Cấm xuất cảnh vì nợ thuế
“Đấy, mệt lắm”, Linh chốt lại câu chuyện vừa kể với tôi về những gì diễn ra trong nhóm các doanh nhân Hàn Quốc ở Việt Nam. - VnExpress
Một doanh nhân Hàn Quốc tại TP HCM bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp của ông nợ thuế môn bài 2 triệu đồng. Ông liên hệ với Linh - chủ một công ty chuyên về dịch vụ pháp lý, kế toán cho doanh nghiệp nước ngoài - nhờ tư vấn thủ tục, để được hủy bỏ lệnh cấm càng sớm càng tốt, kịp chuyến công tác nước ngoài đã lên lịch.
Vị này cũng chia sẻ hoàn cảnh của mình lên một hội nhóm doanh nhân Hàn trên Kakaotalk, nhằm tìm kiếm kinh nghiệm giải quyết. Ông nhanh chóng nhận được sự đồng cảm. Ít nhất ba doanh nhân Hàn Quốc khác cho biết họ cũng từng bị tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ thuế "không tương xứng". "Bức xúc" và "khó hiểu" là hai từ mà doanh nhân người Hàn này mô tả lại về không khí buổi thảo luận liên quan đến chuyện nợ thuế và cấm xuất cảnh.
Biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được ngành thuế áp dụng theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Nợ thuế quá hạn một đồng cũng đủ điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế này. Vì vậy, thời gian qua có rất nhiều nhiều đại diện doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh với số tiền không quá lớn. Theo số liệu của cơ quan thuế, nửa đầu năm nay họ đã ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Biện pháp này giúp thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ; tương đương 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).
"Tạm hoãn xuất cảnh" là một biện pháp ngăn chặn không chỉ được cơ quan thuế áp dụng. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khi xét thấy cần thiết vẫn có thể áp dụng biện pháp này đối với công dân Việt Nam và công dân nước ngoài. Về bản chất đây là biện pháp ngăn chặn quyền nhân thân mà trực tiếp là "quyền tự do đi lại" của người bị áp dụng. Hệ lụy là các quyền liên đới khác cũng đương nhiên bị hạn chế như: kinh doanh, học tập, chữa bệnh, thăm thân nhân, du lịch... Vì thế, đối với cơ quan điều tra, khi phát hiện một cá nhân có dấu hiệu phạm tội, chúng tôi phải tiến hành nhiều bước kiểm tra, xác minh, đánh giá thận trọng trước khi ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Tôi hiểu ngành thuế có những áp lực nhất định trong vấn đề thu hồi nợ thuế, đặc biệt là với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ nghĩa vụ; và tôi cũng tin cưỡng chế xuất cảnh là biện pháp cuối cùng họ phải dùng đến. Tuy nhiên, cách thức và đối tượng áp dụng cần phải phù hợp hơn, nếu không sẽ lợi bất cập hại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Hơn nữa, sử dụng biện pháp "tạm hoãn xuất cảnh" để truy thu số tiền thuế nhỏ cũng không hẳn đã hiệu quả, xét trên khía cạnh lợi ích đạt được và nguồn lực xã hội phải tiêu tốn. Đó là việc nhân viên thuế phải tổng hợp, báo cáo, đề xuất trình lãnh đạo ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, sau đó thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an lẫn các cá nhân bị áp dụng. Trường hợp hủy bỏ thì cũng phải thực hiện quy trình tương tự. Thực tế thời gian để ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và gỡ bỏ quyết định này mất đến hàng tuần, tạo thành một vòng lặp quy trình giấy tờ, gây phát sinh khối lượng công việc hành chính không nhỏ cho cả cơ quan ban hành, đơn vị thực thi lẫn cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Rõ ràng, bên cạnh cơ chế thuế minh bạch, việc từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" là yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài. Sử dụng chế tài mạnh, đánh thẳng vào uy tín, danh dự, đạo đức kinh doanh của các chủ doanh nghiệp nước ngoài theo cách cào bằng như trên là không phù hợp. Vấn đề này từng được nêu ra nhiều lần và Tổng cục Thuế đã cho biết sẽ nghiên cứu về ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan tài chính, với Luật Quản lý thuế, đang được thảo luận tại Quốc hội, vẫn chưa đưa ra ngưỡng nợ thuế cụ thể
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu, một mệnh lệnh hành chính không phù hợp có thể gây ra những thiệt hại kinh tế khôn lường. Vì vậy, ngành thuế nên sớm đưa ra một ngưỡng tiền nợ thuế nhất định khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh; và nhanh chóng hủy bỏ các quyết định cấm xuất cảnh đã ban hành, thay bằng giải pháp khác, đối với các trường hợp nằm dưới ngưỡng này.
Muốn đón "đại bàng", trước hết phải "dọn tổ" bằng cách tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Mục tiêu gỡ điểm nghẽn mà nhà nước đang hướng tới bao gồm cả việc tháo những nút thắt tưởng chừng nhỏ như thế này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường