“Bơm” tiền quá mức, gây "đau đớn" cho nền kinh tế trong dài hạn
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng sẽ dẫn tới “đau đớn” cho nền kinh tế trong dài hạn.
Chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tính đến 7/10 tăng 7,42% so với đầy năm và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại trong quý III/2021 do thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn duy trì tương đương với tốc độ trước đại dịch. Điều này cho thấy, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cung cấp vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Lũy kế từ 23/1/2020 đến hết tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay mới trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn so với trước dịch. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
SSI kỳ vọng chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế. (ảNH: BDT)
Cũng kể từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo xu hướng nới lỏng. Đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong 9 tháng đầu năm, với mức giảm 0,6 – 0,7%/năm và lãi suất huy động cũng duy trì ở mức thấp.
Do đó, trong báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán SSI, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý này.
"Bơm" tiền quá mức, gây đau đớn cho nền kinh tế trong dài hạn
Thừa nhận, trong thời gian qua các ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thời gian qua bằng các chính sách như hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại nếu chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng sẽ dẫn tới "đau đớn" cho nền kinh tế trong dài hạn.
Tại buổi trao đổi "Đánh giá tình trạng kinh tế Việt Nam 2021 và dự báo những rủi ro trong năm 2022", TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho biết, việc thực hiện chính sách tiền tệ cần có sự thích ứng trong bối cảnh hiện nay, nghĩa là đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, đi kèm với các biện pháp kiểm soát rủi ro vừa phải.
"Không nên thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng cũng không nên nới lỏng quá mức, bởi nếu cung tiền tăng mạnh vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lên cao, buộc Ngân hàng Nhà nước sớm tăng lãi suất, gây đau đớn cho nền kinh tế trong dài hạn. Một giá đắt cho nền kinh tế. Mặc dù hiện nay, theo quan sát của tôi hiện tượng giá tăng chưa nhiều, thậm chí nhiều lĩnh vực còn đang mất sức mua nhưng dù sao chúng ta vẫn phải lưu ý với điều hành chính sách tiền tệ", ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo PGS, TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô; Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sức ép từ lạm phát, giá cả khiến cho dư địa của chính sách tiền tệ hẹp lại.
Ông Phạm Thế Anh phân tích, chỉ số CPI theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tăng chỉ khoảng 1,8%, trong 9 tháng đầu năm quan – con số rất thấp, nhưng khi nhìn vào chỉ số GDP deflator (chỉ số điều chỉnh GDP) tăng tới 23%. Điều đó thể hiện sự phân kỳ giữa 2 chỉ số, mức chênh lệch lên tới 10 lần, trong khi đó CPI và GDP deflator thông thường thường song hành cùng nhau.
Sở dĩ có sự phân kỳ như vậy, theo ông Phạm Thế Anh là do CPI tính toán giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng, mà thời gian vừa qua chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, GDP deflator đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, nên phản ánh chính xác thực trạng giá cả trong nền kinh tế.
Do đó, không trước thì sau, giá sản xuất cuối cùng cũng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng khi doanh nghiệp chuyển gánh nặng tăng giá nguyên vật liệu lên vai người tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nguy cơ lạm phát tương đối lớn – theo vị chuyên gia này. Chưa kể, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, giá cả có khả năng tăng vọt dù sức mua không lớn.
Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, nguy cơ bong bóng tài sản tiếp tục phình to làm mất cân đối lớn trong nền kinh tế. (Ảnh: BID)
Ngoài ra, trên thị trường, bong bóng tài sản đã xảy ra, điển hình là giá cả đất đai từ năm ngoái đến năm nay tăng gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, nguy cơ bong bóng tài sản tiếp tục phình to làm mất cân đối lớn trong nền kinh tế.
Hay nói cách khác, nếu Ngân hàng Nhà nước nhận thức được vấn đề sức ép giá tiêu dùng, nguy cơ bong bóng tài sản phình to, thì sẽ không mở rộng tiền tệ và mức cung tiền trong nền kinh tế cũng phải hạn chế lại trong năm nay, khả năng hạ lãi suất tiếp gần như là không có trong năm nay.
"Quan điểm của tôi là chính sách tiền tệ không thu hẹp nhưng cần điều hành thận trọng và kiểm soát chặt chẽ trong nới lỏng", PGS.TS.Phạm Thế Anh thông tin thêm.
Về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, nếu hôm nay dễ dãi sẽ trả giá đắt trong tương lai, nên quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động và linh hoạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận