Các ngân hàng đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn.
Các ngân hàng đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn. Thị trường Việt Nam 12/4
Thị trường Việt Nam khởi động tuần mới với thông tin: Các ngân hàng đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn, Dragon Capital mua Gelex, Hòa Phát (HM:HPG) và KIM trở thành cổ đông lớn CII… là 3 thông tin cần biết phiên giao dịch hôm nay thứ Hai 12/4.
1. Các ngân hàng đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn
Đã có khoảng chục ngân hàng tầm trung trở lên có kế hoạch trình cổ đông tăng mạnh vốn điều lệ, chủ yếu qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc, ít phổ biến và ở mức độ nhỏ hơn, là chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông chiến lược. Và cũng tính sơ bộ, nếu các ngân hàng trên tăng vốn thành công, quy mô vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm nay sẽ tăng thêm ít nhất gần 60.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn mạnh mẽ như vậy không khỏi khiến thị trường nhớ lại thời kỳ "lớn nhanh như thổi" của hệ thống ngân hàng chục năm trước. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến cho rằng, nền tảng của lần tăng vốn này hoàn toàn khác, các ngân hàng đều dựa trên thực lực, bối cảnh kinh tế cũng khác nên sự lo ngại tăng trưởng nóng là chưa cần thiết. Vậy đợt tăng vốn ồ ạt lần này có ý nghĩa gì với bản thân các ngân hàng, sẽ tác động ra sao tới thị trường chứng khoán và nền kinh tế có lẽ là điều được quan tâm nhiều hơn.
Theo chuyên gia trong ngành tài chính tại Singaprore. Nhìn chung, tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh được cho vay, mở rộng thị phần. Tăng vốn điều lệ còn giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn khả dụng để đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu như công nghệ, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng – điều mang tính sống còn trong thời đại "chuyển đổi số hay là chết" này, để đảm bảo duy trì và cải thiện tính cạnh tranh, tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.
Như vậy có thể nói, những ngân hàng nào không có ý định tăng vốn trong khi các đối thủ của họ lại chạy đua tăng vốn là những ngân hàng hoặc rất tự tin vào thế mạnh riêng giúp bản thân duy trì vị trí đi đầu trong phân khúc ngân hàng của mình mà không sợ bị ai cạnh tranh mất, hoặc đơn giản là không thể hoặc rất khó tăng vốn khi xét đến các điều kiện, và đặc biệt là phí tổn tăng vốn.
Các hình thức tăng vốn phổ biến như đã nêu trên đang khá thuận lợi bởi sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong các tháng gần đây và chắc sẽ còn tiếp diễn một thời gian nữa khi được hậu thuẫn bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đảm trách vai trò dẫn dắt và nâng đỡ thị trường chứng khoán trong nhiều thời điểm và giai đoạn vừa qua, trong khi giá của chúng phần lớn đã đạt được các mức cao mới trong các giai đoạn hưng phấn của thị trường.
Do vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay chào bán riêng lẻ hoặc cho cổ đông chiến lược trong giai đoạn này nói chung là sẽ có hiệu quả cao về chi phí tăng vốn, trong khi được thị trường, cổ đông và đối tác ngân hàng đón nhận nồng nhiệt, ngay cả ở những ngân hàng bao năm nay chưa chia cổ tức bằng tiền mặt, từng làm cho nhiều cổ đông chán nản.
Nếu kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng đều được cổ đông thông qua, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế? Chỉ tính sơ sơ các ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn gần đây thì số vốn tăng mới đã lên đến gần 60.000 tỷ đồng – một con số không phải là nhỏ. Nhưng để biết con số này có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay không thì phải đặt nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Về phía cung, sẽ có bao nhiêu ngân hàng và doanh nghiệp lớn trong các ngành khác sẽ phát hành chứng khoán và trái phiếu, hoặc niêm yết lên sàn, lợi dụng cơ hội thuận lợi hiện nay? Về phía cầu, vốn được dẫn dắt và bị chi phối một phần lớn bởi chính sách tiền tệ, NHNN sẽ duy trì sự nới lỏng như hiện tại được bao lâu nữa?
Có một điểm đáng lưu ý là xu hướng lãi suất sẽ có khả năng tăng trong phần còn lại của năm nay để giảm áp lực lạm phát được dự đoán sẽ tăng. Lúc đó, và chỉ xét đến riêng ngành ngân hàng, con số gần 60.000 tỷ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản trong nền kinh tế và làm tăng áp lực lên lãi suất hơn nữa. Đó là chưa kể khả năng các ngân hàng khác cũng sẽ tham gia vào cuộc đua tăng vốn.
2. Dragon Capital mua Gelex
Norges Bank đã thực hiện mua 300.000 cổ phiếu Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (GEX (HM:GEX)). Giao dịch giúp nhóm Dragon Capital tăng sở hữu lên hơn 24 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,04% và trở thành cổ đông lớn.
Quỹ ngoại mua cổ phần Gelex trong bối cảnh tổng công ty vừa mới mua thêm cổ phần Viglacera để chính thức trở thành công ty mẹ, qua đó sẽ hợp nhất báo cáo tài chính Viglacera kể từ quý II. Việc hợp nhất sẽ cải thiện được các chỉ số tài chính và tạo động lực tăng trưởng dài hạn ở mảng khu công nghiệp.
Cổ phiếu Gelex vừa lập đỉnh lịch sử 28.500 đồng/cp trong phiên 9/4 và hiện điều chỉnh về 27.600 đồng/cp. Với thị giá này, giá trị cổ phần Gelex mà nhóm quỹ đang nắm giữ là 670 tỷ đồng.
Hanoi Investments Holdings Limited thông báo đã mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital tăng sở hữu lên gần 200 triệu cổ phiếu, tương ứng với trên 6% cổ phần đang lưu hành.
Cổ phiếu HPG đang đi ngang quanh vùng giá 49.500 đồng/cp. Tạm tính theo mức này, nhóm Dragon Capital đang sở hữu khối lượng cổ phiếu HPG trị giá gần 9.900 tỷ đồng.
Hòa Phát mới đây công bố kết quả kinh doanh khả quan với sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại trong quý I. Thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ. Sản phẩm HRC (HM:HRC) trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quý trước đó.
3. KIM trở thành cổ đông lớn CII (HM:CII)
KIM Vietnam Growth Equity Fund đã mua 259.900 cổ phiếu Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (HM:HCM) (CII) trong phiên 5/4. Giao dịch giúp nhóm quỹ KIM (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn khi nắm giữ gần 12 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,02%.
Ngoài KIM, nhóm Dragon Capital cũng liên tiếp mua cổ phần tại CII từ dưới 9% cuối tháng 3 lên 11,2% trước ngày 7/4. Sau đó nhóm này có giảm tỷ lệ sở hữu về 10,9%, tương ứng còn nắm giữ hơn 26 triệu cổ phiếu CII.
Hai nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần CII bối cảnh doanh nghiệp thông báo Trạm xa lộ Hà Nội chính thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ kể từ 0 giờ ngày 1/4. UBND TP HCM đã ban hành mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn).
Lãnh đạo CII kỳ vọng trong năm 2021 bắt đầu thu phí hoàn vốn dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, là điều kiện để tạo dòng tiền mạnh, đảm bảo khả năng trả nợ và gia tăng tính an toàn tài chính cho doanh nghiệp.
Các giao dịch đáng chú ý khác như Lucerne Enterprise bán tiếp 341.600 cổ phiếu Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS), giảm lượng nắm giữ về gần 2,9 triệu đơn vị. Hiện APS có thị giá 10.700 đồng/cp.
Samarang Asian Prosperity bán ra 116.000 cổ phiếu Điện lực Khánh Hòa (KHP) vào ngày đầu tháng 4. Cùng ngày, AFC VF Limited bán 74.500 cổ phiếu Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (UPCoM: ABI).
Quỹ America LLC liên tiếp bán 287.100 cổ phiếu Kỹ thuật điện Toàn Cầu (GLT) để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 13%. Quỹ còn thực hiện bán các cổ phiếu TV2, PPS và NNC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận