menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Liên

BVSC: Dự kiến Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận tỷ USD năm 2020

BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2020 đạt 28.944 tỷ đồng (1,2 tỷ USD), tăng 25,2% so với năm 2019 dù ngân hàng này giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Hỗ trợ giảm lãi suất khiến NIM năm 2020 không tăng

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã VCB), dự kiến tổng thu nhập hoạt động năm 2020 của ngân hàng này đạt 56.070 tỷ đồng tăng 22,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 28.944 tỷ đồng, tăng trưởng 25,2%.

Đánh giá hoạt động kinh doanh của Vietcombank với triển vọng như trên, BVSC dựa vào nhiều yếu tố được coi là thuận lợi cho ngân hàng này.

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng như của ngân hàng khi đây là ngành trung gian “bơm – hút” vốn cho nền kinh tế. Do đó, Vietcombank cũng không nằm ngoài “cơn bão” dịch bệnh khi cùng chung tay giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Ngay từ đầu tháng 2, Vietcombank đã triển khai cắt giảm lãi suất kể từ 11/2 đến 30/4/2020 với ước tính dư nợ của các khoản vay hiện hữu được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4% tổng dư nợ khoảng 7% dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp) và số tiền giảm lãi suất là 300 – 450 tỷ đồng.

Từ thực tế đó, BVSC giả định dư nợ được hỗ trợ của Vietcombank chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, lãi suất bình quân đầu ra có thể giảm 0,2 – 0,3%/năm.

Là một trong những ngân hàng đầu tàu, Vietcombank sẽ khó tăng lãi suất để thực hiện định hướng giảm lãi suất của Chính phủ. Để cải thiện lãi suất bình quân, Vietcombank sẽ việc mở rộng danh mục cho vay cá nhân và tăng tỷ trọng này trên tổng danh mục cho vay để cải thiện biên lãi ròng (NIM), duy trì lợi nhuận.

Năm 2019, NIM của Vietcombank ở mức 3,1%, ở mức trung bình so với các ngân hàng trong hệ thống, nhưng cao hơn BIDV (2,6%) và Vietinbank (2,9%). Tuy nhiên, so với 2 ngân hàng đầu đàn này, tỷ lệ cho vay /huy động của Vietcombank thấp hơn nhiều, chỉ mới ở mức 73%, khi BIDV và Vietinbank xấp xỉ 90%.

Điều này cho thấy, cơ hội cải thiện NIM của Vietcombank là rất khả thi. Vietcombank vẫn có thể bù đắp lợi nhuận bằng cách tăng cho vay khi tỷ lệ cho vay/ huy động vốn khi tỷ lệ này mới chỉ ở mức 73% năm 2019, thấp hơn nhiều so với quy định là 85% của Ngân hàng Nhà nước.

BVSC: Dự kiến Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận tỷ USD năm 2020
​Biên lãi ròng (NIM) và tỷ lệ Cho vay/Huy động vốn (LDR) của một số ngân hàng năm 2019. Nguồn: BVSC.

Dù vậy, NIM của Vietcombank vẫn thua xa VPBank khi ngân hàng này có mức NIM lên tới 9,3% hay NIM của MBB là 4,9% năm 2019.

Để NIM không giảm, có thể Vietcombank sẽ nâng nâng tỷ trọng cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) lên để cải thiện NIM. Tính đến hết 2019, tỷ trọng cho vay cá nhân đạt 43% trên tổng dư nợ, nếu bao gồm cả cho vay SME thì tỷ trọng lên tới khoảng 55%. Vietcombank dự kiến tăng tỷ trọng này lên 60% trong tổng dư nợ năm 2020, theo ước tính của BVSC.

Khẩu vị rủi ro thận trọng, chất lượng tài sản tốt và việc tích cực trích lập dự phòng trong các năm vừa qua sẽ giúp cho Vietcombank tiết giảm được chi phí tín dụng và gia tăng khả năng chống sốc đối với các biến động bất lợi của kinh tế.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu (NPL) năm 2020 tăng lên 1% trong 2020 so với mức 0,8% năm 2019, do diễn biến kinh tế bất lợi do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng… Tỷ lệ nợ xấu này vẫn thấp hơn so với mức trung bình ngành là 1,89%, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố cuối năm 2019.

BVSC: Dự kiến Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận tỷ USD năm 2020
​Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của một số ngân hàng năm 2019. Nguồn: BVSC.

Giá cổ phiếu VCB khả quan bất chấp dịch Covid-19?

Giá mục tiêu cho cổ phiếu VCB của Vietcombank trong trung, dài hạn được điều chỉnh nhưng vẫn khá cao, khi BVSC ước tính ở mức 97.600 đồng/cổ phần dựa trên phương pháp Thu nhập thặng dư và giả định Vietcombank phát hành tăng vốn thành công (6,5% trong 2020), tương đương với P/B (Giá/Giá trị sổ sách) năm 2020 ở mức 3,2 lần.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 13/5, thị giá cổ phiếu VCB ở mức 75.500 đồng/cổ phiếu, giảm 17% so với hồi đầu năm 2020 (ngày 02/01 giá 90.800 đồng/cổ phiếu). Từ đầu năm đến nay, VCB đã lập đỉnh giá ở mức 94.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/01 và thiết lập đáy ở mức giá 57.200 đồng/cổ phiếu ngày 23/3.

Như vậy, sau gần tháng rưỡi , từ mức đáy, VCB đã hồi phục trở lại với mức giá tăng 32%. Đây cũng có thể là tín hiệu khả quan khi thanh khoản của VCB đã trở lại với mức giao dịch bình quân hơn 1 triệu cổ phiếu/ngày, thậm chí lên mức gần 4 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 8/5.

Năm 2019, Vietcombank chia cổ tức 8% bằng tiền mặt. Dự kiến mức cổ tức mà nhiều ngân hàng thực hiện cho cổ đông năm 2020 sẽ là cổ phiếu (theo Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước) và Vietcombank cũng vậy.

Nhưng điểm nhấn cho cổ phiếu VCB vẫn là dư địa tăng trưởng lợi nhuận còn nhiều cộng với khả năng chống sốc tốt với các diễn biến bất lợi của kinh tế, do đó triển vọng vẫn “Khả quan” cho cổ phiếu VCB (cần tính đến tình huống diễn biến kinh tế xấu hơn và Vietcombank không phát hành tăng vốn ngay trong 2020).

Ngoài ra, trong chi phí tín dụng của Vietcombank trong 2 năm (2018 và 2019) có khoản dự phòng rủi ro cho vay các tổ chức tín dụng khác (1.000 tỷ đồng trong 2018 và 2.000 tỷ đồng trong 2019). Luỹ kế đến cuối năm 2019, mức dự phòng này là 3.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% số dư cho vay tổ chức tín dụng khác, một mức bất hợp lý đối với cho vay liên ngân hàng thường là các khoản vay ngắn hạn và có mức độ rủi ro thấp, đặc biệt với khẩu vị rủi ro của Vietcombank.

BVSC cho rằng ngân hàng đã cố ý đưa thêm khoản trích lập này vào để giấu bớt lợi nhuận. Nếu loại bỏ chi phí này, Vietcombank sẽ ghi nhận thêm 3.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Với những yếu tố trên, BVSC dự báo thu nhập lãi của Vietcombank năm 2020 tăng 13% và NIM giữ nguyên ở mức 3,13% bằng với năm 2019, do được bù đắp bởi việc tăng cho vay dù sụt giảm về lãi suất đầu ra bình quân 0,2%/năm.

Doanh thu từ Banca (ngân hàng liên kết với bảo hiểm) đạt 1.000 tỷ đồng ngay trong năm 2020 giúp thu nhập ngoài lãi tăng 51%. Nếu ngoại trừ khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước thì thu nhập ngoài lãi tăng 35%.

Chi phí hoạt động của ngân hàng năm 2020 tăng 22% so với năm 2019 do Vietcombank đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân và Banca.

Chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 12% khi nợ xấu tăng lên mức 1% do diễn biến xấu của nền kinh tế từ dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tới khả năng chi trả của khách hàng.

Do đó, lợi nhuận trước thuế tăng 25% lên mức 28.944 tỷ đồng so với năm 2019. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) tăng 17% lên mức 3.932 đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả