Bùng phát chợ bán vàng online thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội
Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, sản phẩm vàng nhẫn giá chưa đến 300.000 đồng/chỉ được rao bán tràn lan. Theo chuyên gia, sản phẩm có giá quá chênh lệch so với thị trường thì rõ ràng chất lượng sẽ không đảm bảo.
Thật - giả lẫn lộn
Hiện nay, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn rất lớn, nhưng việc mua được vàng lại có nhiều khó khăn tại các kênh bán vàng chính thống. Chính vì vậy, nhiều người đã tìm cách mua - bán vàng qua các kênh khác như: Sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, TikTok...
Theo ghi nhận của Lao Động, những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều nhóm kín lẫn công khai về trao đổi, sang tay vàng bạc, đá quý. Qua tìm hiểu, các nhóm này hoạt động khá nhộn nhịp, trạng thái đăng tải mua-bán vàng bạc, đá quý đa dạng và liên tục nhận được bình luận của các thành viên.
Tại nhóm “Mua Bán, Giao Dịch Vàng Miếng SJC” trên mạng xã hội Facebook với hơn 19.600 thành viên, thông tin liên quan đến việc mua - bán trao đổi vàng nhận được nhiều tương tác. Một tài khoản ẩn danh đã đăng tải trạng thái: “Mua 10 lượng vàng 896 tại Thanh Xuân, ai có thì em nhắn tin riêng”, ngay lập tức có những bình luận phản hồi như: “Nhắn tin riêng nhé, cần hàng là sẽ có”, “giao dịch trực tiếp, uy tín 100%”...
Ở chiều bán, trên mạng xã hội Tiktok, vàng nhẫn giả được rao bán tràn lan với đủ loại giá chỉ từ vài chục nghìn tới chưa đến 300.000 đồng/chỉ.
Trong vai một khách hàng cần mua 1 chỉ vàng nhẫn tròn trơn, PV được nick Tiktok có tên Kim Bảo Lộc giới thiệu "Bản nhẫn 1 chỉ thiết kế truyền thống cho nam nữ" có giá 339.000 đồng. Khi PV thắc mắc về độ chuẩn của vàng, người này khẳng định: "Trong nhẫn vẫn có vàng, nhưng lượng vàng chỉ ở mức tương đối. Những phần còn lại của nhẫn bên em làm không có gì khác so với vàng thật".
Vàng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Tiktok. Ảnh: Hương Nha
Nguy cơ mua bán phải vàng giả, vàng nhái
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 18 thuộc Cục QLTT TPHCM vừa liên tiếp phát hiện, kiểm tra và thu giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu được chào bán trên các trang mạng xã hội. Tính riêng trên địa bàn huyện Hóc Môn, lực lượng chức năng đã xử phạt số tiền gần 350 triệu đồng, tịch thu số hàng hóa trị giá hơn 210 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 60 triệu đồng.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), hiện nay, việc kinh doanh vàng cần phải có giấy phép và đáp ứng những điều kiện khắt khe. Các cửa hàng kinh doanh vàng không có giấy phép mua bán vàng nếu phát hiện ra sẽ bị xử lý rất nặng nhưng vẫn bất chấp làm vì lợi nhuận và biến động giá tăng mạnh.
Hoạt động này có nét tương đồng với việc mua bán trái phép USD, vì vậy họ làm chui mà không dám công khai, minh bạch. Ngoài người bán, người mua sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn như việc có thể bị tịch thu toàn bộ số vàng hay xử phạt nặng nếu bị phát hiện.
"Các nhà buôn vàng không được cấp phép thường tạo ra các mức giá chênh lệch để người dân cảm thấy có lợi khi mua vàng miếng tại các cơ sở này. Nhưng thực tế, việc mua bán vàng bên ngoài như vậy ẩn chứa không ít rủi ro, thiếu an toàn, tưởng lãi mà hóa lỗ. Đặc biệt, nếu không cẩn thận thì có thể mua bán phải vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng" - ông Long nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận