Bùng nổ năng lượng tái tạo: Nhập khẩu 90% thiết bị, Việt Nam mơ ‘đi sau, về trước’
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, nếu không tăng được tỷ lệ nội địa hoá ở các ngành mới trong đó có năng lượng tái tạo thì Việt Nam khó có thể có bước tiến đột phá để “đi sau, về trước”.
Vẫn phụ thuộc nước ngoài
Theo một nghiên cứu của World Bank, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào ở nước ta thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực. Trong khi 80 - 90% các doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan sử dụng đầu vào trong nước thì chỉ có khoảng 2/3 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam làm như vậy.
Hệ quả cuối cùng là sự lan tỏa của doanh nghiệp FDI ở nước ta không cao, doanh nghiệp trong nước ít tham gia và tham gia không sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, nhiều chuyên gia cho rằng nếu công nghệ vẫn phụ thuộc vào nước ngoài thì Việt Nam sẽ khó có thể "đi sau, về trước" bứt phá trong những lĩnh vực mới. Đồng thời, khả năng giảm giá thành năng lượng tái tạo không nhiều và sức cạnh tranh trong ngành cũng không cao.
Trước kia Việt Nam chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp thâm dụng lao động nhờ lợi thế nhân công giá rẻ hay đất đai thì hiện nay Việt Nam có nhiều yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mới.
FDI vào Việt Nam ở các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo hay sắp tới là ngành bán dẫn đang ngày càng gia tăng song Việt Nam vẫn chưa nâng cao được tỷ lệ nội địa hoá.
Nhìn vào lĩnh vực mới những thiết bị sản xuất điện mặt trời, điện gió, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE), Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, trong giai đoạn đầu năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới nên phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài là điều bình thường.
Tuy nhiên khi Việt Nam đã có thị trường lớn, Chính phủ hoàn toàn có thể đưa ra các quy định mới để làm sao vừa thúc đẩy phát triển thị trường, vừa tạo cơ hội sân chơi cho các nhà sản xuất nội địa.
Với thị trường hấp dẫn như ở Việt Nam, yêu cầu này có thể vẫn khả thi để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, bà Mai cho rằng, Việt Nam nắm giữ những lợi thế rất quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi có ưu thế khí hậu, đường bờ biển dài, công suất nắng, gió lớn.
Việt Nam hiện chiếm 69% tổng sản lượng điện mặt trời, điện gió của ASEAN vào năm 2022, theo nghiên cứu của Ember, tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng (phi lợi nhuận và độc lập) của Anh. Năm 2022, tổng sản lượng điện mặt trời và năng lượng gió ở Đông Nam Á đạt hơn 50 TWh vào năm ngoái. Trong đó, Việt Nam được xác định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo của khu vực khi chiếm gần 70% tiềm năng.
Việt Nam có nền chính trị xã hội ổn định, đây là yếu tố đầu tiên để các tập đoàn điện mặt trời, điện gió quốc tế tham gia đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành những cơ chế chính sách cho các lĩnh vực này. Tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 5GW và điện mặt trời là 20GW cũng không hề nhỏ tạo ra một thị trường dịch vụ, nhân công đi kèm. Điều này tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường, bà phân tích.
Đại diện GIZ cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy thị trường nội địa hóa, tỷ lệ sẽ tăng từ 45% lên gần 80% đối với điện mặt trời, từ 37% lên 55% đối với điện gió, vào năm 2050. Giá trị nội địa hóa có thể đạt tới 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường.
Song thực tế hiện nay vai trò của các doanh nghiệp nội địa lại khá mờ nhạt, với lĩnh vực điện gió trên bờ hiện Việt Nam không có nhà máy sản xuất nacelle, hub và cánh quạt, chưa sản xuất được cáp ngầm biển. Theo thống kê, dự án năng lượng tái tạo vẫn nhập khẩu 90% thiết bị.
Việc chậm nội địa hóa do thiếu năng lực đánh giá, cơ sở hạ tầng bên cạnh năng lực công nghệ, trình độ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ công nghiệp cho điện tái tạo còn thiếu.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Indonesia, ông Fabby Tuwina, Giám đốc điều hành Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu Indonesia (IESR) cho biết tại quốc gia này, điện mặt trời tăng trưởng theo cấp số nhân. Tính đến cuối năm 2023, công suất điện mặt trời của Indonesia dự kiến đạt khoảng 0,8 đến 1 GWp. Indonesia cũng đặt mục tiêu nội địa hóa trong phát triển pin mặt trời đạt 40% đến năm 2030.
Gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách
Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu ASEAN về tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo và phát triển dự án. Nhưng nếu không tăng được tỷ lệ nội địa hoá, nền sản xuất sẽ lại một lần nữa bị phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài giống như những câu chuyện của ngành ô tô hay điện tử.
Chia sẻ về bài học gia tăng tỷ lệ nội địa hoá của Trung Quốc, vị chuyên gia từ GIZ cho biết, trong giai đoạn đầu, Đức là quốc gia tiên phong trong phát triển điện mặt trời. Sau đó, Trung Quốc đã liên kết với Đức để hợp tác cùng phát triển hệ thống năng lượng mặt trời nhưng điều kiện đặt ra là Đức phải chuyển giao một phần công nghệ.
Tương tự với điện gió, khi các nhà sản xuất turbine gió châu Âu đến Trung Quốc, nước này cũng yêu cầu họ cần đáp ứng hàm lượng nội địa hoá, chuyển giao công nghệ nhất định.
Nhờ đó, Trung Quốc phát triển rất nhanh và vươn lên số một trong lĩnh vực điện mặt trời trên thế giới. Hiện nay, GoldWind một tập đoàn sản xuất điện gió của Trung Quốc đã chiếm tổng công suất lắp đặt đứng thứ hai thị phần toàn cầu.
Trong một giai đoạn rất ngắn, Trung Quốc có thể làm được điều đó vì họ có những chính sách khuyến khích nội địa hoá rất tốt. Đây là bài học với Việt Nam, để “đi sau, về trước” trong đó cần đặt ra điều kiện đặt ra với các nhà công nghệ năng lượng tái tạo nắm giữ công nghệ hàng đầu, bà đánh giá.
Bên cạnh đó, để hấp thụ được công nghệ từ khu vực FDI, doanh nghiệp cũng cần cần tiếp tục đánh giá năng lực của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị điện gió và điện mặt trời, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng,... để tối đa nội địa hóa”, bà Mai nhấn mạnh.
Từ thực thế, ông Đinh Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ba Son, một trong những doanh nghiệp nội địa đầu tiên tham gia sản xuất trụ turbine gió, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng những cơ hội để sản xuất các công đoạn bán thành phẩm cho đối tác năng lượng tái tạo nước ngoài.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là cơ chế chính sách và đơn giá. Nếu không nắm được công nghệ giá thành sản phẩm sẽ cao khiến sức cạnh tranh thấp. Việt Nam là “người đi sau” nên cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ trong việc chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền mới, hiện đại.
Chỉ có như vậy mới giảm được giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Tuân nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường