menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Cái bẫy Trung Quốc – Phần I

Việc cạnh tranh với Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối mặt với một đối thủ gần như ngang cơ và theo đuổi lợi ích cũng như giá trị khác biệt, các nhà chính trị và hoạch định chính sách Mỹ buộc phải tập trung chống lại Trung Quốc đến mức khiến họ có nguy cơ đánh mất các lợi ích và giá trị được xem là nền tảng cho chiến lược của Mỹ.

Lộ trình hiện tại không chỉ khiến mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi, mà còn có nguy cơ dẫn đến xung đột thảm khốc và làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, cũng như sức sống của xã hội và nền dân chủ Mỹ ở trong nước.

Có lý do chính đáng để giải thích vì sao việc Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn lại là mối quan ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và nhà chiến lược ở Washington (cũng như nhiều thủ đô khác). Đặc biệt dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng độc đoán hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở nước ngoài. Chính quyền nước này đã đàn áp tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trấn áp các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong, nhanh chóng mở rộng kho vũ khí thông thường và hạt nhân, nỗ lực ngăn chặn máy bay quân sự nước ngoài ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông, xuất khẩu công nghệ kiểm duyệt và giám sát, và nỗ lực định hình lại các chuẩn mực quốc tế. Danh sách này có thể còn kéo dài hơn nữa, nhất là khi Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba và củng cố hơn nữa quyền kiểm soát của mình.

Tuy nhiên, cảnh báo có nguy cơ chuyển thành nỗi sợ, dẫn tới việc định hình lại chính sách và xã hội Mỹ theo những cách phản tác dụng và cuối cùng là có hại. Trong nỗ lực xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp với một Trung Quốc quyết đoán và mạnh mẽ hơn, Washington đã tìm cách thiết lập trạng thái ổn định – không có chiến thắng hay thất bại hoàn toàn – có thể chấp nhận được đối với chính phủ hai nước và với cái giá nhất định mà công dân, giới doanh nghiệp và các bên liên quan khác sẵn sàng trả. Chưa rõ Mỹ đang tìm kiếm điều gì và không có sự thống nhất trong nước về cách thức Mỹ nên áp dụng để liên hệ với thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ đã trở nên mang tính phản ứng, thay vì hướng tới mục tiêu mong muốn.

Chính quyền Biden thừa nhận rằng Mỹ và các đối tác của họ phải đưa ra giải pháp thay thế hấp dẫn cho những gì Trung Quốc đang sử dụng và họ đã thực hiện một số bước đi đúng hướng, chẳng hạn như đưa ra sáng kiến đa phương để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nạn đói. Tuy nhiên, bản năng chống lại mọi sáng kiến, dự án và hành động khiêu khích của Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế vượt qua cả những nỗ lực nhằm hồi sinh hệ thống quốc tế bao trùm nhằm bảo vệ các lợi ích và giá trị của họ ngay cả khi cán cân quyền lực toàn cầu thay đổi. Cho dù cuộc xung đột tại Ukraine đòi hỏi sự chú ý và nguồn lực đáng kể của Mỹ, nhưng tác động lớn hơn của nó là khiến Mỹ phải tăng cường tập trung vào cạnh tranh địa chính trị, được củng cố bởi sự liên kết giữa Trung Quốc và Nga.

Giới lãnh đạo ở Washington và Bắc Kinh đều bày tỏ mong muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, trên thực tế, hai quốc gia đã tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu. Mỹ tìm cách duy trì sự ưu việt của mình và hệ thống quốc tế đặc quyền để bảo vệ lợi ích và giá trị của họ. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ đang bị suy yếu do sự lơ là và thói đạo đức giả, qua đó tạo cớ ép buộc những nước khác chấp nhận ảnh hưởng và tính hợp pháp của họ. Ngày càng có nhiều người tin rằng khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi và thậm chí là cần thiết. Họ cho rằng các quy tắc về luật chơi công bằng và sự cộng sinh vốn được hai bên chấp nhận chỉ xuất hiện sau các cuộc đối đầu trực tiếp đặc trưng cho những năm đầu Chiến tranh Lạnh – sự tồn tại của chúng vốn khi đó đã không được đảm bảo giờ đây ngày càng ít được đảm bảo hơn.

Ngya cả khi không xảy ra khủng hoảng, thì các phản ứng cũng đã bắt đầu thúc đẩy Mỹ đưa ra một loạt chính sách mới. Washington thường xuyên rơi vào cái bẫy là cố gắng chống lại các nỗ lực của Trung Quốc trên khắp thế giới mà không chú trọng đến mong muốn của chính quyền và người dân địa phương. Thiếu tầm nhìn hướng tới tương lai phù hợp với đánh giá thực tế về các nguồn lực hiện có, Mỹ phải chật vật tìm cách sắp xếp thứ tự ưu tiên ở nhiều lĩnh vực và khu vực khác nhau. Điều này thường gây tổn hại đến lợi ích lớn hơn của chính họ khi tình hình địa chính trị không tạo thuận lợi để có tiến bộ cần thiết trước những thách thức toàn cầu. Rủi ro dài hạn là Mỹ sẽ không thể tránh được tình trạng thiếu khoan dung ở trong nước và mở rộng quá mức phạm vi can dự ở nước ngoài khi tìm cách kiểm soát cuộc cạnh tranh kéo dài hàng thập kỷ. Khi cố gắng vượt qua Trung Quốc, Mỹ có thể làm suy yếu lợi thế của chính mình và che khuất tầm nhìn vốn là cơ sở cho sự lãnh đạo bền vững của họ.

Kim chỉ nam cho cách tiếp cận tốt hơn phải là thế giới mà Mỹ đang tìm kiếm: Đó phải là những gì họ mong muốn, chứ không phải những gì họ lo sợ. Cho dù liên quan đến biện pháp trừng phạt bằng thuế quan hay hành động quân sự, thì các chính sách cần được đánh giá trên cơ sở cân nhắc liệu chúng tiến triển hướng tới thế giới đó hay không thay vì liệu chúng có làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc hay mang lại lợi thế cho Mỹ hay không. Những chính sách đó nên chứng tỏ quyền lực của Mỹ, thay vì phản ánh hành vi nhằm mục đích ngăn cản. Thay vì nhìn lại sự ưu việt trong quá khứ, Washington cần cam kết bằng hành động cũng như lời nói, hướng tới tầm nhìn bao quát, tích cực về hệ thống quốc tế đã qua cải cách, bao gồm cả vấn đề Trung Quốc, và đáp ứng nhu cầu hiện tại để giải quyết những thách thức chung.

Điều đó không có nghĩa là từ bỏ những nỗ lực đã được điều chỉnh hợp lý nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, tăng cường khả năng kháng cự trước sự ép buộc của nước này và củng cố các liên minh của Mỹ. Thay vào đó, những nỗ lực này phải được tiếp tục cùng với các cuộc thảo luận có ý nghĩa với Bắc Kinh – không chỉ về việc tăng cường thông tin liên lạc khi xảy ra khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro, mà còn về các điều khoản hợp lý để cùng tồn tại và tương lai của hệ thống quốc tế mà trong đó Bắc Kinh sẽ có vai trò định hướng nhất định. Tầm nhìn toàn cầu bao trùm và rõ ràng phải vừa mang tính cạnh tranh, vừa làm rõ những gì Bắc Kinh sẽ mất. Nếu không, khi mối quan hệ xấu đi và cảm giác bị đe dọa tăng lên, logic cạnh tranh “được mất ngang nhau” sẽ càng trở nên áp đảo. Kết quả là vòng xoáy leo thang sẽ làm suy yếu cả lợi ích và giá trị của Mỹ. Logic đó sẽ làm thay đổi các ưu tiên toàn cầu, làm xói mòn hệ thống quốc tế, làm gia tăng tình trạng bất an, củng cố xu hướng bè nhóm, gây tổn hại đến chủ nghĩa đa nguyên và cản trở tiến trình hội nhập của công dân – tình trạng có thể sẽ kéo dài và cuối cùng dẫn đến thảm họa.

Cạnh tranh là điều không tránh khỏi

Đối với Mỹ, lý do giải thích vì sao mối quan hệ giữa hai nhà nước trở nên tồi tệ là Trung Quốc đã thay đổi: Trong một hoặc hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “giấu mình chờ thời”, tăng cường đàn áp trong nước và trở nên quyết đoán hơn ở nước ngoài, cho dù vẫn tiếp tục tận dụng các mối quan hệ và thể chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thay đổi đó là kết quả của sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và cách Tập Cận bình sử dụng ảnh hưởng đó. Nhưng cũng phải thừa nhận những thay đổi tương ứng trong chính sách và hoạt động chính trị của Mỹ khi nước này phản ứng với những diễn biến ở Trung Quốc. Washington đã đáp trả các hành động của Bắc Kinh bằng một loạt hành động trừng phạt và chính sách bảo hộ, từ áp đặt thuế quan đến hạn chế trao đổi thương mại và khoa học. Trong quá trình này, Mỹ đã rời xa các nguyên tắc cởi mở và không phân biệt đối xử, vốn là lợi thế so sánh từ lâu của họ, đồng thời củng cố niềm tin của Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một Trung Quốc hùng mạnh hơn. Trong khi đó, Mỹ doa động trong việc ủng hộ các thể chế hóa và thỏa thuận quốc tế đã tồn tại từ lâu. Trong khi đó, Mỹ dao động trong việc ủng hộ các thể chế và thỏa thuận quốc tế đã tồn tại từ lâu, một phần do bất mãn trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế.

Cách tiếp cận hung hăng hơn ở cả hai phía đã tạo ra động lực có tính phản chiếu. Trong khi Bắc Kinh tin rằng họ chỉ có thể thuyết phục Mỹ chấp nhận sống chung với một Trung Quốc hùng mạnh thông qua cuộc chiến kéo dài, thì Washington tin rằng họ phải kiểm soát sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc để bảo vệ vị thế thống trị của mình. Kết quả là tình hình ngày càng xấu đi và điều này thúc đẩy đối phương thực hiện các bước tiếp theo để tăng cường năng lực của mình.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-trap-us-foreign-policy-zero-sum-competition

TLTKĐB – 02 & 03, 04/11/2022

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại