Cái dại lớn nhất của đời người là nghĩ mình quá khôn: Hãy sống thông minh chứ đừng khôn lỏi
Nhiều người thường cho rằng nếu như mình có sự khôn khéo một chút thì sẽ dễ sống hơn trong cái xã hội phức tạp này, chính vì quan điểm sai lệch đó mà nhiều người luôn ích kỉ nghĩ ra đủ cách luồn lách để có được lợi ích rồi kết cục cuối cùng cái khôn lại thành cái dại.
Trong cuộc sống này nếu bạn có trí thông minh thì bạn sẽ có được nhiều người yêu quý trọng vọng và sẽ có được những thành công nhất định trong cuộc sống nhờ sự thông minh của mình.
Còn khôn lỏi là luôn tìm những cách sống để làm thế nào mình được lợi nhiều hơn người khác, không cần biết mọi người ra sao chỉ cần mình có được những thuận lợi trước mắt. Chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng hai khái niệm này.
Trong chúng ta chắc hẳn ai cũng từng gặp những người có tính khôn lỏi như thế. Ví dụ khi đi học sẽ có những bạn hay lấy lòng giáo viên bằng sự khéo léo để có được sự yêu quý, sẽ được điểm cao hơn.
Khi đi làm thì lại sẽ có những người hay ỷ lại, nhờ vả người khác làm hộ cái này cái kia cho mình, luôn nghĩ cách luồn lách để cấp trên thấy mình có làm việc nhưng thực chất lại chỉ làm cho có, khi có người ở đó thì làm việc không có ai thì lại làm việc riêng.
Có những người khi thấy bạn bè cũ của mình có chút thành công và có thể sẽ giúp được mình trong công việc gì đó thì lại tiếp cận nhằm nhờ vả để được giúp đỡ dù trước đó cũng chẳng thân gì lắm. Người ta giúp cũng chỉ vì nể vì ngại từ chối, dù biết như thế là không phải nhưng có những người vẫn cố tình làm chỉ vì nó mang lại cái lợi trước mắt cho mình, chỉ cần mình đạt được mục đích thì dù cách nào cũng chẳng quan trọng.
Có thể họ nghĩ rằng mình làm như thế chẳng có gì sai cả, thậm chí họ còn nghĩ như vậy là tốt vì mình có những “cơ hội” vàng, có những may mắn hơn người khác mà không hề nghĩ rằng sự may mắn đó đến từ lòng ích kỉ của chính mình.
Những gì họ có được không phải nhờ sự cố gắng thực sự mà là nhờ sự khôn ngoan mà những điều đó chắc chắn không diễn ra mãi được. Những gì không phải của mình thì sẽ mãi mãi không phải của mình, nhất lại là sự cố gắng.
Một điều nữa là chẳng có ai ưa nổi những người ích kỉ, khôn lỏi. Với những người tinh ý một chút, chỉ cần tiếp xúc vài lần họ có thể nhận ra ngay, và chỉ sau vài lần họ sẽ tự động tránh xa bạn, dù bạn vẫn giữ thái độ rất tốt với họ đi nữa thì điều đó chỉ làm họ cảm thấy bạn thật nực cười.
Trong cuộc sống này, người ta coi trọng những người đi lên bằng thực lực chứ chẳng ai lại ủng hộ những người ỷ lại, đi lên bằng sự cố gắng của những người khác.
Có thể có nhiều người nghĩ rằng bây giờ nếu không tự tìm cho mình những cách tốt nhất để tồn tại thì sẽ bị thua thiệt, nhưng cách tốt nhất là tự mình đi trên chính đôi chân của mình một cách hiên ngang. Còn việc đi lên bằng sự lọc lõi, khôn ngoan thì sớm muộn thành công cũng sẽ vụt mất.
Nếu như thành công đến từ sự thực dụng, vụ lợi thì nó đương nhiên sẽ không có giá trị bởi họ chẳng mất công học hỏi, lao động, họ không thể biến kinh nghiệm và kiến thức thành thứ của mình, vậy nên nếu trèo quá cao, đến khi sự cố xảy ra sẽ chẳng biết làm thế nào giải quyết.
Người thông minh thật sự họ sẽ tận dụng sự thông minh để học hỏi và đi lên vì sự trải nghiệm và tự mình làm việc sẽ giúp cho họ có thêm những kinh nghiệm quý báu, thành công họ có được là vì họ xứng đáng với nó, nó là của họ và sẽ khó có thể bị cướp mất, thậm chí nếu có thất bại thì họ cũng có thể đứng lên lại một lần nữa.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, đừng luôn nghĩ về những lợi ích của riêng mình mà lợi dụng người khác, hãy sống đẹp, hãy nghĩ cho người khác, có thế thì cuộc sống mới tốt đẹp hơn được. Hãy tự làm việc của mình và tự trải nghiệm vì mỗi người cần chịu trách nhiệm với cuộc đời chính mình.
1. Ganh ghét, tìm mọi cách hạ bệ nhau là hành vi của kẻ thiển cận
Người ta có câu: Việc được, thì gièm pha nổi lên. Đức cao, thì chê bai kéo đến. Khi đầy lòng ghen tị, người ta chê bai mọi thứ, dù tốt hay xấu.
Con người có tầm nhìn càng thiển cận thì lại càng có xu hướng hay ghen tỵ với thành công của người khác, thậm chí “không ăn được thì đạp đổ”, cố tình phá đám, tranh đoạt lợi ích, cuối cùng dẫn đến kết cục thảm hại cho cả người cả ta.
Không phải tự dưng mà người xưa dạy ta rằng: “Xởi lởi thì trời cho, bo bo thì trời hành.”
Kẻ thiệt thòi nhất trên đời là kẻ không bao giờ nguôi lòng đố kỵ. Anh ta không thể chấp nhận sự thành công của người khác, không thể chấp nhận người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Do đó, họ nảy sinh suy nghĩ phải tìm mọi cách để giẫm đạp và hạ thấp đối phương. Cuối cùng, nhận về kết quả “lợi bất cập hại”.
Trái tim lành mạnh là sức sống của thân thể, còn lòng ghen tỵ là ung thư ăn mục tới xương. Tự cổ chí kim, đại đa số tai ương đều bắt nguồn từ căn bệnh quái ác này.
Con người chỉ biết giẫm đạp và hạ bệ lẫn nhau thì muôn đời chỉ kéo nhau đi xuống, mãi mãi không thể vươn lên tầm cao.
2. Người khôn ngoan thúc đẩy và nâng đỡ lẫn nhau, cùng đạt nên thành tựu
Có câu rằng: “Giỏi một người không được, chăm một người không xong”
Sức mạnh của một người là hữu hạn. Dù người đó có giỏi giang hay chăm chỉ đến mấy, họ cũng không thể gánh cả bầu trời. Chỉ có sức mạnh đoàn kết nhất trí đến từ một tập thể gắn kết lẫn nhau mới tạo nên sức mạnh ngăn cơn sóng dữ, đạt tới thành công.
Do đó, người thông minh luôn biết cách vừa giúp đỡ nhau vừa cùng đồng hành, con đường mà họ chinh phục sẽ ngày càng rộng mở.
Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn. Chỉ khi mọi người biết cách chung tay hợp tác, công việc mới thêm phần thuận lợi, kết quả thêm phần khả quan. Như vậy, chúng ta mới có thể tiến xa hơn và đứng cao hơn.
Kẻ mưu cầu việc lớn thì trước hết phải có tầm nhìn cao, từ đó mới vượt qua lòng ghen tỵ cấp thấp, nhìn thấu đạo lý lớn về đối nhân xử thế và học hỏi lẫn nhau được ẩn giấu đằng sau.
Khi chúng ta đối xử nhân nghĩa với 100 người, ít nhất sẽ có 1 người sẵn sàng chìa tay, giúp đỡ hết lòng khi ta gặp khó khăn. Bằng cách này, cái thiện được lan tỏa, bạn không chỉ giúp người, mà cũng là giúp chính mình trong tương lai.
Ở rất nhiều thời điểm, khi bạn bắc cầu cho người khác, đồng thời, bạn cũng đang mở đường cho chính mình, giống như Les Brown đã nói: “Help others achieve their dreams and you will achieve yours” (Giúp người khác dành được giấc mơ của họ, và bạn sẽ đạt được giấc mơ của mình).
3. Làm người không có tấm lòng độ lượng, không có tầm nhìn thì dù năng lực cao đến mấy cũng sẽ chạm tới giới hạn.
“Hãy giúp những người trẻ tuổi. Hãy giúp những người nhỏ bé. Bởi vì những người nhỏ bé sẽ trở nên lớn lao. Những người trẻ tuổi sẽ giữ những hạt giống bạn gieo trong tâm trí họ, và khi trưởng thành, họ sẽ thay đổi thế giới.”
Đó là những lời mà tỷ phú Jack Ma từng nói.
Làm người không có tấm lòng độ lượng, không có tầm nhìn thì dù năng lực cao đến mấy cũng sẽ chạm tới giới hạn. Trong khi những người khác biết cách đoàn kết và chung sức, cùng nâng đỡ nhau vươn lên, có thể dễ dàng chạm tới một tầm cao hoàn toàn khác biệt.
Làm người chỉ biết tính toán và so đo thì chỉ thấy cái lợi trước mắt, tranh đoạt lẫn nhau đến nỗi đầu rơi máu chảy, vừa thiệt người vừa hại mình. Trong khi người khác biết lấy thế mạnh người này bù đắp cho người kia, tổng hợp thành năng lực toàn diện nhiều mặt, bảo vệ lẫn nhau, ngày một mạnh mẽ.
Theo EK - Kiến thức kinh tế
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường