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.

“Nếu Chính phủ mạnh dạn chuyển sang cơ chế thị trường thì nên mạnh dạn để cho thị trường quyết định hoạt động kinh doanh xăng dầu, DN được định giá bán lẻ. Cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước nên để cho DN tự chủ về mọi mặt, tự do kinh doanh và công khai minh bạch, từ đó sẽ đáp ứng yêu cầu của DN, người tiêu dùng cũng như quản lý kinh tế vĩ mô”, ông Tây nhìn nhận.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, mục tiêu hướng tới luôn là để xăng dầu cho thị trường quyết định. Không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác do nhà nước quản lý đều phải hướng tới thị trường để phù hợp xu thế chung về phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trước khi để thị trường quyết định, kinh doanh xăng dầu cần hội tụ đủ yếu tố thị trường, tạo cơ chế cạnh tranh thì thị trường mới vận hành.

Vì vậy, để có đáp án cho câu hỏi có nên trả mặt hàng xăng dầu về với thị trường hay chưa? Ông Ánh cho rằng nên xem lại hệ thống phân phối xăng dầu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ xem đã hội tụ đủ các yếu tố trên hay chưa. “Nhiều người nói rằng trước đây mặt hàng gạo cũng có nhiều băn khoăn, song rồi khi trả lại cho thị trường đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, nông dân hưởng lợi và người tiêu dùng cũng hưởng lợi. Với mặt hàng xăng dầu cũng vậy, tại sao không chuyển sang thị trường đi, nhưng tôi không đồng tình với quan điểm này”, ông Ánh bày tỏ.

Theo vị chuyên gia này, mỗi mặt hàng có đặc điểm khác nhau, đôi khi chưa đủ các yếu tố mà để cho thị trường quyết định thì lại không tốt. “Khi trả lại cho thị trường thì quyền định giá mình phải thiết lập được thị trường có khả năng cạnh tranh hiệu quả, lúc đó nhà nước không phải can thiệp, chỉ can thiệp trong tình trạng bất ổn”, ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

76.50

+0.20 (+0.26%)

Biểu đồ mã GAS

81.51

+0.68 (+0.84%)

Biểu đồ mã Crude Oil WTI
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả