Cà phê lên mức giá cao nhất trong 10 năm do tắc nghẽn chuỗi cung ứng
Giá cà phê trên thị trường tương lai đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm do tình trạng tắc nghẽn vận chuyển và nhu cầu tăng cao vào cuối năm.
Các nhà giao dịch đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm hợp đồng tương lai để giúp đảm bảo việc giao hàng ở một mức giá đã định trước vì lo ngại rằng họ có thể không có đủ kho dự trữ trên “thị trường vật chất”.
Ngược lại, hàng tồn kho đang được rút hết khỏi Intercontinental Exchang - một trong những địa điểm giao dịch hợp đồng tương lai cà phê chính và điều này có thể khiến giá cà phê tương lai còn tăng hơn nữa.
Nhà phân tích Ilya Byzov tại Sucafina cho biết: “Sự sụt giảm trong lượng hàng tồn kho đã phát đi một tín hiệu rất lớn cho thị trường rằng sẽ tiếp tục khan hiếm cà phê”.
Giá hợp đồng tương lai loại đậu arabica chất lượng cao hiện đang ở mức 2,50 USD/pound, gần gấp đôi mức giá vào đầu năm 2021.
Đồng thời, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới Coffee Exporters Council of Brazil cho biết, các thương nhân đã phải vật lộn để có được các đơn đặt hàng cho các container và tàu vì thường xuyên phải đối mặt với việc hoãn bốc hàng từ các công ty vận chuyển. Họ cho biết, khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 10 đã giảm 24% so với năm ngoái.
Carlos Mera, nhà phân tích tại Rabobank cho biết, giá cước vận tải container đã tăng vọt trong năm nay và vẫn đang ở mức cao và nỗi lo về tắc nghẽn đã thúc đẩy hoạt động mua để “đề phòng”. “Với việc nhiều cà phê đang bị mắc kẹt trong quá trình vận chuyển, bạn cần có thêm cà phê để đáp ứng nhu cầu”, ông cho biết.
Giá đậu arabica tăng mạnh cũng khiến nông dân phải găm hàng, hạn chế xuất khẩu và gây thêm áp lực tăng giá. Theo các quan chức Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các trường hợp nông dân trồng cà phê không giao được các hợp đồng đã thỏa thuận trước trên thị trường thực tế ngày càng gia tăng.
“Ba nhà sản xuất arabica lớn nhất là Brazil, Colombia và Ethiopia đang trải qua tỷ lệ vỡ nợ tăng lên, khi nông dân không thể hoàn thành nghĩa vụ giao cà phê với giá đã thỏa thuận để họ có thể cố gắng bán lại với giá cao hơn hiện tại”, USDA cho biết.
Mặt khác, mối lo ngại về một đợt hạn hán khác ở Brazil cũng góp phần làm tăng giá cà phê. Nông dân trồng cà phê ở đây đã bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ đóng băng vì các đợt băng giá nghiêm trọng vào tháng 7. Trong khi các đợt sương giá không ảnh hưởng đến vụ thu hoạch năm nay, thiệt hại về cây cối sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của cây trồng cũng như chất lượng của hạt cà phê trong mùa tới.
Sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết La Niña có xu hướng gây khô hạn ở khu vực phía nam của Nam Mỹ trong năm thứ hai liên tiếp đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng sản xuất thấp vào thời điểm nhu cầu vẫn ổn định. Các thương nhân cho biết, khu vực phía nam của Brazil có lượng mưa thấp hơn mức bình thường đang khiến nông dân lo lắng.
Trong khi đó, lo ngại về biến thể Omicron mới có khả năng dẫn đến tình trạng đóng cửa ở Việt Nam cũng có thể thúc đẩy giá hợp đồng tương lai robusta, một loại đậu chất lượng thấp hơn được giao dịch tại London.
Nhà phân tích Jack Scoville tại công ty môi giới hàng hóa Price Futures Group ở Chicago cảnh báo: “Covid-19 cũng đã quay trở lại Việt Nam và giờ là phần còn lại của thế giới, đó có thể là một nhân tố khiến các chuyến hàng bị gián đoạn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận