Các dự án trọng điểm quốc gia đang gặp 6 điểm nghẽn
Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết các dự án trọng điểm quốc gia đang gặp 6 vướng mắc chính, trong đó, vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng là phức tạp nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, vừa chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 33 địa phương.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ ra 6 vướng mắc, khó khăn chính của các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên cả nước.
Trước tiên là vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây được xem là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án.
Thêm nữa, nguồn cung vật liệu đắp nền đường còn hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Chính phủ đã có nhiều nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục triển khai cấp phép nhưng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chủ đầu tư thì vấn đề vật liệu sẽ là nút thắt lớn cho các dự án.
"Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến khâu lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án và bàn giao mốc để GPMB. Đây là khâu vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án. Phải lựa chọn đơn vị tư vấn tốt, đạt 70% khối lượng GPMB mới khởi công dự án", Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói.
Tiếp đến, thời gian qua, giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn, dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Ngoài ra, năng lực của một số chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Đồng thời, các dự án với phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay.
Năm là, một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án, dự án thành phần.
Cuối cùng, những dự án sử dụng vốn vay của tổ chức quốc tế như: đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cao tốc Bến Lức - Long Thành… thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp, kéo dài.
Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn cho các dự án này là 734.000 tỷ đồng, riêng các dự án cao tốc là hơn 500.000 tỷ đồng, chưa kể các dự án hợp tác công tư, nguồn vốn vay...
Việc triển khai hiệu quả các dự án này góp phần tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới; góp phần giải quyết nút thắt về giao thông vận tải; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người dân.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc để việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm đảm bảo hiệu quả.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường triển khai đồng bộ giải pháp cũng như tăng cường kiểm tra các địa phương về nguyên vật liệu. Trường hợp làm không đúng kiên quyết thu hồi các mỏ vật liệu và xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo trong tháng 8.
Các bộ, ngành, địa phương khác được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu bảo đảm chất lượng, đảm tiến độ và chất lượng dự án.
UBND thành phố Hà Nội và TP HCM được yêu cầu đẩy nhanh các thủ tục, hoàn thành đúng kế hoạch các dự án đường sắt. Trường hợp vướng mắc thì tiếp tục giải quyết.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành ngay các nghị quyết về dự án tuyến đường Vành 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP HCM. Theo đó, các bộ ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt các dự án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và mỏ vật liệu với các dự án đang triển khai.
Ngày 23/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Ban Chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia.
Dự án dường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông; dự án Bến Lức - Long Thành, dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Châu Ðốc - Cần Thơ-Sóc Trăng; dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP HCM; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành;
Ngoài ra, các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận