Các tour du lịch trong TP. HCM ngày càng hút khách
Trong quý I/2023, TP. HCM đón hơn 8,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022.
Tour quận, huyện đang dần thu hút khách
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. HCM - các con số trên cho thấy, các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch của thành phố đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là với du khách trong nước.
Dư luận thế giới cũng đánh giá tốt về du lịch TP. HCM: TP. HCM nằm trong danh sách 20 thành phố an toàn nhất Đông Nam Á; TP. HCM cùng phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 2 điểm đến của Việt Nam nằm trong top 25 điểm đến tuyệt vời nhất (Travellers' Choice Best of the Best) của trang web du lịch nổi tiếng thế giới Tripadvisor do khách du lịch bình chọn năm 2023 (hạng mục Những điểm đến là xu hướng hàng đầu - Trending Destinations).
Cũng theo ông Lê Trương Hiền Hòa, với 366 tài nguyên du lịch, đến nay, ngành du lịch TP. HCM mới kết nối và công bố hơn 60 sản phẩm du lịch. Hiện có 42 sản phẩm du lịch của 18 quận, huyện và TP. Thủ Đức thuộc chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng". Theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, khoảng 60 - 70% sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác có hiệu quả.
Dựa trên những điều kiện sẵn có, Sở Du lịch TP. HCM định hướng tập trung đón dòng khách chi tiêu cao, gồm khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) bằng các sản phẩm du lịch có giá trị như ngồi thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, ẩm thực đêm, kịch xiếc À ố show, du lịch đường sông…
Khách quốc tế đi lẻ nhiều, chi tiêu ít
Lượng khách quốc tế đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là so với trước khi có dịch COVID-19. Theo khảo sát của chúng tôi, khách quốc tế chủ yếu do các doanh nghiệp lớn đưa đến Việt Nam, không ai đi qua các doanh nghiệp nhỏ. Một phần là do các doanh nghiệp đối tác này cũng cần thời gian để phục hồi.
Giai đoạn này, khách phần nhiều đi lẻ theo dạng tự túc. Họ đến từ các thị trường được miễn visa hoặc có chính sách visa thuận tiện. Khách đoàn, khách MICE chưa nhiều. Khách lẻ thường đến một điểm hoặc vài điểm gần nhau rồi về nước, chi tiêu không nhiều. Nếu đi theo đoàn, khách thường lưu lại lâu, tham quan nhiều nơi và chi tiêu nhiều hơn. Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour
Ông Trần Quang Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, chuyên khai thác tour quận, huyện ở TPHCM - cho hay, trừ các sản phẩm mới công bố từ tháng 3 - 4/2023, hầu hết sản phẩm du lịch quận, huyện đều được khách quan tâm: "Chính người dân trong quận, huyện đó cũng tự tìm đến các địa điểm du lịch mới của địa phương mình mà không qua đơn vị lữ hành. Riêng Chim Cánh Cụt khai thác tốt các tour "Tân Bình - có bao điều thú vị", "Quận 11 - có một Chợ Lớn rất khác", "Bình Chánh - những điều chưa kể". Các tour này đều được ra mắt từ tháng 8/2022".
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho rằng, đang có sự thay đổi nguồn khách. Trước đây, các sản phẩm du lịch trong TPHCM chỉ thu hút khách quốc tế, còn hiện nay, chúng thu hút cả người TP. HCM. Chẳng hạn, tour "Biệt động Sài Gòn" mà Vietluxtour đang khai thác thu hút cả khách quốc tế lẫn trong nước, bao gồm các đoàn học sinh, sinh viên các trường ở TP. HCM.
Do các điểm đến mới ở các quận, huyện chưa đầu tư hoàn thiện, thiếu các dịch vụ bổ trợ nên các doanh nghiệp du lịch vừa khai thác tour, vừa lắng nghe góp ý của du khách để hoàn thiện, nâng cao chất lượng tour.
Tránh làm du lịch kiểu phong trào
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành, ngành du lịch TP. HCM đã khảo sát, thử nghiệm khá nhiều sản phẩm mới, nhưng không phải sản phẩm, điểm đến nào cũng có thể đưa vào chương trình tour. Sở Du lịch TP. HCM cần phân loại các sản phẩm theo dạng sản phẩm văn hóa - lịch sử, vui chơi - giải trí, ẩm thực, kinh tế đêm và đầu tư nhiều hơn vào các điểm đến, di tích trọng điểm.
Theo ông Trần Quang Duy, hiện có nhiều chương trình tour không đạt hiệu quả do chi phí đi lại, tham quan quá cao nhưng tính trải nghiệm lại thấp. Như tour quận 12, hay tour du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) có chi phí 1,8 triệu đồng/khách/ngày, bằng với chi phí đi du lịch Phan Thiết, Vũng Tàu.
"UBND các quận, huyện cũng cần quan tâm xuyên suốt đối với chương trình của địa phương mình từ khi công bố đến lúc bán tour, nhận đánh giá và rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục những hạn chế. Đồng thời, các điểm đến cần trau dồi thêm kỹ năng phục vụ du khách" - ông Trần Quang Duy gợi ý.
Ông Lê Trương Hiền Hòa cho hay, tới đây, Sở Du lịch TP. HCM sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, lưu trú, lữ hành như giãn thời hạn nộp thuế, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Sở cũng tiếp tục đề xuất thành phố trình Chính phủ nghiên cứu, mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của du khách đến từ các nước xa Việt Nam.
Trước mắt, sở đề xuất nghiên cứu áp dụng chính sách "thị thực đặc biệt trong một giai đoạn nhất định" nhằm thúc đẩy khách quốc tế đến Việt Nam ở các thời điểm cần thiết. Sở cũng đề xuất kéo dài hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và đối tác có thời gian xây dựng các kế hoạch khai thác thị trường dài hạn.
Ngăn ngừa nạn chặt chém, ép giá... du khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5
Tổng cục Du lịch vừa yêu cầu các sở quản lý du lịch của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp ứng phó với các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo đó, sở quản lý du lịch các địa phương chỉ đạo ban quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn tăng cường kiểm tra công tác cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn… đảm bảo an toàn cho du khách. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra tình trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia có nguy cơ gây độc hại tại các cơ sở có phục vụ ăn uống. Đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các khu, điểm tham quan du lịch.
Đồng thời, các cơ quan quản lý có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ du lịch, yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng tùy tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch, bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch, đặc biệt tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, các trung tâm mua sắm, cơ sở vui chơi, giải trí trên địa bàn. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Thiết lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi có yêu cầu của khách du lịch.
Tổng cục Du lịch dự báo lượng khách du lịch sẽ tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này.
Quang Bình
(Theo Báo Phụ nữ)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường