24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cách TAR tăng vốn

Sau những lần tăng vốn, số lượng cổ đông tại TAR đã tăng mạnh từ vỏn vẹn 15 cổ đông cá nhân hồi năm 2015 lên đến 11.250 cổ đông tính đến cuối năm 2022. Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông công ty này cũng “pha loãng” đáng kể sau hơn 4 năm niêm yết trên sàn HNX.

Do đang ở diện hạn chế, chỉ được giao dịch vào thứ 6, cổ phiếu TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An trong phiên 9/11 đứng ở mức 9.000 đồng/CP - duy trì ở vùng giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết trên HNX vào tháng 2/2019.

Với mức giá kể trên, xét từ đầu năm đến nay, cổ phiếu TAR đã giảm 17,43%. Còn nếu tính từ mức đỉnh 40.730 đồng (giá đã điều chỉnh) xác lập cách đây gần 2 năm (trong phiên 22/12/2021), thì TAR đã giảm tới 77,9%.

Đó cũng là điều dễ hiểu bởi đây là xu hướng khó khăn chung của nhóm lúa gạo, nhiều cổ phiếu lĩnh vực này cũng suy giảm tương tự TAR như AFX (-25,38%), AGM (-34,52%)... Ngược lại, vẫn có những cổ phiếu cùng nhóm duy trì mức tăng trong năm 2023 như LTG (+29,79%), NAF (54,74%).

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tiền thân là Công ty TNHH Trung An, được thành lập ngày 16/8/1996 với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Thời gian đầu, công ty chủ yếu thu gom gạo sau đó phân phối cho các đối tác nội địa, với các khách hàng lớn là các Tổng Công ty lương thực. Đến năm 2004, công ty được cấp giấy phép xuất khẩu gạo và bắt đầu xuất gạo sang các đối tác nước ngoài.

Sang năm 2015, công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang CTCP, với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.

Tính từ thời điểm trước khi chào sàn HNX đến hiện tại, TAR mới trải qua 5 lần tăng vốn (trong đó 2 lần tăng là thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, 3 lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ). Sau 8 năm kể từ khi chuyển đổi sang CTCP, TAR đã tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 783 tỷ đồng.

Động thái tăng vốn là điều dễ hiểu với mỗi công ty niêm yết. Nền tảng vốn mạnh giúp doanh nghiệp tiến cận vốn vay tín dụng, vay ngân hàng. Mặt khác, việc lên sàn chứng khoán cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp tận dụng tăng vốn, huy động vốn từ các cổ đông và/hoặc các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực, trình độ.

Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng TAR là trường hợp có phần nổi bật bởi ngay trước thời điểm lên sàn, doanh nghiệp này tăng vốn rất mạnh từ 200 tỷ đồng lên đến 350 tỷ đồng, và chỉ có vợ chồng Chủ tịch HĐQT bà Lê Thị Tuyết (đã từ nhiệm từ tháng 8/2023) và ông Phạm Thái Bình (Phó Chủ tịch HĐQT công ty) tham gia đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn này.

Tại thời điểm 31/12/2017, 2 cổ đông kể trên mới chỉ góp 83,5 tỷ đồng, trong đó ông Bình góp 47,5 tỷ đồng (gồm quyền sử dụng đất 33,2 tỷ đồng và 14,3 tỷ đồng bằng tiền) và bà Tuyết là 36 tỷ đồng (gồm quyền sử dụng đất 33,3 tỷ đồng và bằng tiền là 2,7 tỷ đồng). Phải đến cuối năm 2018, 2 ông bà mới góp đủ bằng tiền phần 66,4 tỷ đồng vốn còn thiếu.

Đợt phát hành riêng lẻ thứ 2 của TAR có phần đặc biệt hơn. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2021, các cổ đông đã chấp thuận TAR phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 6 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là ông Phạm Thái Bình (10 triệu cổ phiếu), và 5 cá nhân còn lại cùng mua số lượng 3 triệu cổ phiếu TAR là Hà Thị Thùy Dung, Nguyễn Duy Văn, Trần Thùy Gương, Phan Tuấn Kiệt, và Nguyễn Quốc Nguyên.

Giá phát hành 18.000 đồng/CP, tương đương TAR thu về 450 tỷ đồng, và bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Có thể thấy, ngoài ông Bình, 5 cổ đông chiến lược còn lại sau đợt phát hành chỉ nắm dưới 4% và không là cổ đông lớn - đây là mô típ quen thuộc ở nhiều đợt phát hành riêng lẻ của nhiều công ty trên sàn chứng khoán được Nhadautu.vn đề cập trong nhiều bài viết.

Đáng chú ý, trước đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Bình từ tháng 5 đến tháng 6/2021 đã bán thỏa thuận toàn bộ số cổ phiếu TAR nắm giữ để hạ tỷ lệ sở hữu từ 22,57% xuống 0%. Điều này đồng nghĩa sau đợt phát hành, ông Bình chỉ nắm 14% vốn TAR. Chưa dừng lại ở đó, bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch HĐQT từ ngày 17/12/2021 – 13/1/2022 cũng bán thỏa thuận/khớp lệnh toàn bộ cổ phiếu hơn 11 triệu cổ phiếu nắm giữ.

Tính ra, ông Bình và bà Tuyết đã thu về khoảng hơn 601 tỷ đồng từ các giao dịch bán thỏa thuận cổ phiếu TAR.

Cách TAR tăng vốn
Ông Bình và bà Tuyết đã thu về khoảng hơn 601 tỷ đồng từ các giao dịch bán thỏa thuận cổ phiếu TAR. Ảnh: Huy Ngọc.

Lưu ý rằng, đầu năm 2022 cũng là thời điểm loạt cổ đông nội bộ TAR ồ ạt thoái hết vốn như: Bà Phạm Lê Khánh Hân - Ủy viên HĐQT, Phó Giám đốc, bán 396.000 cổ phiếu; bà Phạm Lê Khánh Huyền - Ủy viên HĐQT bán 528.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Nhẫn - con dâu ông Bình bán 396.000 cổ phiếu.

Cần phải nhấn mạnh rằng giai đoạn tháng 6/2021 - tháng 3/2022 là khoảng thời gian cổ phiếu TAR có nhịp tăng rất mạnh. Theo đó, từ vùng giá 12.000 - 13.000 ở tháng 6/2021, dòng tiền gia nhập tích cực đã đẩy cổ phiếu TAR tăng tốt, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể khi có những phiên ghi nhận khối lượng khớp lệnh lên đến hàng triệu đơn vị. Đến phiên 22/12/2021, cổ phiếu TAR xác lập mức đỉnh kể từ khi niêm yết tại mốc 40.730 đồng/CP.

Tuy nhiên, kể từ sau đợt phát hành thành công, TAR liên tục sụt giảm. Sau nỗ lực phục hồi ở một số phiên cuối quý I/2022, mã này bất ngờ ghi nhận chuỗi giảm điểm liên tục.

Cách TAR tăng vốn
Ảnh: Huy Ngọc.

Tính minh bạch cũng là vấn đề đáng bàn khi chỉ 1 ngày sau khi thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công (tức ngày 12/1/2022), TAR đã dùng toàn bộ số tiền 450 tỷ đồng thu được để cho 2 cá nhân vay là bà Nguyễn Thị An Khanh và ông Nguyễn Văn Tuân (đọc thêm về những sai phạm của TAR thời gian qua tại bài viết Chuyện gì đang diễn ra ở Gạo Trung An).

Dù vậy, tại báo cáo tình hình sử dụng vốn công bố gần nửa năm sau đó, TAR cho biết đã chi số tiền kể trên để trả nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - CN Cần Thơ (287,1 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - CN Cần Thơ (88,64 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CN Đồng bằng Sông Cửu Long (74,28 tỷ đồng).

Nhìn chung, sau những lần tăng vốn, số lượng cổ đông tại TAR đã tăng mạnh từ vỏn vẹn 15 cổ đông cá nhân hồi năm 2015 lên đến 11.250 cổ đông tính đến cuối năm 2022.

Cách TAR tăng vốn
Số lượng cổ động tại TAR qua các năm. Ảnh: Huy Ngọc.

Cùng với sự gia tăng về số lượng, cơ cấu cổ đông tại TAR cũng "pha loãng" đáng kể. Theo đó, AGM trong 2 năm đầu tiên TAR lên sàn HNX luôn duy trì tỷ lệ hơn 90%, trong đó AGM năm 2019 ghi nhận 33 cổ đông tham gia đại diện cho 99,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Dù vậy ở AGM năm 2021 (tổ chức tháng 4/2021), tỷ lệ này giảm về 75%; rồi xuống 53,09% tại AGM năm 2022 (ngày 27/6/2022). AGM năm 2023 ghi nhận tỷ lệ tham dự đạt 51,94% - con số thấp nhất kể từ khi TAR niêm yết.

Cách TAR tăng vốn
Ảnh: Huy Ngọc.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
4.60 +0.30 (+6.98%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả