Các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc theo đuổi thị trường 8.000 tỷ USD
Các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc bắt đầu khai thác các cơ hội kinh doanh từ vũ trụ ảo (metaverse) - lĩnh vực mới nhất của công nghệ internet đang tạo ra cơn sốt đầu tư.
Chưa có định nghĩa chính thức về metaverse, nhưng thuật ngữ này chủ yếu được dùng để chỉ vũ trụ ảo mà mọi người sẽ "sinh sống" và chơi ở đó. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ như Meta, công ty mẹ của Facebook, đang dốc sức vào phát triển công nghệ metaverse, trong khi Microsoft đã ấn định mua lại Công ty phát triển game trực tuyến Activision để làm metaverse.
Còn tại Trung Quốc, các tập đoàn công nghệ hàng đầu đã bắt đầu đầu tư vào metaverse và bước đầu phát triển các ứng dụng trên nền tảng công nghệ này. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley ước tính quy mô thị trường metaverse tại Trung Quốc có thể lên tới 52.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 8.000 tỷ USD.
Các tập đoàn như Tencent, NetEase, ByteDance (chủ sở hữu TikTok), và Alibaba có thể là những "tay chơi" tiên phong trong phát triển metaverse tại thị trường 1,4 tỷ dân. Những doanh nghiệp này rất có thể sẽ tập trung phát triển các loại ứng dụng cho hệ sinh thái metaverse.
Các nhà phân tích dự đoán thực tế ảo, các trò chơi trực tuyến và mạng xã hội sẽ là những ứng dụng tiên phong mà trong đó người dùng có thể thực hiện các giao dịch mua vật phẩm ảo trong trò chơi hoặc tạo hình đại diện kỹ thuật số của chính mình để tham gia các cuộc họp.
"Metaverse là tương lai của mạng xã hội. Tất cả các 'gã khổng lồ' công nghệ của Trung Quốc đều phải nắm lấy cơ hội này để tìm ra những phương thức mới để thu hút thế hệ người dùng internet trẻ tuổi, điều này rất quan trọng bởi ở thời điểm các mô hình kinh doanh của họ trên điện thoại thông minh và Internet di động đã hoàn thiện", ông Winston Ma, Đối tác quản lý cấp cao tại Công ty phát triển công nghệ tương tác CloudTree Ventures, nhận định.
Trong cuộc họp tài chính hồi tháng 11/2021, Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma cho biết metaverse sẽ là cơ hội tăng trưởng cho các ngành hiện có như trò chơi.
Tencent là tập đoàn phát triển trò chơi lớn nhất thế giới với các danh mục lớn ở mảng trò chơi trên máy tính để bàn và thiết bị di động. Tencent cũng đang sở hữu WeChat, mạng xã hội hơn một tỷ người dùng. Giám đốc điều hành Tencent cho biết tập đoàn này có "rất nhiều công nghệ và bí quyết thiết kế" để khám phá và phát triển metaverse.
Trong khi đó, ByteDance đã mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực phát triển trò chơi trực tuyến từ năm ngoái. Vào tháng 8/2021, ByteDance đã mua lại nhà sản xuất tai nghe thực tế ảo Pico. Nắm lợi thế tương tự Tencent, ByteDance hiện sở hữu TikTok, ứng dụng video dạng ngắn phổ biến trên thế giới và tương tự ứng dụng Douyin tại thị trường Trung Quốc. ByteDance đã có những bước đi đầu tiên đặt nền móng cho phát triển công nghệ thực tế ảo, mạng xã hội, và trò chơi trực tuyến.
Còn Alibaba mới đây cho biết họ có kế hoạch tung ra sản phẩm kính thực tế ảo tăng cường dùng trong các cuộc họp trực tuyến. Thực tế ảo tăng cường là công nghệ cho phép bao phủ các hình ảnh ảo lên thế giới thực và đây sẽ mảng miếng quan trọng để doanh nghiệp Trung Quốc khai thác và phát triển các trò chơi trên metaverse.
Alibaba đã tung ra một sản công nghệ "người có sức ảnh hưởng ảo" (virtual influencer) mang tên Dong Dong để phục vụ Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. Hình ảnh Dong Dong có thể được tìm thấy trên ứng dụng mua sắm Taobao của Alibaba, nó không chỉ cung cấp thông tin thực tế về Thế vận hội mà còn quảng cáo các mặt hàng liên quan đến Thế vận hội.
Tương tự, NetEase, một trong những "ông lớn" trong ngành phát triển trò chơi tại Trung Quốc, đã thành lập đơn vị mới ở tỉnh Hải Nam để chuyên tâm phát triển các ứng dụng metaverse.
Trong khi đó, "gã khổng lồ" tìm kiếm trên internet Baidu đã tung ra một ứng dụng metaverse vào năm ngoái có tên là XiRang, một ứng dụng thế giới ảo có sức chứa 100.000 người cùng lúc. Tuy nhiên, các quản lý điều hành của Baidu không đặt kỳ vọng cao vào ứng dụng này ở thời điểm ra mắt bởi họ đánh giá rằng nhiều khía cạnh của ứng dụng vẫn chưa tương xứng. Ông Ma Jie, Phó chủ tịch Baidu cho biết có thể sẽ mất thêm 6 năm nữa cho đến khi XiRang được hoàn thiện và ra mắt đầy đủ.
Những tín hiệu trên cho thấy các tên tuổi công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm và đặt nền móng cho các ứng dụng metaverse trên thị trường 8.000 tỷ USD.
"Tương tự như quảng cáo chiêu hàng mà chúng tôi đã thấy từ Meta, công nghệ metaverse có thể liên quan đến các trò chơi được hỗ trợ bởi công nghệ thực thế ảo/thực tế ảo tăng cường, và môi trường tương tác xã hội", ông Charles Mok, nhà sáng lập Công ty công nghệ internet Tech For Good Asia nhận xét.
"Đây rõ ràng sẽ là những lĩnh vực mà các ông lớn công nghệ Trung Quốc sẽ theo tuổi trước tiên, với các tính năng hiện đại ở Trung Quốc, chẳng hạn như thanh toán và các dịch vụ trực tuyến tích hợp giống WeChat có thể được mở rộng và tích hợp vào metaverse", ông Charles Mok nói thêm.
Tuy nhiên, metaverse còn hết sức mới mẻ và chưa có định nghĩa chính thức về công nghệ này, cho nên nó chắc chẵn sẽ phải trải qua nhiều khâu kiểm chứng và chịu quản lý chặt chẽ trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường giám sát hoạt động của các công ty công nghệ trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận