Các doanh nghiệp ngành tôm đã có đơn hàng khá ổn
Theo các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu thủy sản đã được cải thiện dần trong tháng 5, tháng 6 và chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trả lời báo Sóc Trăng, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cho rằng, từ tháng 7 này các doanh nghiệp chế biến sẽ phải "chạy" để kịp hoàn thành kế hoạch năm hay chí ít cũng không để sụt giảm mạnh doanh số và lợi nhuận so với năm 2022.
Cơ sở để các doanh nghiệp tự tin bước vào giai đoạn tăng tốc xuất khẩu chính là mức sụt giảm xuất khẩu giảm dần qua các tháng và ở tháng 6 vừa qua đã có sự chuyển động đi lên đáng kể. Điều này cũng đã được các doanh nghiệp và lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định tại các diễn đàn gần đây.
Tiến sĩ Hồ Quốc Lực
Cũng theo ông Lực, dù giá cả chưa được cải thiện là mấy, nhưng quan trọng là doanh nghiệp đã có đơn hàng khá ổn, đồng thời cũng nắm rõ hơn tình hình thị trường chung để có đối sách phù hợp. Đơn cử như trường hợp của Sao Ta, nếu như 5 tháng đầu năm, mức sụt giảm đến 30% thì đến hết 6 tháng chỉ còn 20%.
Ông Lực chia sẻ: “Sự tiến triển này của Sao Ta do kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đã tốt, phải nói rất tốt. Riêng toàn ngành, theo nhận định của cá nhân tôi, mức sụt giảm 34% trong 5 tháng đầu năm sẽ được kéo giảm còn dưới 30% trong 6 tháng và con số này hy vọng sẽ còn giảm dần ở quý 3”.
Thông tin chung từ ông Lực cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác đều có nét lạc quan hơn rất nhiều về tình hình xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn bám phân khúc thị phần sản phẩm chế biến sâu ở Mỹ, EU, vốn là thế mạnh của mình tới thời điểm này; đồng thời, tập trung nhiều vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Lực thông tin thêm: “Nói trắng ra, nửa cuối năm nay, các doanh nghiệp chế biến có nhiều hơn đơn hàng nhưng giá cả thì không thể như ý được, phải bán theo giá thế giới thôi. Riêng Sao Ta chúng tôi đã chuẩn bị tốt và đang trên đường chạy rồi, vấn đề còn lại là mức tăng tốc ra sao mà thôi”.
Theo vị Chủ tịch FMC, xuất khẩu đã khởi động những bước chạy đầu tiên ngay từ đầu quý 3 và chắc chắn sẽ còn tăng tốc hơn nữa trong quãng thời gian còn lại của năm 2023. Hay nói cách khác là khâu tiêu thụ đang dần được khai thông, nhưng để có được cú tăng tốc thuận lợi thì vẫn rất cần có sự song hành của mảng nuôi trồng để tránh tình trạng khi thời cơ đến lại không có nguyên liệu.
“Đây là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm ngay từ khi giá tôm quay đầu giảm mạnh, vụ nuôi không mấy thành công như mong đợi khiến nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ, chùn tay, không dám thả nuôi tiếp tục. Tuy nhiên, với việc còn trên 24,000ha tôm chưa thu hoạch, nếu được chăm sóc tốt, cùng với đó là hàng tôm block đang được doanh nghiệp dự trữ sẽ giúp doanh nghiệp giảm được áp lực nguyên liệu khi vào cao điểm chế biến xuất khẩu”, ông Lực cho biết.
Với những thông tin trên, xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ so với 6 tháng đầu năm.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam rằng: “Chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng chỉ nên lạc quan chút thôi, với hy vọng xuất khẩu tôm cả năm 2023 dù khó đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt ít nhất khoảng 3.5 - 4 tỷ USD cũng xem như đã thành công”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận