menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Duy Công

Cả nước có 30 cảng hàng không đến năm 2030

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt theo mô hình trục nan, với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cần 420.000 tỷ đồng thực hiện quy hoạch

Quy hoạch hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc và 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn, Biên Hòa.

Cả nước có 30 cảng hàng không đến năm 2030
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không.

Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không. Đáng chú ý, trong 14 cảng hàng không quốc tế không còn danh sách Cát Bi mà thay vào đó là Cảng Hàng không quốc tế Hải Phòng. Với cảng hàng không quốc nội, danh sách bổ sung thêm 3 cảng mới: Cát Bi, Cao Bằng và cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô.

Thực hiện quy hoạch, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc; đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên và các cảng hàng không khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó đối với cảng hàng không mới sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đối với cảng hàng không hiện đang khai thác, các địa phương nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng sân bay và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.

Đối với các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo, Chính phủ ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước để đầu tư các công trình thiết yếu.

Ưu tiên phát triển vận tải hàng không vùng Tây Nguyên

Bộ Giao thông vận tải cũng đã hoàn thành Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng đầu tư các phương thức vận tải hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Theo kế hoạch này, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải hàng không theo hướng đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá tại các càng hàng không; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.

Để thực hiện, Bộ GTVT đã chỉ ra các giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn cho quản lý phát triển thị trường vận tải hàng không Tây Nguyên; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải kết nối, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, xuất nhập cảnh.

Đặc biệt, yêu cầu các cảng hàng không khu vực Tây Nguyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng không; kiên quyết xử lý các phương tiện không đảm bảo các điều kiện về đăng ký để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hàng không và nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải hàng không, cũng như người dân theo quy định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại