menu
Cầm cự trong khó khăn, ngành xi măng cần 'phao cứu sinh'
Thành Vương.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cầm cự trong khó khăn, ngành xi măng cần 'phao cứu sinh'

Nhu cầu yếu, thị trường cạnh tranh khốc liệt cả trong và ngoài nước nên dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành xi măng.

Khó khăn chồng chất

Năm 2023 từng được cho là năm đáy của 100 năm kể từ khi ngành xi măng hình thành tại Việt Nam. Sang năm 2024, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi tiêu thụ vô cùng thấp.

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), lượng tiêu thụ xi măng trong 7 tháng qua ở mức 32,4 triệu tấn, giảm 3% so với mức nền thấp kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái.

Năm ngoái, Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành xi măng đã giảm nhập khẩu tới 90%, do nhu cầu yếu xuất phát từ nguyên nhân ngành bất động sản nước này gặp khó khăn. Không chỉ vậy, quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường chính nhập khẩu xi măng của Việt Nam, khiến sự cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn.

PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VNCA cho biết, hiện nay đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn. Như mọi năm, ở thời điểm hiện tại nhu cầu sử dụng xi măng rất cao nhưng năm nay thì trái lại, khiến nguồn cung tiếp tục dư thừa. Điều này buộc các doanh nghiệp tìm đến thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, khi xuất khẩu, xi măng Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Tại các thị trường này, xi măng cũng đang trong tình trạng dư cung nên bản thân họ cũng có nhu cầu xuất khẩu trong khi đó nếu so sánh Việt Nam xuất khẩu bị áp thuế 10% trong khi các nước khác không phải chịu thuế. Chưa kể, các nhà máy đang phải chịu sức ép về môi trường, yêu cầu phải đầu tư thêm thiết bị khiến chi phí tăng.

Khó chồng khó khi mới đây, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, mặt hàng bị điều tra là xi măng và clinker được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3. Bên yêu cầu là Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan. Ngày khởi xướng là 8/8/2024; thời kỳ điều tra bán phá giá từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam ở con số 16,99%. Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nguyên đơn nêu tên 7 doanh nghiệp của Việt Nam, ngoài ra còn có các doanh nghiệp khác cũng xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang Đài Loan (Trung Quốc).

Có thể thấy, nhu cầu yếu cùng áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước, lợi nhuận phân hóa nhiều khiến "sức khỏe" của các doanh nghiệp xi măng ảm đạm trong nửa đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng lò vì tiêu thụ khó hoặc hạ giá bán sản phẩm, điều chỉnh công suất của lò máy và thời gian làm việc của người lao động dù phải chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất - kinh doanh.

Ngành xi măng trông chờ vào đầu tư công?

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh. Các dự án chậm triển khai phải giãn hoặc hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự cao; tình trạng khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi) ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nam Bộ làm cho nhu cầu sử dụng xi măng trong nước sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng tăng và khan hiếm như nguyên liệu bổ sung ô xít silíc, ô xít sắt, phụ gia bazan. Giá than, dầu, tro xỉ, phụ gia… ngày càng có xu thế đi lên, nhưng giá bán không tăng, thậm chí ngày càng giảm, khó có thể cạnh tranh. Nguồn cung và giá nhiên liệu nhiều thời điểm không ổn định làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu thay thế vẫn còn vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể để sử dụng các nguồn phế thải từ công nghiệp thay thế nguồn nguyên nhiên liệu trong sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ xi măng sụt giảm sâu, các nhà máy phải chấp nhận điều chỉnh giá bán theo biến động của chi phí sản xuất đối với một số dòng sản phẩm, dự án đặc thù để duy trì hoạt động.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính, thị trường phát thải carbon sẽ được áp dụng gây áp lực lớn lên ngành xi măng. Nhà đầu tư, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc xanh hóa trong sản xuất, đó là sử dụng nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thừa, xử lý rác thải…, tiến tới tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế cho than.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ximăng, thời gian tới, các địa phương trên cả nước cần quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển bền vững hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, thủy lợi; cũng như triển khai tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở, bất động sản đang gặp vướng. Cùng với đó, các chính sách liên quan đến thuế nên kéo dài, nhất thuế xuất khẩu clinker cần giữ ở mức 5% trong khoảng 2 năm tới.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành vật liệu xây dựng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Một nội dung mà các doanh nghiệp xi măng chờ đợi đó chính là Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, đồng thời phù hợp với hiệp định CPTPP về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá với các nước ký kết.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác để tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, sử dụng tối đa gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ tại khu vực đầu cầu, cống, các vị trí có chiều cao đắp lớn, các vị trí có chiều sâu đất yếu lớn.

Ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn, độ dốc lớn và tại những vùng, khu vực thường xuyên bị ngập nước.

Bên cạnh đó, VNCA vẫn kỳ vọng rằng các dự án đầu tư công sẽ thúc đẩy tiêu thụ xi măng từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, chỉ thị mới đây của Thủ tướng trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng sẽ góp phần giúp chặng đường phục hồi dễ dàng hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả