menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Boeing, Airbus ‘túng tiền’ vì khách hàng hoãn nhận máy bay

Cơn bĩ cực của Boeing và Airbus cũng sẽ lan sang các nhà cung cấp?

Nhu cầu đi lại hàng không suy sụp do tác động của đại dịch Covid-19, khiến các hãng bay hoãn nhận máy bay mới, cắt đứt nguồn doanh thu quan trọng của hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing và Airbus cũng như các nhà cung cấp của họ.

Lượng máy bay bàn giao giảm mạnh

Trong nhiều trường hợp, các hãng bay cho biết họ không muốn nhận máy bay mới vào lúc này vì nhu cầu đi lại hàng hóa đang sụp đổ ở mức chưa có tiền lệ. Các hạn chế đi lại cũng cản trở phi công của một số hãng bay đến Mỹ và châu Âu để nhận máy bay mới từ Boeing và Airbus.

Kết quả là những chiếc máy bay đã hoàn thiện nằm "đắp chiếu" ở các bãi đỗ tại các nhà máy của Boeing và Airbus, khiến dòng tiền mặt của họ suy kiệt.

Các khách hành thường trả hơn 50% giá mua khi họ nhận máy bay mới. Boeing chỉ bàn giao 20 máy bay trong quí 2, giảm mạnh so với con số 90 máy bay vào cùng kỳ năm ngoái. Con số 20 là số máy bay bàn giao thấp nhất trong một quí của Boeing kể từ năm 1963.

Trong khi đó, tình hình của Airbus cũng không khá hơn. Hãng sản xuất máy bay này chỉ giao 74 máy bay trong quí vừa qua, giảm so với con số 227 chiếc vào cùng kỳ năm ngoái.

Theo hãng tư vấn Ascend by Cirium, trong số những máy bay chưa thể giao của Airbus, có bốn chiếc được hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) đặt mua. Tuy nhiên, hãng bay này cho biết sẽ không nhận bất cứ máy bay mới nào trong năm nay.

“Rõ ràng, chúng tôi đang trong tình thế không cần bất cứ máy bay nào nữa”, Giám đốc điều hành Delta Air Lines, Ed Bastian, nói tại cuộc họp báo hồi đầu tháng này khi giải thích về nhu cầu đi lại hàng không phục hồi còn yếu ở Mỹ.

Các hợp đồng mua máy bay thường cho phép khách hàng từ hủy mua máy bay đã đặt mua mà không bị phạt tiền nếu nhà sản xuất hoãn giao máy bay trong thời gian từ một năm trở lên.

Một số khách hàng của Boeing và Airbus hủy toàn bộ đơn hàng. Hồi tháng 6, hãng hàng không Norwegian Air Shuttle (Na Uy) cho biết hủy hợp đồng mua 5 chiếc 787 Dreamliner và 92 chiếc 737 Max của Boeing.

Norwegian Air Shuttle cũng đang kiện Boeing để đòi trả lại khoản tiền trả trước cho hợp đồng này cũng như bồi thường cho 15 tháng máy bay 737 Max bị cấm bay. Tính đến cuối năm ngoái, hãng bay này có 18 máy bay 737 Max nằm "đắp chiếu" vì bị cấm bay.

Trong một số trường hợp, khách hàng của Airbus phải nhận máy bay từ các địa điểm khác so với kế hoạch ban đầu do các yêu cầu cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Hãng cho thuê máy bay Air Lease Corp. (Mỹ) có hai chiếc 787 Dreamliner đang nằm ở bãi đỗ của nhà máy Boeing ở bang nam Carolina để chờ bàn giao cho hãng bay China Southern Airlines (Trung Quốc).

Giám đốc điều hành Air Lease Corp., John Plueger, cho biết việc bàn giao bị trì hoãn vì China Southern Airlines không muốn nhân viên bị cách ly nhiều tuần sau khi đến Mỹ để nhận máy bay.

Căng thẳng tài chính

Sức suy giảm quá lớn ở lượng máy bay bàn giao làm gia tăng thêm căng thẳng tài chính cho các nhà sản xuất máy bay. Giới phân tích ước tính Boeing và Airbus đã phải tiêu tốn hàng tỉ đô la Mỹ tiền mặt dự trữ trong quí 2 để trang trải chi phí hoạt động.

Boeing đã cắt giảm sản lượng máy bay và bắt đầu tiến hành sa thải 10% trong tổng lực lượng nhân sự 160.000 người trên toàn cầu để ứng phó với nhu cầu đi lại hàng không đang suy giảm.

Airbus cho biết sẽ sa thải 15.000 nhân sự và giảm sản lượng máy bay khoảng 1/3. Người phát ngôn Airbus cho biết tính đến cuối tháng 6, Airbus đang có khoảng 130 máy bay chờ bàn giao.

Cơn bĩ cực của Boeing và Airbus cũng sẽ lan sang các nhà cung cấp, chẳng hạn như nhà sản xuất động cơ máy bay General Electric (GE), vì cũng như các hãng sản xuất máy bay, họ chỉ nhận phần lớn khoản thanh toán khi máy bay được giao cho khách hàng.

Một lý do lớn khiến máy bay mới dồn ứ ở các nhà máy của Boeing là lệnh cấm bay dòng máy bay 737 MAX trên toàn cầu kể từ tháng 3-2019 sau hai vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến dòng máy bay này, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Đến nay, có đến 420 máy bay 737 MAX vẫn chưa thể giao cho khách hàng.

Trong bốn tháng đầu năm này, Boeing buộc phải tạm dừng sản xuất máy bay 737 Max. Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) có thể cho phép 737 Max bay trở lại cho đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, theo các quan chức chính phủ Mỹ.

Boeing cũng đang bị mắc kẹt với các loại máy bay thân rộng của Boeing, lớn hơn máy bay 737 Max khi khách hoãn nhận.

Nhu cầu những máy bay này, thường được sử dụng trong các tuyến bay quốc tế, dự kiến phục hồi chậm hơn so với các dòng máy bay nhỏ bay những chặng ngắn.

Boeing tăng tốc sản xuất các dòng máy bay thân rộng để giúp tạo nguồn doanh thu bù đắp cho mức tổn thất 20 tỉ đô la kể từ khi dòng máy bay 737 Max bị cấm bay hồi năm ngoái. Nhưng đại dịch Covid-19 làm sụp đổ nhu cầu đi bay hàng không chặng dài, khiến số lượng máy bay thân rộng chưa thể bàn giao tăng lên, gây thêm căng thẳng dòng tiền cho Boeing.

Theo hãng tư vấn Ascend by Cirium, hồi đầu tháng 7, ước tính có khoảng 35 máy bay thân rộng của Boeing thuộc các dòng 787 Dreamliner, 777 và 747, vẫn chưa thể bàn giao. Boeing sản xuất 14 máy bay 787 Dreamliner và 5 máy bay 777 mỗi tháng trước khi thông báo cắt giảm sản lượng của chúng vào hồi tháng 4.

Khi diện tích bãi đỗ ở gần các nhà máy của Boeing đã được lấp đầy, hãng sản xuất máy bay này bắt đầu đưa một số máy bay mới đến cất giữ một sân bay ở Victorville, bang California.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại