24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thục Quyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bốn vấn đề đặt ra từ việc tăng giá điện

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ bình quân chính thức tăng thêm 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (c

Như vậy, sau 4 năm "ghìm giá" điện - lần tăng gần nhất vào hồi tháng 3/2019, đến nay mức giá mới được điều chỉnh. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, đương nhiên không ai muốn tăng giá, song chúng ta đều hiểu, việc giá điện tăng là không tránh khỏi.

Năm 2022, EVN thua lỗ 26.235,78 tỷ đồng trong bối cảnh giá đầu vào tăng vọt. Khoản lỗ này còn chưa tính đến 14.700 tỷ đồng khoản tiền chênh lệch tỷ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Với tình hình thua lỗ như vậy, muốn không tăng giá điện cũng khó!

Vấn đề là tăng 3% đã phù hợp hay chưa và sẽ có tác động như thế nào đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đã tính toán như sau: Mức tăng 3% của giá điện bán lẻ bình quân sẽ tác động trực tiếp (vòng 1) làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,099%, đồng thời tác động gián tiếp (vòng 2) khoảng 0,18%. Nếu tính tác động đến giá thành các nhà sản xuất sử dụng điện nhiều thì giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,18%, giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy khoảng 0,4%.

Đối với người tiêu dùng, phía EVN cho biết, với những hộ gia đình sử dụng 500kWh thì số tiền tăng thêm khoảng 36.000 đồng còn bình quân 200kWh, số tiền tăng là 11.100 đồng.

Nhìn vào con số thì thấy rằng, mức tác động của đợt tăng giá điện lần này lên lạm phát là không quá lớn. Tuy nhiên, việc tăng giá điện đặt ra bốn vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, cần cảnh giác với tình trạng "té nước theo mưa". Việc tăng giá điện (rồi tới đây là điều chỉnh lương), hóa đơn chưa rõ sẽ biến động thế nào nhưng mới ra ngõ đã thấy ì xèo, từ bà bán thịt đến cô bán rau đều được thể "kêu khó".

Chính vì vậy, sau khi tăng giá điện, điều mà các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm là ổn định "tâm lý thị trường", theo dõi yếu tố cấu thành giá đối với những mặt hàng do Nhà nước định giá để có điều chỉnh phù hợp, đối phó với "lạm phát tâm lý".

Thứ hai, minh bạch cấu thành giá điện. Mức tăng 3% theo đánh giá của nhiều chuyên gia là thấp trong bối cảnh chi phí mua điện tăng cao (giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân 34,7-46,4%; giá than nhập khẩu cũng tăng mạnh; giá khí thị trường bình quân tăng 27,4% so với bình quân năm 2021).

Lãnh đạo EVN cho biết, với mức tăng 3%, doanh thu 8 tháng cuối năm 2023 của EVN sẽ tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng. Như vậy, việc tăng giá điện như hiện tại về kỹ thuật cũng chỉ giúp EVN giảm bớt khó khăn, còn liệu có thoát lỗ hay không, xử lý thế nào với khoản lỗ "tỷ đô" đang treo… là bài toán khó. Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương hồi đầu năm, EVN đã tính toán tổng lỗ sản xuất kinh doanh 2 năm 2022 và 2023 lên tới 93.817 tỷ đồng. Vì vậy, nếu chi phí mua điện trong năm 2023 không hạ nhiệt thì giá điện trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục tăng?.

Một số người đặt câu hỏi: Vì sao giá điện bán lẻ bình quân chỉ tăng mà không giảm? Thực tế thì trong năm 2021 (năm EVN lãi kỷ lục), doanh nghiệp này cũng đã nhiều lần giảm tiền điện, giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Người viết cho rằng, những "ấm ức" của người tiêu dùng, những mối băn khoăn của họ có lẽ xuất phát từ việc chưa tiếp cận được (hoặc không có điều kiện để tiếp cận dễ dàng) các chi phí đầu vào cấu thành nên giá điện, thậm chí họ hoài nghi về số liệu được cung cấp (dù đã có kiểm toán).

Ví như EVN lỗ nặng như thế nhưng vì sao các doanh nghiệp điện niêm yết trên sàn lại có lãi? Có chuyện "lậm" tính khấu hao của các nhà máy đã hết thời hạn khấu hao vào giá thành hay không, có nghi vấn chuyển giá trong hệ sinh thái ngành điện không? Thiết nghĩ, EVN và các đơn vị liên quan nên làm rõ. Bởi, đã là người tiêu dùng, họ bao giờ cũng đòi hỏi sự rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng.

Bốn vấn đề đặt ra từ việc tăng giá điện

Thứ ba, việc giá điện bình quân bán cho doanh nghiệp sản xuất thấp hơn giá bán điện bình quân cho các hộ gia đình cũng khiến nhiều người băn khoăn. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, liệu có gia đình nào không dùng điện? Điện là một mặt hàng gắn với nhu cầu hàng ngày, thường trực, vậy việc để các hộ gia đình phải "bù" giá cho các đơn vị sản xuất, liệu có hợp lý không? Đó là chưa kể có những ngành sản xuất rất hao tốn điện và gây ô nhiễm cho môi trường, hệ quả người dân đều phải "gánh".

Thu hút FDI là cần thiết, song quan điểm cần thay đổi theo hướng thu hút FDI chất lượng cao, đồng nghĩa với việc không nên dùng giá điện rẻ, ưu đãi nhằm kéo vốn đầu tư vào những lĩnh vực thâm dụng điện năng, mang lại ít lợi ích và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Thứ tư, cơ chế giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc như hiện nay cũng bị đánh giá là bất cập và lạc hậu. Đành rằng trong bối cảnh nguồn cung điện có hạn và nhiều khó khăn, điện không phải là mặt hàng khuyến khích sử dụng, tuy nhiên, để 6 bậc thang giá điện như hiện tại khiến việc tính giá trở nên rối rắm và ít mang tính hỗ trợ người thu nhập thấp.

Bậc đầu tiên chỉ từ 0-50 kWh, bậc thứ 2 là 51-100 kWh, vậy thực sự có bao nhiêu hộ dân đang sử dụng trong mức này và được hưởng giá thấp? Hồi năm ngoái, Bộ Công Thương đề xuất, lấy ý kiến về biểu giá điện sinh hoạt còn 4 hoặc 5 bậc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới.

Còn đến bao giờ người dân mới hết hoài nghi, băn khoăn, có lẽ phải chờ đến khi thị trường điện bán lẻ cạnh tranh thực sự vận hành (mà lẽ ra vận hành từ năm 2023 này), người tiêu dùng cuối có quyền lựa chọn mua điện từ nhiều đơn vị bán buôn điện khác nhau.

Trong thị trường bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện sẽ thỏa thuận, thống nhất về giá điện. Nhà nước chỉ quy định về biểu giá điện đối với các đối tượng khách hàng không tham gia mua điện trên thị trường. Đơn vị quản lý lưới phân phối điện sẽ đóng vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện cho các bên tham gia thị trường (đơn vị bán lẻ, khách hàng sử dụng điện). Từ nay đến đó còn phải làm rất nhiều việc, phải tách bạch hoạt động/chi phí khâu phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) và khâu kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh); sửa đổi Luật Điện lực, Luật Giá để hoàn thiện các quy định về giá phân phối điện, cũng như các văn bản hướng dẫn dưới luật để có cơ sở pháp lý định giá phân phối điện áp dụng cho các đơn vị sử dụng dịch vụ lưới điện phân phối.

Có thể, khi thực sự có cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện, giá điện sẽ tăng hoặc giảm (chứ chưa thể khẳng định rẻ hay đắt) nhưng người dân có sự lựa chọn nguồn cung, lời ra tiếng vào sẽ ít đi.

Tại thời điểm này, việc giá điện tăng 3% ngay đầu mùa hè, mức tăng không nhiều nhưng có lẽ cũng là một sự nhắc nhở để người dân dùng điện một cách tiết kiệm hơn. Giữa tăng giá điện và không có điện để dùng, phải cắt điện luân phiên thì… ai cũng chọn có điện thôi!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả