Bứt phá mạnh trong năm 2020, đà tăng trưởng của Công trình Viettel (CTR) còn tiếp diễn?
Năm 2020, Công trình Viettel (UPCoM: CTR) là một trong những midcap có sự phục hồi ấn tượng nhất kể từ đáy khi tăng hơn 3 lần lên 69,800 đồng/cp. Cùng với xu hướng bứt phá của thị trường, CTR đã có thời điểm tăng mạnh vượt mốc 100,000 đồng/cp trong giai đoạn đầu năm 2021.
Tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021
Đà bứt phá của CTR đến từ nền tảng hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, CTR vẫn đạt doanh thu 6,360 tỷ đồng, tăng gần 25% và lợi nhuận sau thuế 273.73 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Trong quý 1 vừa qua, hoạt động kinh doanh CTR tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 1,750 tỷ đồng, tăng 27% và lợi nhuận sau thuế 71.6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, CTR đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 6,600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng. Theo ông Phạm Đình Trường – TGĐ CTR, công ty tự tin sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh đề ra. Thậm chí trong điều kiện thuận lợi, doanh thu CTR năm 2021 có thể cán mốc 8,000 tỷ đồng.
Trước đây, CTR là doanh nghiệp thuần hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, vận hành hạ tầng viễn thông. Với lợi thế 10,000 nhân sự, trải khắp 63 tỉnh thành và các thị trường quốc tế mà Viettel đầu tư, trong những năm gần đây, CTR đã mở rộng hoạt động kinh doanh mới với 5 trụ lĩnh vực, bao gồm: Đầu tư hạ tầng; Xây dựng (Xây dựng hạ tầng viễn thông, Xây dựng dân dụng B2B và B2C), Công nghệ thông tin, Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.
Tại ĐHĐCĐ mới diễn ra, lãnh đạo CTR cho biết sẽ đầu tư khoảng 2,000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng cho thuê năm 2021. Một điểm đáng chú ý, lĩnh vực hạ tầng cho thuê đang có tỷ suất lợi nhuận lớn nhất trong cơ cấu kinh doanh của CTR với biên lãi gộp khoảng 33%. Trong thời gian tới, CTR kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ dùng chung trạm BTS, từ đó giúp cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh đầy tiềm năng này.
Xây dựng dân dụng B2B và B2C là mảng CTR có thể bứt phá dễ dàng trong năm 2021. Cụ thể đối với mảng B2B, CTR đang chủ thầu xây dựng nhiều dự án lớn từ các Tập đoàn như: Trung Nam, VFI, FLC,… Với nguồn lực tài chính mạnh, năng lực thi công tốt, giấy cấp phép xây dựng nhà ở lên đến 30 tầng giúp CTR có nhiều thế mạnh. Bên cạnh đó, mảng B2C cũng có lợi thế bởi chính sách bảo hành ngôi nhà, giá nhập nguyên vật liệu và khâu lắp đặt các thiết bị. Việc tiếp cận các hộ gia đình có nhu cầu xây nhà đến cấp huyện/xã sẽ sớm mang lại quả ngọt cho CTR, đây là truyền thống lấy nông thôn vây thành thị của thương hiệu Viettel thành công trước giờ. Theo dự kiến, mảng xây dựng dân dụng của CTR sẽ mang về doanh thu hơn 1,000 tỷ đồng trong năm 2021.
Một mảng kinh doanh mới mà CTR đang triển khai là Công nghệ thông tin. CTR sẽ hướng đến tư vấn các sản phẩm, quy trình chuyển đổi số các hộ kinh doanh và cá thể. Đây là thị trường rất lớn khi nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số ngày càng nhiều tại khắp các Tỉnh thành.
Với Giải pháp tích hợp, dù mới ra mắt vào cuối năm 2019 nhưng đã đóng góp lớn vào hoạt động kinh doanh của CTR. Trong năm 2020, Giải pháp tích hợp mang về doanh thu hơn 1,300 tỷ đồng cho CTR, gấp 2.2 lần năm trước.
Lĩnh vực Giải pháp tích hợp của CTR tập trung vào các Giải pháp ICT, cơ điện (ME), Smart Solutions, năng lượng mặt trời. Ước tính tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2020-2025 của mảng Giải pháp tích hợp sẽ ở mức 35%/năm.
Nhờ sở hữu nguồn nhân lực đông trên cả nước, CTR đã coi điện mặt trời áp mái là ngành mũi nhọn trong chiến lược giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp năng lượng tái tạo, M&E, CTR cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thuộc nhóm giải pháp ICT, Smart City như camera an ninh, đèn cao áp thông minh hay các sản phẩm nhà thông minh. Đây là thị trường có nhu cầu lớn trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Bên cạnh đó, nghị định 10/2020 cũng mang đến cơ hội tăng trưởng cho CTR từ giải pháp lắp camera cho xe khách và ô tô đầu kéo.
Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCSC), mối quan hệ của CTR với Viettel đem lại vị thế thuận lợi so với các đối thủ tư nhân trong các thị trường được quản lý bởi Nhà nước như năng lượng và thành phố thông minh. Việc Việt Nam ứng dựng còn thấp các giải pháp thành phố thông minh như hệ thống camera giám sát và đèn đường thông minh cho thấy cơ hội tăng trưởng lớn cho mảng Giải pháp tích hợp của CTR.
Trong khi đó, lĩnh vực lõi chủ lực của CTR là Vận hành khai thác viễn thông cũng phản ánh sự bền vững và tăng trưởng tích cực. Khối lượng công việc ngày một tăng lên thông qua các hợp đồng hợp tác với CMC, MobiFone, Bộ Công An,… đều là các đối tác lớn ngoài Tập đoàn.
Trong năm 2021, CTR chính thức bổ sung mảng dịch vụ Home Care (bảo dưỡng thiết bị gia đình), Solar Care (bảo dưỡng pin mặt trời), IT Support (hỗ trợ kỹ thuật các thiết bị công nghệ thông tin) vào mảng Vận hành khai thác. Trước bối cảnh thị trường chưa có doanh nghiệp tầm cỡ nào đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trên, sự xuất hiện của CTR là hướng sáng để thị trường giờ đây chỉ cần lưu một số hotline duy nhất.
Thông qua chiến lược kinh doanh và hoạt động mở rộng trong 5 năm trở lại đây của CTR phản ánh chiến lược hướng đến hệ sinh thái số khép kín toàn trình, đáp ứng đa nhu cầu cùng một lúc của phân khúc B2B và B2C trên thị trường.
Chi trả cổ tức đều đặn, lên kế hoạch chuyển sàn HOSE
Tại ĐHĐCĐ năm 2021, CTR đã thông qua phương án chuyển sàn niêm yết HOSE. Đây là bước ngoặt lớn với CTR sau 3 năm giao dịch trên sàn UPCoM và được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các tổ chức lớn bởi những ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp là gần như duy nhất trên sàn chứng khoán.
Cùng với câu chuyện chuyển sàn, CTR cũng là doanh nghiệp hấp dẫn giới đầu tư khi chi trả cổ tức đều qua các năm. ĐHĐCĐ năm 2021 đã thông qua chia cổ tức và phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tổng tỷ lệ 39.5%. Trong đó, cổ tức tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là 29,5% (Từ nguồn LNST 22.7%, từ nguồn Quỹ ĐTPT là 6.8%). Tỷ lệ chi trả và phát hành cho cổ đông hiện hữu trên cũng là cao nhất trong lịch sử cổ tức đều đặn của CTR. Năm 2020, CTR đã chi trả cổ tức tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu trả cổ tức 16%.
Theo đánh giá của giới đầu tư, việc tăng chia thưởng bằng cổ phiếu sẽ giúp cải thiện thanh khoản CTR, gia tăng khả năng tiếp cận của các quỹ đầu tư sau khi chuyển sàn HOSE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận