24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Các hãng hàng không Việt vượt khó bằng lối đi riêng

Nhiều kịch bản phục hồi và các giải pháp thích ứng của ngành hàng không đã được xây dựng...

Tác động của dịch COVID-19 đã làm các hãng hàng không kiệt quệ, đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy các hãng hàng không đã có giải pháp gì để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn?

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngành hàng không Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng ở mức hai con số và được dự báo tiếp tục có sự phát triển nhanh.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch đã làm các hãng hàng không trong nước kiệt quệ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy các hãng hàng không đã thực hiện giải pháp gì để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn?
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, nhiều kịch bản phục hồi và các giải pháp thích ứng của ngành hàng không đã được xây dựng; trong đó, các hãng hàng không thay đổi kịch bản liên tục trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay.

Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát thời gian vừa qua, các hãng hàng không đã tung ra hàng loạt chương trình bán vé ưu đãi và mở đường bay mới nhằm kích cầu đi lại của người dân. Các hãng kỳ vọng duy trì được dòng tiền, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thêm vào đó, việc Bộ Giao thông Vận tải lên phương án bay lại các đường bay quốc tế trong thời gian tới cùng với động thái giảm 50% phí dịch vụ cất cách, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành tàu bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa đã mang lại niềm tin về sự phục hồi của ngành hàng không.

Trước khi chờ vào chính sách và sự trợ giúp từ phía Nhà nước, đại diện các hãng hàng không chia sẻ, bản thân doanh nghiệp đã có những giải pháp, cách làm riêng để "vượt khó" trong thời gian vừa qua.

Đại diện Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) cho biết, theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2020 của Vietjet Air do Công ty Kiểm toán PWC thực hiện, kết quả hợp nhất của công ty đạt doanh thu 10.970 tỷ đồng, giảm 55% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 47 tỷ đồng, lỗ vận chuyển hàng không 1.440 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến tới 670 tỷ đồng, được đánh giá là tích cực so với các hãng hàng không trên thế giới do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.

Đại diện Vietjet Air thông tin thêm, khi dòng tiền kinh doanh vận tải hàng không sụt giảm, Vietjet Air quyết định chuyển nhượng danh mục đầu tư và một số tài sản đã tích luỹ trong thời gian trước đó để tập trung nguồn vốn, tiền mặt nuôi dưỡng nguồn lực phục hồi khi hàng không bật tăng trở lại.

Cụ thể, Vietjet Air đã chuyển nhượng quyền kinh doanh và khai thác tòa nhà Vietjet Plaza; thanh lý quyền và nghĩa vụ tại dự án Republic Plaza; chuyển nhượng quyền mua 50 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Dầu Việt Nam...

Nhờ giải pháp này mà tổng tài sản của Vietjet Air vẫn duy trì đạt 46.317 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.313 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ. Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,1 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,57 lần.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ nợ vay của Vietjet Air vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới. Nhờ vậy, Vietjet Air tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn để tăng cường nội lực tài chính.

Bên cạnh giải pháp trên, đại diện Vietjet Air cho hay, để có thể vượt qua khó khăn hiện nay, hãng đã và đang tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, với bình quân chi phí giảm 55% do giảm khai thác hơn 30 - 35% và giảm đơn giá chi phí từ 20 - 25%.

Cùng với đó, Vietjet Air tích cực sử dụng nguồn nhiên liệu giá thấp theo chương trình mua trữ xăng dầu đã triển khai thành công vào tháng 5/2020, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường.
Đại diện Vietjet Air nhấn mạnh, từ đầu năm 2020 đến nay, chủ động trước các kế hoạch ứng phó COVID-19, Vietjet Air đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass...

Vietjet Air còn chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa (cargo) từ tháng 4, là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC).

Ngoài ra, hãng đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Các hãng hàng không Việt vượt khó bằng lối đi riêng
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, cắt giảm nhân lực…, Vietnam Airlines đã tiết giảm được hơn 5.000 tỷ đồng, qua đó phần nào giải quyết khó khăn từ dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Ảnh minh hoạ/TTXVN

Đối với Hãng hàng không quốc gia Vietnam – Vietnam Airlines, thời gian qua, khó khăn về dòng tiền của hãng này luôn được thông tin dày đặc trên các phương tiên thông tin truyền thông.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Vietnam Airlines diễn ra vào giữa tháng 8 vừa qua, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, do tác động của dịch COVID-19, Vietnam Airlines dự kiến sẽ vận chuyển 14,5 triệu lượt khách trong cả năm nay, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái; hệ số sử dụng ghế giảm 2,4 điểm.

Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo Vietnam Airlines trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất trong năm 2020 đạt 40.586 tỷ đồng, giảm 59,5% so với thực hiện năm 2019; trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ giảm 56,4% so với cùng kỳ, tương ứng 42.158 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam dự kiến trình kế hoạch lỗ trước thuế hợp nhất 15.177 tỷ đồng và lỗ ròng công ty mẹ là 14.487 tỷ đồng.

Để giảm bớt khó khăn, Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh việc thanh lý tài sản cố định, thanh lý 9 tàu bay A321 Neo sản xuất năm 2007 - 2008 trong giai đoạn 2020 - 2021.

"Việc cơ cấu lại tài sản nói trên để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 vừa có thêm dòng tiền và thu nhập. Việc bán các tàu bay có tuổi thọ hơn 12-13 năm tuổi là phù hợp với định hướng đổi mới đội tàu bay của Tổng công ty với mục tiêu, nâng cấp chất lượng dịch vụ, giảm chi phí khai thác bằng việc đưa các tàu bay công nghệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội vào khai thác", lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, cắt giảm nhân lực…, Vietnam Airlines đã tiết giảm được hơn 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận: "Do phải tiết giảm chi phí nên thu nhập bình quân của phi công dự kiến sẽ giảm từ 147 triệu đồng/tháng hồi năm ngoái xuống 77 triệu đồng/tháng (tương ứng giảm 47,6%); thu nhập bình quân của tiếp viên giảm từ 28,8 triệu đồng/tháng xuống còn 13,8 triệu đồng/tháng và của lao động mặt đất giảm từ 31,4 triệu đồng/tháng xuống còn 14 triệu đồng/tháng".

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines thông tin, hiện nay, Vietnam Airlines đang thừa nhân lực tới 70%, vì thế, việc cắt giảm, bố trí nhân lực và tái cấu trúc đội bay cũng đang được hãng tính toán kỹ. Về dài hạn, Vietnam Airlines kỳ vọng vượt qua tình hình khó khăn này và đến năm 2022, thị trường hàng không sẽ phục hồi.

Cùng với đó, Vietnam Airlines đang nỗ lực để có thể nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất. Phương án này bao gồm 4.000 tỷ đồng cấp tín dụng và cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ.

Hiện Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét triển khai biện pháp hỗ trợ tài chính giúp duy trì thanh khoản hoạt động liên tục.

Để tập trung mọi nguồn lực cho giai đoạn phục hồi, cũng tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua,Vietnam Airlines đã đề xuất các cổ đông phương án không chi trả cổ tức và để lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ nhằm đảm bảo ổn định nguồn vốn kinh doanh, giảm bớt gánh nặng về vốn lưu động, số lợi nhuận còn lại để tạo dòng tiền và đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng trong thời kỳ tiếp theo.

Đối mặt với những thách thức chung của ngành hàng không do dịch COVID-19 gây ra, 2 cổ đông lớn của Jetstar Pacific là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines đã quyết định tái cơ cấu hãng này.

Cụ thể, sau nhiều năm phát triển thương hiệu Jetstar Pacific, hãng này đã chính thức cải tổ và đổi tên thành Pacific Airlines với nhận diện thương hiệu mới.

Sau khi mang tên mới, hãng này đã đồng bộ hóa hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Ông Gareth Evans, Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Qantas, Tổng Giám đốc Tập đoàn Jetstar cho biết: "Trước một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam và sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng, đã đến lúc tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa"./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
102.50 +0.80 (+0.79%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả