BVS nói gì về trái phiếu Hưng Vượng Developer?
Trong bối cảnh trái phiếu HVDCH2123001 đã quá hạn hơn 1 năm, cuộc họp giữa Hưng Vượng Developer và các trái chủ vào tháng 7 tới đây được kỳ vọng sẽ đưa ra phương án hiệu quả để tổ chức phát hành có thể thanh toán nợ gốc và lãi cho trái chủ.
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã phát đi thông báo truy tìm đối với ông Lê Quốc Kỳ Quang (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, là Tổng giám đốc CTCP Hưng Vượng Developer). Bên cạnh đó, Công an cũng truy tìm 2 người khác gồm: ông Lương Văn Quang (Thành viên HĐQT Hưng Vượng Developer) và ông Hồ Quang Tâm.
Đây là động thái của Công an TP.HCM nhằm xác minh, điều tra đơn của nhiều người tố cáo hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Hưng Vượng Developer liên quan đến các cá nhân trên.
Liên quan đến thông tin này, trước đó vào ngày 5/6, CTCP In Sách giáo khoa Hòa Phát (HNX: HTP) thông tin về những sự kiện gần đây liên quan đến ông Lương Văn Quang - Chủ tịch HĐQT công ty và cũng là 1 trong 3 người trong danh sách truy tìm của Cơ quan CSĐT. HTP cho biết Chủ tịch HĐQT HTP hiện vẫn đang có mặt tại nơi cư trú và chưa nhận được bất cứ thông báo hoặc thư mời làm việc nào từ cơ quan điều tra. Ngoài ra, kể từ sau ngày 16/5/2024, ông Quang không còn nắm giữ bất cứ chức vụ nào tại công ty Hưng Vượng Developer và không còn liên quan.
Theo xác minh ban đầu của Công an TP.HCM, Hưng Vượng Developer vào ngày 6/7/2021 đã ban hành Nghị quyết số 0607/HVD-HĐQT về việc phát hành 6.000 trái phiếu mã HVDCH2123001, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu với tổng trị giá 600 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng kể từ ngày phát hành, ngày đáo hạn 2/2/2023, lãi suất 12%/năm.
Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tháng 3/2024), dù đã qua ngày đáo hạn hơn 1 năm, song công ty mới chỉ thanh toán 1,5 tỷ đồng trong tổng số 600 tỷ đồng tiền gốc. Cùng với đó, công ty mới trả 12,6 tỷ đồng trong hơn 34,7 tỷ đồng tiền lãi còn nợ.
Tài sản đảm bảo (TSĐB) của trái phiếu HVDCH2123001 ban đầu theo bản công bố thông tin từ Hưng Vượng Developer là 100% cổ phần CTCP Kim Mỹ Nghệ - chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (hay còn có tên gọi khác là dự án resort Hodota); quyền sử dụng 42 thửa đất tại dự án Hodota (giá định giá 801 tỷ đồng).
Dù vậy, theo BCTC quý I/2024, HTP cho biết tài sản thế chấp của lô trái phiếu này là 50% vốn CTCP Kim Mỹ Nghệ do ông Hồ Quang Tâm nắm, 11 quyền sử dụng đất của dự án Hodota (tỉnh Bình Thuận), và 9 triệu cổ phiếu HTP.
Bên thu xếp lô trái phiếu HVDCH2123001 là CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - chi nhánh TP.HCM. Cụ thể, chi nhánh này là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, kiêm đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán và chuyển nhượng.
Ngoài ra, BVSC cũng đóng vai trò tương tự tại lô trái phiếu HPCCH2122001 (tổng giá trị 250 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm) của Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát; DTCCH2122001 của CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến (500 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm). Đây đều là 2 tổ chức phát hành liên hệ đến HTP.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư BVSC chi nhánh TP.HCM (đơn vị trực tiếp thu xếp cho lô trái phiếu của Hưng Vượng Developer) cho biết BVSC luôn thường xuyên làm việc và yêu cầu các bên liên quan có hướng xử lý đảm bảo quyền lợi cho trái chủ. Phía Hưng Vượng Developer đã từng gia hạn thanh toán các khoản lãi trái phiếu, và cũng đưa ra lộ trình trả khoản lãi còn nợ, nhưng sau đó tổ chức phát hành này không thể thanh toán do chưa thu xếp được nguồn vốn.
Đối với khả năng xử lý TSĐB để trả nợ cho trái chủ, ông Khánh nói: "Về kỹ thuật, dự án Hodota là TSĐB cho lô trái phiếu của Hưng Vượng Developer, để Vietcombank có thể quản lý TSĐB thì TCPH phải thế chấp dự án tại nhà băng này. Theo chia sẻ từ Vietcombank, dù một số thổ đất thuộc Hodota còn vướng mắc và chưa thế chấp do không có phân ranh của tỉnh, song phương án xử lý mà TCPH đưa ra dự kiến là bán đấu giá, hoặc bán thỏa thuận. Tuy vậy, tôi nghĩ hướng bán thỏa thuận khá khó bởi dự án này đã được thế chấp tại ngân hàng”.
Trong khi đó, việc xử lý TSĐB ở lô 9 triệu cổ phiếu HTP có phần phức tạp hơn. Ông Khánh cho biết đây là tài sản thuộc bên thứ ba, do vậy sẽ khó có thể bán số TSĐB này qua sàn chứng khoán nếu không được bên thứ ba nêu trên chấp thuận.
Quan trọng hơn, ông Khánh nhấn mạnh các phương án xử lý vẫn cần phải được các trái chủ tại hội nghị người sở hữu trái phiếu thông qua. "Hôm vừa rồi, phía Hưng Vượng Developer đã gửi các trái chủ lịch họp vào Thứ Sáu (tức ngày 14/6 - PV), tuy nhiên theo chia sẻ từ trái chủ thì lịch họp gia hạn đến ngày 5/7/2024. Đây không phải hội nghị người sở hữu trái phiếu trái phiếu, mà là cuộc họp phía Hưng Vượng Developer đưa ra các phương hướng giải quyết", ông Khánh chia sẻ.
Hưng Vượng Developer “hạch toán” nhầm lô trái phiếu?
Trên BCTC quý I/2024, HTP hạch toán phần 79,2 tỷ đồng trái phiếu HVDCH2123001 thuộc trái phiếu dài hạn. Điều này do vào ngày 31/12/2022, 1 trái chủ đã chấp thuận không yêu cầu nhóm CTCP In Sách Giáo Khoa Hòa Phát (HNX: HTP) – Hưng Vượng Developer thanh toán khoản trái phiếu với số tiền gốc 79,2 tỷ đồng kể trên và số tiền lãi gần 4,8 tỷ đồng theo thời hạn ban đầu và đồng ý điều chỉnh ngày đáo hạn tới 2/2/2025.
Phần còn lại gần 515,8 tỷ đồng được hạch toán là “trái phiếu đến hạn trả” dù lô trái phiếu đã đáo hạn được hơn 1 năm. Nhiều khả năng các đại diện nắm giữ phần trái phiếu này chưa đồng ý gia hạn lô trái phiếu này.
Trước đó, tại BCTC năm 2022, HTP cho biết tại Hội nghị trái chủ (tổ chức vào ngày 10/3/2023), đại diện trái chủ nắm giữ phần trái phiếu kể trên mới chỉ đồng ý gia hạn thời gian hoàn trả lãi gần 30,2 tỷ đồng trái phiếu tới trước ngày 30/6/2023. Các nội dung khác sẽ được thống nhất tại cuộc họp trái chủ diễn ra vào ngày 5/5/2023.
Theo ông Khánh, việc 1 trái chủ đạt thỏa thuận riêng với TCPH cũng chỉ mang tính chất giữa người đó và TCPH. Để trái phiếu được gia hạn thì phải được các trái chủ còn lại đồng ý, và phải có Nghị quyết trái chủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận