BoJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, đồng yen lại lao dốc
Ngày 22/9, Hội đồng Chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng bất chấp việc chỉ vài giờ trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nay để đối phó với lạm phát.
Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến BoJ chưa thay đổi chính sách tiền tệ là do đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn rất mong manh. Trong khi đó, lạm phát ở Nhật Bản vẫn còn khá thấp so với nhiều nước khác trên thế giới.
Trong tháng 8/2022, mặc dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ở Nhật Bản đã tăng cao nhất trong gần 8 năm qua nhưng nó cũng chỉ đứng ở mức 2,8%. Nhiều khả năng lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng cũng chỉ vượt ngưỡng 3% vào cuối năm nay.
Ngay sau khi BoJ công bố quyết định trên, đồng yen đã mất giá mạnh so với đồng USD. Tỷ giá giao dịch giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đã tăng vượt ngưỡng 145 yen/USD, thấp nhất trong 24 năm qua.
Giới phân tích dự báo với việc BoJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, nhiều khả năng đà mất giá của đồng yen so với đồng bạc xanh của Mỹ sẽ chưa dừng lại. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này có thể tăng lên mức 147,66 yen/USD, mức cao nhất kể từ năm 1998.
Trước đó, vào giữa tháng này, đồng bản tệ của Nhật Bản đã tụt xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng bạc xanh của Mỹ, chủ yếu do khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng do sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa BoJ và Fed. Tuy nhiên, đồng yen đã tăng nhẹ trở lại sau khi giới chức Nhật Bản cảnh báo sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà giảm giá của đồng yen.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận