Các hãng taxi xăng vật lộn với bài toán lợi nhuận
Bên cạnh các nhân tố vĩ mô còn nhiều bất ổn, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn với doanh nghiệp taxi cùng ngành khiến Mai Linh, Vinasun tiếp tục gặp khó.
Sau khi có sự gia nhập của GSM, một khái niệm mới đã được đưa vào thị trường vận tải hành khách là "taxi điện".
Với quy mô đầu tư lên tới 20.000 xe, những chiếc taxi điện của GSM đã nhanh chóng phủ xanh nhiều tỉnh thành và cả thị trường nước ngoài.
Tin tưởng vào tiềm năng của mô hình taxi điện, ông Nguyễn Văn Thanh - CEO GSM cho biết, doanh thu trung bình của một xe taxi điện GSM đang bằng một xe xăng, nhưng chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng.
Đến nay, những hiệu quả bước đầu và sự thịnh hành của xe điện đã phân định thị trường vận tải hành khách Việt Nam thành hai nhóm, gồm nhóm doanh nghiệp taxi truyền thống vẫn trung thành với xe xăng và nhóm taxi kiểu mới sử dụng xe điện.
Trong khi nhóm taxi sử dụng xe điện đang được nhiều đối tượng hành khách đón nhận và trở thành xu hướng mới, thì nhóm taxi truyền thống vốn trung thành với xe xăng lại đang vật lộn với bài toán lợi nhuận sụt giảm qua nhiều năm.
Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) ghi nhận, năm 2023, doanh nghiệp mang về 1.219 tỷ đồng doanh thu - tăng 12% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 18% đạt 150 tỷ đồng.
Với kết quả này, Vinasun mới thực hiện được 72% mục tiêu lợi nhuận và 90% chỉ tiêu doanh thu cả năm 2023.
Bước sang năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu kinh doanh đi lùi, với kế hoạch doanh thu đạt 1.107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 81 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 47% so với cùng kỳ.
Lý giải về điều này, ban lãnh đạo công ty cho biết, bên cạnh các nhân tố vĩ mô còn nhiều bất ổn thì việc cạnh tranh với các doanh nghiệp taxi cùng ngành có thể khiến hoạt động của Vinasun gặp khó.
Tính đến thời điểm 31/12/2023, Vinasun sở hữu 2.590 xe chạy xăng và hybrid. Công ty tỏ ra kiên định với xe chạy xăng, xe hybrid của đối tác Toyota vì cho rằng mạng lưới trạm sạc, thời gian sạc của xe điện chưa đáp ứng nhu cầu chạy taxi.
Tương tự Vinasun, CTCP Tập đoàn Mai Linh cũng chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng trong năm công bố báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất vào 2022. Mặc dù đã ngắt mạch thua lỗ kéo dài từ năm 2018, nhưng chủ hãng taxi Mai Linh lại thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.
Năm ngoái, Mai Linh đã bắt tay cùng Toyota Việt Nam đầu tư 10.000 xe taxi chạy xăng trong vòng 5 năm tới, cũng như xây dựng kế hoạch thay thế xe cũ bằng các mẫu xe mang thương hiệu Toyota.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho rằng, xe của Toyota là phù hợp nhất với dịch vụ taxi, vốn từ lâu được các khách hàng, nhà đầu tư ưa chuộng.
Ở phía ngược lại, không ít hãng taxi truyền thống đã chuyển hướng đầu tư sang xe điện. CTCP Sun Taxi - đơn vị hiện diện ở 15 tỉnh thành tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đã lên kế hoạch đưa 3.000 ô tô điện vào đội xe của mình vào năm 2025.
Theo đó, Sun Taxi sẽ là hãng xe taxi thuần điện có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ đứng sau GSM.
Đứng thứ ba là Lado Taxi 1.000 xe điện hoạt động tại 6 tỉnh gồm Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra còn có Én Vàng taxi - một hãng taxi tại Hải Phòng, với đội hình 500 xe điện. Én Vàng đã đưa xe điện vào cung cấp dịch vụ taxi từ kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận