Bỗng dưng được chuyển khoản “nhầm” rồi bị đòi nợ, phải làm thế nào?
Thời gian gần đây, một số trường hợp người dân được chuyển khoản nhầm một số tiền, sau đó có người gọi điện, nhắn tin đến đòi nợ.
Một số đối tượng dùng chiêu thức "chuyển khoản nhầm" để lừa đảo
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện dạng lừa đảo “chuyển nhầm tiền”, nhắm vào những người nhẹ dạ, cả tin. Sau khi nắm được thông tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ cố tình chuyển nhầm một khoản tiền cho “con mồi”. Kẻ lừa đảo sẽ đóng vai nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính, thúc ép nạn nhân trả tiền kèm thêm khoản lãi “cắt cổ”.
Như trường hợp của chị N.T.A (Ba Đình, Hà Nội), chị A. bỗng nhiên nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng với nội dung đính kèm khó hiểu. Cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân số tiền vay.
Theo cách nói của họ, chị A. trở thành một người vay nợ. Nhưng chị A. tự thấy mình không thực hiện bất cứ thủ tục vay nợ nào trên mạng.
Những ngày sau đó, đối tượng chuyển "nhầm" tiền liên tục nhắn tin qua lại, với nội dung hăm dọa đòi lại số tiền cùng với lãi.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Hà Thị Son (Công ty luật Sen Vàng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Nếu bỗng dưng nhận được tiền từ người khác mà không có thỏa thuận thì thuộc trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và phải có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền cho chủ tài sản”.
Theo khoản 1 Điều 597 bộ Luật Dân sự 2015: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 BLDS 2015”.
Hành vi chuyển tiền nhầm sau đó hăm dọa đòi nợ người khác là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự và có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.
Khi thấy dấu hiệu bất thường thì phối hợp với cơ quan công an, ngân hàng
Theo luật sư Hà Thị Son, khi bị người khác chuyển nhầm tiền đến tài khoản của mình và hăm dọa đòi nợ thì người dân cần đến cơ quan công an trình báo, đề nghị điều tra, xác minh, xử lý hành vi theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngân hàng để làm các thủ tục theo hướng dẫn của cơ quan công an nhằm mục đích hoàn trả số tiền và xử lý các hành vi hăm dọa, đòi nợ vô căn cứ.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, người dân khi bị rơi vào hoàn cảnh này thì cần thực hiện các bước sau đây:
Thứ nhất, không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.
Nếu là khoản tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Còn đối với số tiền lớn thì chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh. Hoặc người dân có thể liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.
Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, bạn cần kiểm tra xem đó có đúng là số của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Đặc biệt, không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả họ có tự xưng là bạn bè nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận